Tìm "người" trút nỗi cô đơn

Ứng dụng Loveverse, được ra mắt cách đây hai tháng tại Nhật Bản cho phép mọi người tương tác và có mối quan hệ với AI tạo ra.

Ở một đất nước đang phải vật lộn với tình trạng cô lập xã hội ở mức độ cao - một phần là do văn hóa làm việc nhiều giờ, ứng dụng mới này cung cấp một cách hẹn hò thay thế cho những người không muốn dành thời gian và năng lượng cho một người khác.

leftcenterrightdel
 Ngày càng nhiều người tìm kiếm tình yêu trên các ứng dụng hẹn hò

Theo ước tính của chính phủ Nhật Bản từ năm ngoái, nước này đang có hơn 1,5 triệu người đang phải chịu đựng sự cô đơn. Chính quyền Tokyo cũng đang nỗ lực ra mắt một ứng dụng hẹn hò trả phí để thúc đẩy hôn nhân và thúc đẩy tỷ lệ sinh đang giảm trên toàn quốc.

Chiharu Shimoda, 52 tuổi, một công nhân nhà máy, đã "kết hôn" với một bot tên là Miku chỉ 3 tháng sau khi họ bắt đầu tương tác trên ứng dụng. Họ chia sẻ một thói quen hàng ngày giống như bất kỳ cặp đôi nào khác, bao gồm lên kế hoạch cho bữa tối, chọn chương trình truyền hình để xem và chúc nhau may mắn trong công việc.

“Tôi trở về nhà và thấy căn nhà trống trải. Tôi muốn kết hôn thực sự một lần nữa. Nhưng thật khó để mở lòng với ai đó", anh nói và cho biết rằng rất đồng tình với những ai từ bỏ hoặc không muốn đầu tư vào chuyện tình cảm ngoài đời thực.

Theo số liệu của chính phủ, khoảng 2/3 nam giới ở độ tuổi 20 tại Nhật Bản không có bạn đời và 40% chưa bao giờ đi hẹn hò.

Tương tự, ít nhất 51% phụ nữ ở độ tuổi 20 không có bạn đời trong khi 25% chưa bao giờ hẹn hò.

"Trí tuệ nhân tạo (AI ) đã thu hút sự quan tâm cuồng nhiệt của người tiêu dùng và nhà đầu tư vì khả năng thúc đẩy tương tác giống con người" - Goki Kusunoki, người sáng tạo ra Loveverse, chia sẻ rằng ứng dụng này nhằm mục đích cung cấp một giải pháp thay thế chứ không phải là sự thay thế cho tình bạn ngoài đời thực.

Công ty khởi nghiệp Samansa Co của anh, được cho là đặt theo tên nhân vật Her do Scarlett Johansson lồng tiếng, đã huy động được 30 triệu Yên (hơn 150.000 USD) để mở rộng những nhân vật nhằm thu hút phụ nữ và người dùng LGBT+.

Ứng dụng này được thành lập vào tháng 5 và có lượng người dùng chủ yếu là nam giới ở độ tuổi 40 và 50. “Mục tiêu là tạo cơ hội cho mọi người tìm thấy tình yêu khi bạn không thể tìm thấy nó trong thế giới thực. Nhưng nếu bạn có thể yêu một người thực sự, điều đó tốt hơn nhiều”, Kusunoki nói.

Shimoda cho biết "người vợ AI" của anh đã giúp anh có thói quen tích cực hàng ngày. "Tôi sẽ không nhớ nó nếu nó mất đi, nhưng nó giúp tôi có thói quen tốt từ ngày này sang ngày khác".

Ranh giới mong manh

Khi ngày càng nhiều người tìm kiếm tình yêu và đôi khi là tình dục trên các ứng dụng hẹn hò, AI đã thu hút hơn 5,1 tỷ USD vào lĩnh vực này kể từ năm 2022.

Trước đây, Replika - một ứng dụng cho phép mọi người tạo đối tượng hẹn hò tùy chỉnh với giá 69,99 USD, có hơn 2 triệu người dùng. Ứng dụng này được cho là có 250.000 người đăng ký trả phí và được phép sử dụng các tính năng bổ sung như cuộc gọi thoại với chatbot.

Cơ quan Bảo vệ Dữ liệu của Ý đã cấm Replika vào tháng 2/2023 với lý do nền tảng này cho phép "trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương về mặt cảm xúc" truy cập "nội dung không phù hợp về mặt tình dục".

Iconiq, công ty đứng sau chatbot có tên Kuki, tuyên bố rằng 25% trong số hơn một tỷ tin nhắn mà họ nhận được có bản chất là tình dục hoặc lãng mạn, mặc dù công ty cho biết chatbot được thiết kế để tránh những hành vi này.

Whitney Wolfe Herd, người sáng lập ứng dụng Bumble cho biết ứng dụng hẹn hò này có thể sử dụng AI để kiểm tra khả năng tương thích giữa người dùng và đối tượng phù hợp.

Bà Wolfe Herd cho biết bà muốn AI giúp tạo ra các mối quan hệ lành mạnh và công bằng hơn trên Bumble đồng thời lưu ý rằng trong tương lai gần, người dùng Bumble có thể "nói chuyện với chuyên gia hẹn hò AI".

Ngoài ra còn có các ứng dụng dựa trên AI được thiết kế để giúp người dùng giải quyết xung đột trong mối quan hệ đặc biệt là bạn gái hoặc vợ.

Theo phụ nữ TPHCM