Kết nối xuyên văn hoá
Cuối tháng Bảy này, dịch giả Nguyễn Lệ Chi (Giám đốc Chibooks, Ủy viên Hội đồng văn học dịch, Hội Nhà văn TPHCM) sẽ có mặt tại Hội nghị văn chương trẻ Đông Nam Á, tổ chức tại Nam Ninh, Trung Quốc. Đây là dịp để nhà văn các nước Đông Nam Á có dịp giao lưu, chia sẻ về tác phẩm cũng như những thành tựu văn học. Trước đó, chị Nguyễn Lệ Chi cũng đã mời nhà văn Hoàng Bội Giai - tác giả viết cho thiếu nhi nổi tiếng Trung Quốc - giao lưu online với bạn đọc và các nhà văn TPHCM.
Nhà văn Pyun Hye-young (giữa) chia sẻ câu chuyện quảng bá văn chương ra thế giới hiệu quả của Hàn Quốc trong hơn 3 thập niên vừa qua - Ảnh: Ngọc Tuyết
Mới đây, nhà văn Hàn Quốc Puyn Hye-young (tác giả của Hố đen sâu thẳm, Tro tàn sắc đỏ) đã có buổi giao lưu tại TPHCM, trong khuôn khổ sự kiện Gặp gỡ văn chương Việt - Hàn. Chị chia sẻ nhiều về văn học Hàn Quốc đương đại cũng như câu chuyện sáng tác của cá nhân, đặc biệt là những phương thức quảng bá hiệu quả văn chương Hàn ra thế giới. Thông qua buổi giao lưu, bạn viết, bạn đọc còn được nghe những chia sẻ sâu sắc từ các diễn giả về mối quan hệ giữa văn hóa - văn học Việt Nam và Hàn Quốc; đặc biệt là cùng nhìn nhận lại quá trình phát triển của văn học đương đại ở cả 2 quốc gia. Cuộc gặp gỡ văn chương Việt - Hàn mở ra nhiều tín hiệu vui về sự kết nối giao lưu văn chương giữa 2 nước trong thời gian tới.
Trước đó, công ty sách Nhã Nam cũng đã mời nhiều nhà văn nổi tiếng thế giới đến giao lưu với bạn đọc Việt Nam như Marc Levy, Michel Bussi… Bạn đọc TPHCM từng có cơ hội giao lưu với những nhà văn tên tuổi của Trung Quốc: Đông Tây, Diêm Liên Khoa… Ở chiều ngược lại, các nhà văn Việt Nam cũng đã có cơ hội đến thăm, học hỏi và giao lưu văn chương tại các nước.
Năm 2022, Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TPHCM đến Hàn Quốc giao lưu với Liên hiệp Các hội văn hóa, nghệ thuật TP Daegu. Đó cũng là nơi 4 năm trước, đoàn nhà văn Việt Nam có dịp đến giao lưu, ra mắt tập thơ Cây tâm hồn (gồm sáng tác của 45 nhà thơ Việt Nam và Hàn Quốc). Tháng Sáu vừa qua, theo lời mời của nhà thơ Murad Sudani - Chủ tịch Hội Nhà văn Palestine - đoàn nhà văn Hội Nhà văn Việt Nam đã đến thăm và giao lưu tại quốc gia Trung Đông này. Đoàn có hành trình 9 ngày làm việc, gặp gỡ các lãnh đạo, giao lưu với các nhà văn và cùng tìm hiểu lịch sử, văn hóa Palestine.
Nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM - bày tỏ hy vọng rằng những cuộc giao lưu văn chương quốc tế sẽ góp phần tạo cơ hội cho hành trình quảng bá văn học Việt ra thế giới và ngược lại, giới thiệu thêm nhiều tác phẩm hay của các nước đến bạn đọc Việt Nam. Đây cũng là kỳ vọng chung của rất nhiều nhà văn trong nước, bởi cho đến thời điểm này, Việt Nam vẫn còn bàn chuyện làm thế nào để xuất khẩu văn chương Việt - so với nhiều nước, đã là rất muộn.
Bài học quảng bá từ xứ Kim chi
Một trong những điều được các nhà văn Việt Nam quan tâm tại buổi giao lưu Gặp gỡ văn chương Việt - Hàn chính là việc quảng bá văn học cũng như văn hóa Việt ra thế giới. Bài học từ phương thức và cách thức quảng bá từ Hàn Quốc rất rõ ràng, có chiến lược và hiệu quả. Từ năm 1996, xứ kim chi đã có Viện Dịch thuật văn học Hàn Quốc, tập trung vào việc đầu tư, quảng bá văn học Hàn ra thế giới. Những năm qua, nhiều hoạt động giao lưu tác giả - tác phẩm Hàn Quốc được tổ chức tại Việt Nam cũng do Viện Dịch thuật văn học Hàn Quốc phối hợp tổ chức, tài trợ.
|
Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh (giữa) trao quyển sách Lịch sử đất nước Palestine cho đại diện Việt Nam, với hy vọng sách sẽ được in tiếng Việt. Ảnh: Hội Nhà văn TPHCM |
“Chính phủ luôn có sự đầu tư, hỗ trợ sáng tác cho các nhà văn. Nhiều giải thưởng văn chương trong nước có giá trị rất lớn, tính theo mệnh giá tiền Việt Nam có thể lên đến 1 tỉ đồng. Điều này rất có ý nghĩa với các nhà văn chúng tôi. Việc quảng bá tác phẩm ra nước ngoài hiệu quả trong những năm qua cũng không thể do cá nhân nhà văn mà nhờ có sự đầu tư, quảng bá từ viện dịch thuật” - nhà văn Pyun Hye-young chia sẻ. Trong khi đó, với văn học Việt, các tác phẩm được chuyển ngữ, phát hành hay đăng báo nước ngoài chủ yếu thông qua các mối quan hệ/kết nối cá nhân và vì vậy không đều đặn, văn chương Việt đương đại cũng không đủ sức tạo dấu ấn trên văn đàn thế giới.
Những năm qua, câu chuyện quảng bá văn học Việt ra thế giới vẫn luôn là trăn trở và mong chờ, hy vọng của các nhà văn Việt Nam. Đến thời điểm hiện tại, rất ít tác phẩm văn chương Việt được “ra thế giới”, trong khi ta có nhiều tác phẩm hay, giá trị, xứng đáng được chuyển ngữ, phát hành ở nước ngoài.
“Từ những buổi kết nối văn chương và giao lưu văn hóa mang tính quốc tế, chúng tôi hy vọng hành trình đưa văn học Việt Nam đến với độc giả thế giới sẽ bớt dần những khó khăn (thậm chí là bế tắc), nếu được sự quan tâm đúng mức từ Nhà nước cũng như các ban ngành liên quan, để những tác phẩm văn chương hay lan tỏa được giá trị nhân văn, góp phần thực hiện sứ mệnh của những “đại sứ” văn hóa” - nhà văn Bích Ngân bày tỏ. Sự quan tâm đầu tư và có chiến lược từ phía Nhà nước trong việc quảng bá văn học Việt là những điều mà những người cầm bút hy vọng và chờ đợi.
Theo phụ nữ TPHCM