Khi Jane, một giáo viên mẫu giáo ở phía nam thành phố Quảng Châu (Trung Quốc), nói với bạn học cũ về nơi mình làm việc, phản ứng nhận được nằm ngoài tưởng tượng của cô.
“Vậy bạn có đánh lũ trẻ thường xuyên không?”, người bạn thắc mắc.
Lúng túng và bối rối, Jane lấy lại bình tĩnh để trả lời: “Không, chúng tôi không đánh trẻ”.
Những vụ giáo viên đánh đập trẻ nhỏ được cho xuất phát từ việc những người này không được đào tạo sư phạm đầy đủ. Ảnh: Sixth Tone.
Cô giáo mầm non thừa nhận cảm giác khi nghe được câu hỏi ấy phần nhiều là tức giận. Nhưng bản thân Jane cũng hiểu vì sao bạn cũ lại nói một câu bất lịch sự như vậy.
Nhiều vụ bê bối xảy ra ở các trường mẫu giáo trong những năm gần đây ở Trung Quốc là nguyên nhân khiến ác cảm của xã hội đối với người dạy dỗ trẻ nhỏ nảy sinh.
"Vú em", "người trông trẻ"
Mới đầu tháng 9, hiệu trưởng một trường mẫu giáo tư nhân ở Nội Mông bị cách chức sau khi phụ huynh tố cáo vị lãnh đạo trường dùng kim và tăm xỉa răng đâm vào người con cái mình. Lý do người này đưa ra là muốn các em ổn định trật tự.
Năm 2018, một giáo viên mầm non thuộc RYB Education, hệ thống mẫu giáo tư thục nổi tiếng tại Bắc Kinh, bị kết án 18 tháng tù giam. Người này cũng bị phát hiện có hành vi lấy kim chọc vào người học sinh.
Trong thập niên vừa rồi, Trung Quốc chứng kiến tiến bộ vượt bậc trong ngành giáo dục mầm non.
Năm 2009, số trẻ em 3-6 tuổi đi học mẫu giáo chiếm 51%. Sau 10 năm, tỷ lệ này tăng lên 83%, tương ứng với 17,4 triệu trẻ được hưởng giáo dục trước tiểu học.
Trong đó, các cơ sở tư nhân đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy sự tăng trưởng này khi những chuỗi trường tư thục như RYB Education mở rộng nhanh chóng.
Phần lớn các cá nhân, công ty đứng ra kinh doanh mẫu giáo tư nhân có ít kinh nghiệm trong lĩnh vực mầm non và chú tâm vào kiếm lời. Ảnh: Sixth Tone.
Đến năm 2019, 61% trường mẫu giáo ở Trung Quốc do tư nhân điều hành. Ước tính, 56% trẻ em theo học tại các cơ sở này.
Tuy nhiên, những con số mới chỉ thể hiện phần tốt đẹp.
Trong một hội nghị, Hong Xiumin, Giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục Mầm non tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, từng hỏi các giáo viên mẫu giáo về cách công chúng nhìn nhận công việc của họ.
Đa số câu trả lời nhận được là “các vú em”, “người trông trẻ”. Rất ít người được coi trọng là người làm trong ngành giáo dục.
Phần lớn các cá nhân, công ty tư nhân đứng ra kinh doanh có ít kinh nghiệm trong lĩnh vực mầm non và chỉ chú trọng làm giàu, kiếm lời.
Tập đoàn Vtron, chủ của trường mẫu giáo ở Nội Mông mới bị phát hiện lạm dụng trẻ em vào hồi tháng 9, chủ yếu sản xuất màn hình ghép, chuyên phục vụ trình chiếu trước khi mua lại bốn chuỗi nhà trẻ vào năm 2015.
Tập đoàn Shenzhen Changfang, đối thủ của Vtron, cũng được khách hàng biết đến nhiều hơn với sản phẩm đèn Led, trước khi đầu tư vào các trường mầm non vào năm 2016.
Đòn đau, nhớ lâu
Theo công ty nghiên cứu Qianzhan, các công ty đang tranh giành “miếng bánh béo bở” trong thị phần có trị giá 250 tỷ NDT (36,1 tỷ USD). Thậm chí, một diễn giả từng nửa đùa nửa thật ví lợi nhuận kiếm được từ mẫu giáo tư nhân không thua kém gì so với kinh doanh bất động sản.
Ngành mẫu giáo phát triển khiến nhu cầu giáo viên mầm non tăng đột biến, trong khi số lượng đạt tiêu chuẩn từ lâu đã không đủ để đáp ứng.
Trước năm 2010, Trung Quốc đưa đào tạo hệ mầm non vào danh sách ưu tiên đào tạo giáo viên quốc gia, song có rất ít chương trình đào tạo bài bản, đầy đủ. Hầu hết chúng chỉ là phần bổ sung cho các chương trình đào tạo cấp 1 và cấp 2.
Trong thập niên vừa rồi, Trung Quốc chứng kiến tiến bộ vượt bậc trong ngành giáo dục mầm non. Ảnh: Sixth Tone.
Hiện tại, vấn đề phần nào được cải thiện nhưng tình trạng thiếu hụt giáo viên đạt chuẩn vẫn tồn tại. Năm 2019, Chen Baosheng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục của Trung Quốc cho biết con số cần lấp đầy vào lỗ hổng là 520.000 người.
Ở một số vùng nông thôn, xảy ra tình trạng một cô giáo có thể chịu trách nhiệm quản lý lên tới 100 em. Gắn liền với sự thiếu hụt số lượng là tình trạng lương thấp, các quyền lợi, dịch vụ an sinh xã hội cũng không được đảm bảo.
Ngay cả những người làm nghề cũng không coi đây là công việc ổn định và nhảy việc, thôi việc diễn ra thường xuyên. Một trường mẫu giáo từng báo cáo họ mất 1/3 nhân lực mỗi năm. Trong khi đó, nhiều trường thuê người không đủ năng lực, thậm chí không thèm đào tạo lại nhân viên.
Điều này tất yếu gây ra hậu quả cho chính những đứa trẻ. Nguyên nhân chính của các vụ bạo lực, lạm dụng trẻ mẫu giáo là do những người phụ trách lớp không qua đào tạo bài bản.
Đặc biệt, quan điểm “đòn đau, nhớ lâu”, phải đánh đòn để trừng phạt khi trẻ nhỏ mắc lỗi từng là chuẩn mực trong thời gian dài tại xuyên suốt các cấp học ở Trung Quốc.
Do đó, nhiều cô giáo coi việc dùng đòn roi lên những đứa trẻ không hề sai và thậm chí còn mách bảo nhau cách đánh thế nào để học sinh sợ hãi, nhớ lâu.
Trong khi đó, nhiều trường mẫu giáo cố gắng giải quyết thực trạng lạm dụng trẻ em theo cách "chữa cháy" như giảng dạy thêm về đạo đức nhà giáo, trong khi bỏ qua các vấn đề mang tính hệ thống như đào tạo không đủ, khối lượng công việc nặng nề hay một loạt khó khăn khác.
Theo Zing