Tháng 10 vừa qua, Seo Min-jeong (29 tuổi), con gái lớn của Chủ tịch Tập đoàn Amorepacific Seo Kyung-bae, kết hôn với Hong Jeong-hwan (35 tuổi), con trai cả của Chủ tịch Tập đoàn Bokwang Investment Hong Seok-joon.
Đám cưới diễn ra hoàn toàn riêng tư tại Shilla Hotel Guesthouse ở Jangchung-dong, Seoul, được coi là tượng trưng cho sự liên kết giữa hai gia đình tài phiệt lớn mạnh của Hàn Quốc.
Hình ảnh hiếm hoi trong ngày cưới của con gái lớn Chủ tịch Amorepacific Seo Kyung-bae.
Trước đó, Tập đoàn Amorepacific cũng đã liên kết với Chosun Ilbo, Nongshim bằng những cuộc hôn nhân tương tự. Vợ của Chủ tịch Seo Gyeong-bae, Shin Yoon-kyung, là con gái út của Chủ tịch Tập đoàn Nongshim Shin Chun-ho.
Anh trai của Chủ tịch Seo là Seo Young-bae, chủ tịch của Pacific Development, đã kết hôn với Bang Hye-seong, con gái lớn của chủ tịch danh dự Chosun Ilbo.
Các cuộc hôn nhân liên kết trong giới tài phiệt đã không còn xa lạ gì ở Hàn Quốc. Những đại tập đoàn lớn thường dựa vào các đám cưới để xây dựng quan hệ làm ăn, thậm chí tạo ra một "vòng liên kết vàng" như trường hợp của Tập đoàn Amorepacific.
Theo khảo sát của Leaders Network, gần 1/3 con cái của 10 tập đoàn kinh doanh lớn nhất Hàn Quốc kết hôn với nhau chủ yếu vì mục đích kinh doanh.
"Hôn nhân trong giới tài phiệt căng thẳng hơn nhiều vì nó gắn liền với việc mở rộng kinh doanh. So với hôn nhân bình thường, những đám cưới liên kết có ý nghĩa hơn", một đại diện tập đoàn lớn nói.
Hôn nhân "chaebol với chaebol"
Các gia đình nắm giữ những tập đoàn lớn (chaebol) tại Hàn Quốc đang ngày càng quay lưng lại với thế giới chính trị và ưa thích tìm kiếm mối quan hệ hôn nhân với chaebol ngang hàng, theo Korea Herald.
Trong số con cái của các chủ sở hữu tập đoàn đương nhiệm, phần lớn đã kết hôn với con nhà tài phiệt khác. Điều này phản ánh sự ưa chuộng ngày càng tăng trong giới kinh doanh đối với tài sản thừa kế.
48,3% thành viên gia đình chaebol kết hôn với các nhân vật ngang hàng trong giới kinh doanh.
Theo dữ liệu do CEO Score tổng hợp và công bố, 153 trong số 317 thành viên gia đình sở hữu đại tập đoàn, chiếm 48,3%, đã kết hôn với các nhân vật chaebol ngang hàng.
Cuộc khảo sát được thực hiện trên 55 tập đoàn gia đình được Cơ quan Cạnh tranh công bằng phân loại là các tập đoàn kinh doanh lớn.
Hôn nhân “chaebol với chaebol” tại Hàn Quốc có xu hướng tăng khi chỉ chiếm 46,3% ở thế hệ cha mẹ nhưng tăng thành 50,7% ở con cái, thế hệ giàu có thứ hai, ba.
Ngược lại, mối quan hệ hôn nhân giữa gia đình chaebol với giới chính trị gia đã giảm xuống còn 7% so với 28% ghi nhận ở thế hệ trước.
Cũng có một số nhân vật thuộc giới tài phiệt Hàn đã chọn kết hôn với những người bình thường không có xuất thân giàu có.
Kim Dong-gwan, người thuộc thế hệ thừa kế thứ ba của Tập đoàn Hanwha và là Giám đốc điều hành của Hanwha Solutions, đã kết hôn với một phụ nữ không phải chaebol vào năm ngoái.
Diễn viên Jeon Ji Hyun kết hôn với Choi Joon Hyuk, con trai chủ ngân hàng giàu có và là cổ đông lớn nhất của Alpha Asset Management.
Giám đốc điều hành Celltrion Seo Jun-seok và Giám đốc điều hành Hoban Construction Kim Dae-heon cũng theo đuổi những cuộc hôn nhân bình thường ngoài vòng liên kết chaebol.
Tuy nhiên, đó là những trường hợp hiếm hoi và thường không được ủng hộ vì không góp phần giúp các chaebol củng cố quyền lực, mở rộng ảnh hưởng.
Park Ju-gun, đồng giám đốc điều hành Score, cho biết: "Trước đây, việc thiết lập quan hệ với các thế lực chính trị được coi là tối quan trọng đối với giới kinh doanh. Thế nhưng, trong vài thập kỷ qua, giới kinh doanh đã giành được quyền lực và sự độc lập".
Thay vào đó, thừa kế của cải đã trở thành một từ khóa mới trong đấu trường tài chính, ông nói thêm.
Các tập đoàn có hôn nhân "chaebol với chaebol" nhiều nhất là GS Group và LS Group. Tập đoàn GS đã kết giao với Kumho Petrochemical, SeAH, Taekwang, LIG, Byucksan, Asia, Sampyo và Bubang.
Trong khi LS Group đã trở thành thông gia với Doosan, Kisco Holdings, OCI, BGF, Cheonil Passenger, Sajo, Hyundai Motor Company và Sampyo.
Theo Zing