leftcenterrightdel
 Tư duy phân tích quyết định rất lớn vào sự thành công của người đi làm

Làn sóng trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo ra nhiều thay đổi đối với nhiều ngành nghề, từ sản xuất, dịch vụ đến ngành công nghiệp. Trong bối cảnh đó, người lao động không chỉ cạnh tranh với nhau mà còn phải đảm bảo bản thân mình không bị thay thế bởi AI. Top 10 kỹ năng dưới đây sẽ giúp người lao động luôn trụ vững trong sự nghiệp của mình.

1. Tư duy sáng tạo

Một lý do khiến cho tư duy sáng tạo luôn là kỹ năng được nhiều doanh nghiệp đề cao nhất ở người đi làm đó chính là AI giải quyết vấn đề dựa trên quy tắc và mô hình đã được lập trình trước, trong khi đó tư duy sáng tạo của con người có thể tạo ra những giải pháp độc đáo và không tuân theo các quy tắc đã biết. Điều này giúp con người tìm ra những giải pháp mới mẻ và linh hoạt hơn trong môi trường làm việc phức tạp.

Theo một nghiên cứu được công bố trong tạp chí Creativity Research Journal, những nhân viên có kỹ năng tư duy sáng tạo cao thường có khả năng giải quyết vấn đề nhanh chóng hơn và có thể đưa ra nhiều ý tưởng mới, từ đó nâng cao hiệu suất làm việc của tổ chức.

Nhân sự có thể rèn luyện kỹ năng tư duy sáng tạo bằng cách thúc đẩy những suy nghĩ độc lập, chủ động sáng tạo và đưa ra nhiều ý tưởng khác nhau, không ngần ngại với những thử nghiệm mới cũng như thất bại.

2. Tư duy phân tích

AI thường hoạt động bằng cách xử lý các dữ liệu có cấu trúc, trong khi đó kỹ năng tư duy phân tích của con người cho phép họ xử lý và hiểu được thêm cả những thông tin phức tạp, không cấu trúc và đa chiều một cách linh hoạt hơn.

Dữ liệu từ các cuộc khảo sát và nghiên cứu do Harvard cho thấy những tổ chức sử dụng dữ liệu để hỗ trợ quyết định kinh doanh thường có hiệu suất cao hơn. Áp dụng tư phân tích để đánh giá dữ liệu, phân tích xu hướng và thông tin chi tiết sẽ giúp cho người đi làm và doanh nghiệp đưa ra quyết định một cách chính xác và kỹ lưỡng. 

Đồng thời, họ có thể xác định và loại bỏ những rào cản, vấn đề, hoặc quy trình không hiệu quả trong công việc, cũng như dự đoán và đưa ra các chiến lược phù hợp cho tương lai.

3. Khả năng cập nhật kiến thức công nghệ

Nghiên cứu từ PricewaterhouseCoopers (PwC) cho biết việc đầu tư vào kỹ năng và cập nhật kiến thức công nghệ có thể tăng GDP toàn cầu lên đến 14,6% vào năm 2030. Do đó, khi công nghệ ngày càng phát triển nhanh chóng và liên tục, việc cập nhật kiến thức công nghệ trở thành một yếu tố quan trọng giúp người lao động duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Khả năng cập nhật kiến thức công nghệ giúp người lao động hiểu và áp dụng các công nghệ mới, từ đó tạo ra sản phẩm, dịch vụ và quy trình làm việc mới mẻ và sáng tạo hơn. Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ mới còn giúp người lao động tối ưu hóa quá trình làm việc, nâng cao hiệu suất và hiệu quả. Một nghiên cứu từ Burning Glass Technologies cho thấy 8 trong 10 việc làm mới được tạo ra yêu cầu có ít nhất một loại kỹ năng công nghệ.

4. Khả năng tò mò và học tập suốt đời

Nghiên cứu của Đại học Toronto (Canada) cho biết rằng mỗi năm học thêm sau khi tốt nghiệp đại học có thể giúp tăng thu nhập trung bình của người lao động lên đến 10%. Khả năng tò mò và học tập suốt đời không chỉ giúp người lao động nắm bắt được các kỹ năng mới mà còn hỗ trợ nâng cao khả năng sáng tạo và phát triển bản thân. Người lao động có khả năng tò mò và học tập suốt đời sẽ linh hoạt hơn trong việc thích nghi với các thay đổi trong công việc và môi trường làm việc mới.

Không những thế, các nhân viên ham học thường có xu hướng tự động cập nhật kiến thức của họ và chia sẻ thông tin với đồng nghiệp, từ đó tạo ra một môi trường làm việc tích cực và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hơn. Ngoài ra, công nghệ thông tin đang phát triển rất nhanh, và khả nănghọc tập là một phần quan trọng giúp mọi người thích ứng và nắm bắt những tiến triển mới trong công nghệ, từ đó duy trì năng lực cạnh tranh và tiếp tục phát triển.

5. Kỹ năng tự phục hồi, linh hoạt và nhanh nhẹn

Theo một khảo sát từ IBM, hơn 60% các CEO cho rằng linh hoạt và sự sẵn lòng thay đổi là yếu tố quan trọng nhất giúp doanh nghiệp phát triển. Kỹ năng này giúp người lao động thích ứng với những biến đổi nhanh chóng trong môi trường làm việc, đảm bảo họ vẫn có thể duy trì và phát triển sự nghiệp trong những điều kiện và biến động mới.

Khả năng tự phục hồi, linh hoạt và nhanh nhẹn giúp người lao động tự tin hơn trong việc tự quản lý và điều chỉnh công việc của họ, từ đó có thể tạo ra một môi trường làm việc tích cực và hiệu quả. Điều này giúp họ cạnh tranh tốt hơn trong một thị trường lao động ngày càng phức tạp và đầy thách thức.

leftcenterrightdel
 Công nghệ phát triển nên người lao động cần có kỹ năng sử dụng công nghệ mới

6. Tư duy hệ thống

Các công ty và tổ chức đang ngày càng chuyển đổi thành các hệ thống linh hoạt để thích ứng với biến đổi của thị trường và môi trường kinh doanh. Vì thế, những nhân sự có kỹ năng tư duy hệ thống thường có khả năng dự đoán xu hướng và tương lai của công việc và thị trường một cách hiệu quả, nhờ vậy họ sẽ giúp đưa ra các chiến lược và quyết định phù hợp cho tổ chức.

Theo Harvard Business Review, kỹ năng tư duy hệ thống giúp người lao động nhìn nhận các rủi ro cũng như cơ hội từ một góc độ tổng thể và khách quan, từ đó có thể đưa ra các biện pháp quản lý rủi ro hiệu quả và tối ưu hóa hiệu suất làm việc. Tóm lại, tư duy hệ thống không chỉ giúp người lao động hiểu rõ và phân tích các khía cạnh phức tạp trong công việc mà còn tối ưu hóa hiệu suất, giải quyết vấn đề, dự đoán xu hướng và quản lý rủi ro. Điều này giúp họ cạnh tranh và đóng góp vào sự phát triển của tổ chức một cách hiệu quả và bền vững.

7. AI và dữ liệu lớn

53% doanh nghiệp cho biết họ đã thấy tăng trưởng doanh số và lợi nhuận sau khi triển khai dự án dữ liệu lớn và AI, theo Forbes. Ngoài ra, McKinsey ước tính rằng AI có thể tăng cường hiệu suất lao động lên đến 40% và giảm chi phí sản xuất đến 60%. Chính vì thế, thay vì để AI thay thế công việc, người lao động cần học hiểu về trí tuệ nhân tạo cũng như Big Data để có thể thúc đẩy hiệu suất và khả năng làm việc của mình.

Có kỹ năng vận dụng AI và dữ liệu lớn còn giúp phát triển thêm nhiều kỹ năng khác như: Phân tích dữ liệu; Đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu; Áp dụng các công nghệ tự động hóa; Dự đoán và dự báo xu hướng thị trường; Hiểu và tùy chỉnh trải nghiệm khách hàng; Đổi mới và sáng tạo...

8. Khả năng tự tạo động lực và nhận thức về bản thân

Những người lao động có động lực cao hơn thường có xu hướng đạt được thành công nghề nghiệp và hiệu suất làm việc cao hơn. Cụ thể hơn, khả năng tự tạo động lực và nhận thức về bản thân giúp người lao động duy trì được động lực làm việc và sự cam kết đối với công việc, nhờ vậy họ mới có khả năng đạt được kết quả tốt hơn và tiến xa hơn trong sự nghiệp. Khả năng này còn giúp người đi làm quản lý cảm xúc và áp dụng trí tuệ cảm xúc trong quá trình làm việc. Trong khi AI chỉ có thể phân tích dữ liệu, và hiện vẫn chưa có khả năng hiểu cũng như tương tác với cảm xúc con người một cách tự nhiên.

leftcenterrightdel
 Người lao động có động lực cao hơn thường có xu hướng đạt được thành công nghề nghiệp và hiệu suất làm việc cao hơn

Ngoài ra, nghiên cứu từ Journal of Occupational and Organizational Psychology chỉ ra rằng khả năng nhận thức về bản thân giúp người lao động hiểu rõ nhu cầu, mong muốn và giá trị cá nhân của mình trong công việc. Thông qua đó họ có thể xây dựng mối quan hệ tốt hơn với đồng nghiệp và cảm thấy hài lòng hơn trong công việc, từ đó tạo ra một môi trường làm việc tích cực và hiệu quả.

9. Quản lý nhân sự

Kỹ năng quản lý nhân sự giúp tổ chức tạo ra một môi trường làm việc tích cực và lành mạnh, làm tăng cường hiệu suất cũng như hiệu quả làm việc của nhân viên. Nghiên cứu và báo cáo từ Deloitte chỉ ra rằng một tổ chức có chiến lược quản lý nhân sự hiệu quả thường có tỷ lệ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cao hơn 2,2 lần so với tổ chức không có chiến lược này.

Ngoài ra, hơn 70% các doanh nghiệp tin rằng quản lý nhân sự là yếu tố chính giúp họ giữ chân nhân tài và phát triển nguồn nhân lực, theo Harvard Business Review. Chính vì vậy có thể thấy kỹ năng quản lý nhân sự đóng giữ một vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng văn hóa tổ chức tích cực, tạo ra một môi trường làm việc hấp dẫn và thu hút nhân tài.

10. Kỹ năng dịch vụ khách hàng

Cuối cùng trong top 10 kỹ năng quan trọng mà nhân sự cần nắm bắt chính là kỹ năng dịch vụ khách hàng. Dịch vụ khách hàng thường đòi hỏi sự tương tác giữa con người và sự linh hoạt trong việc giải quyết các tình huống phức tạp. AI mặc dù có thể cung cấp các giải pháp tự động cho một số vấn đề, nhưng chúng thường thiếu tính nhân văn và khả năng tương tác với con người. Chính vì thế, cảm giác được chăm sóc và hỗ trợ khi cần thiết từ con người thường tạo ra một ấn tượng sâu sắc, đáng tin cậy hơn so với việc tương tác với máy móc.

73% khách hàng cho biết họ sẽ chọn lại một sản phẩm hoặc dịch vụ nếu họ có trải nghiệm tốt với dịch vụ khách hàng, theo nghiên cứu từ Harvad. Như vậy, nhân sự sở hữu kỹ năng này có thể tạo ra trải nghiệm tích cực cho khách hàng thông qua sự tận tâm chăm sóc, từ đó tăng cường sự hài lòng và trung thành của khách hàng.

Theo nld