Chín trong số 20 thành phố rẻ nhất thế giới nằm ở châu Á, theo khảo sát Chi phí Sinh hoạt Toàn cầu mới nhất, được thực hiện hai năm một lần bởi Cơ quan Tình báo Kinh tế (EIU), công ty nghiên cứu thuộc Tập đoàn Economist (trụ sở tại Anh). Tuy nhiên, châu Á cũng là nơi có một số đô thị đắt đỏ nhất thế giới. Lần thứ 9 trong 11 năm, Singapore đứng đầu danh sách thành phố có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất, cùng với Zurich, thành phố lớn nhất Thụy Sĩ. Hồng Kông là thành phố có chi phí sinh hoạt đắt đỏ thứ hai ở châu Á và thứ 5 trên toàn thế giới.
Mặc dù có một số thứ hạng cao nhưng hầu hết các thành phố ở châu Á đều trở nên tương đối rẻ hơn trong năm nay: 46 trên 58 thành phố trượt khỏi bảng xếp hạng do lạm phát thấp hơn. Các thành phố của Trung Quốc tụt hạng xa nhất - trung bình 19 bậc - do sự phục hồi kinh tế chậm chạp một cách đáng kinh ngạc sau khi kết thúc các biện pháp "zero Covid" vào cuối năm 2022.
Bảy thành phố ở Úc và New Zealand cũng giảm trung bình 11 bậc. Cả hai loại tiền tệ ở hai quốc gia này đều mất giá so với đồng đô la Mỹ, vượt xa tác động của lạm phát nhanh hơn. Tokyo và Osaka, hai thành phố của Nhật Bản nằm trong top 20 thành phố đắt đỏ nhất thế giới năm 2021, tiếp tục trượt dốc chỉ số, lần lượt xuống vị trí thứ 60 và 70. Chính phủ Nhật Bản ngược lại với hầu hết các nước, đó là họ muốn lạm phát nhiều hơn chứ không phải ít hơn.
Chỉ có một số nơi ở châu Á trở nên tương đối đắt đỏ hơn trong năm nay. Hai thành phố của Hàn Quốc, Seoul và Busan, đã tăng thứ hạng do giá cả tăng nhanh hơn ở New York và đồng won tăng giá so với đô la Mỹ. Hai thành phố khác thậm chí còn chứng kiến mức tăng lớn hơn: Nouméa, ở New Caledonia ở Nam Thái Bình Dương và Bangkok. Kinh tế của thủ đô của Thái Lan đã phục hồi trở lại chủ yếu nhờ đồng tiền mạnh hơn.
Cụ thể, xếp hạng 5 thành phố đắt đỏ nhất châu Á năm 2023 gồm: Singapore, Hồng Kông, Seoul, Sydney, Melbourne. Các thành phố còn lại trong top 10: Thượng Hải (Trung Quốc); Aukland, Wellington (New Zealand)… (điểm từ 90 - 100). TP.HCM cũng xuất hiện trong bảng xếp hạng, ở nhóm điểm từ 50 - 70 điểm, vào loại trung bình.
Những thành phố có chi phí rẻ nhất châu Á đều thuộc Ấn Độ: Karachi, Ahmedabad, Chennai, Bangalore, New Delhi (điểm từ 28 - 50).
10 thành phố đắt đỏ nhất thế giới gồm: Singapore và Zurich (đồng hạng); New York, Mỹ và Geneva, Thụy Sĩ (đồng hạng 2); Hong Kong; Los Angeles, Mỹ; Paris, Pháp; Copenhagen, Đan Mạch; Tel Aviv, Israel; San Francisco, Mỹ.
EIU đã khảo sát 173 thành phố lớn, so sánh hơn giá cả của hơn 200 sản phẩm và dịch vụ thiết yếu để cho ra kết quả.
Theo Thanh niên