Sau khi mua chiếc xe ăn trộm, McGahey, 23 tuổi, bị bắt và đối mặt với mức phạt một năm tù vào năm 2010. Ngày 9/3/2010, thay vì án tù, anh ta bị thẩm phán yêu cầu tham gia chương trình cải tạo vốn dành cho người nghiện ma túy.
Tham gia chương trình, McGahey bị yêu cầu làm việc không công cho một xưởng chế biến thịt gà. Sau ba tháng đứng máy, Brad McGahey bất ngờ bị kẹt tay trái vào băng chuyền, gãy xương.
Nhiều người tại Mỹ đã rơi vào hoàn cảnh như McGahey. Những năm gần đây, thay vì phạt tù, nhiều bang tại Mỹ áp dụng mô hình tòa ma túy với xu hướng yêu cầu người phạm tội liên quan ma túy hoặc tội không bạo lực phải tham gia chương trình cải tạo bắt buộc.
Chương trình cải tạo mà tòa án yêu cầu bị cáo hoàn thành thường do các cơ sở tái hòa nhập tổ chức. Hiện có ít nhất 300 cơ sở tái hòa nhập phân bố trên 44 bang Mỹ có yêu cầu học viên phải lao động không công, theo thống kê của Reveal, thuộc Trung tâm báo chí điều tra (Mỹ). Những năm gần đây, ít nhất 60.000 học viên mỗi năm tham gia các chương trình cải tạo có đi kèm lao động không công.
Tham gia chương trình, học viên cai nghiện ma túy hoặc rượu sẽ được cung cấp chỗ ăn, nơi ở, và được tiếp cận một số dịch vụ cai nghiện cơ bản như tư vấn về ma túy, lớp học, hoạt động giải trí,... Tuy nhiên, mọi trung tâm như trên đều yêu cầu học viên phải lao động không công trong thời gian dài và thường trong điều kiện không đảm bảo an toàn.
Một số học viên làm việc tại cơ sở kinh doanh thuộc sở hữu của các cơ sở tái hòa nhập như cửa hàng bán đồ cũ hoặc rửa xe. Một số học viên khác làm việc tại các doanh nghiệp ngoài, bao gồm từ cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ tới những tập đoàn lớn nhất trong nước. Nhưng khi những người này phải lao động vất vả 20-80 tiếng mỗi tuần, đa phần tiền công lại rơi vào túi các cơ sở tái hòa nhập.
Khi được phỏng vấn, nhiều cơ sở tái hoà nhập khẳng định rằng đang thực hiện phương pháp "trị liệu qua lao động". Theo đó, lao động là một phần thiết yếu giúp những người từng bị cơn nghiện hủy hoại rèn lại tính quy củ, từ đó cho phép học viên trở lại cuộc sống không có ma túy.
Guillermo Hernandez, giám đốc của Crusaders, chương trình cai nghiện tại bang Texas, cho biết rất nhiều học viên thiếu kỹ năng làm việc hoặc chưa từng lao động. "Khi rời chương trình, họ sẽ có nghề trong tay để có thể làm thành viên có ích trong xã hội", Hernandez nói.
Một số người cũng cho biết đã nhận được lợi ích sau khi tham gia chương trình "trị liệu qua lao động", ví dụ như Blake Uhran, 28 tuổi. Uhran kể để cai nghiện heroin, 10 năm trước, anh đã tự ghi danh vào một cơ sở tại bang Florida và phải làm việc không công như nhổ cỏ dưới cái nắng 37 độ C. Khi không làm việc, Uhran phải cầu nguyện và viết nhật ký, đồng thời bị cấm xem tivi hoặc dùng điện thoại.
Giới thẩm phán cũng có vẻ đồng ý với đường lối vận hành của các cơ sở tái hòa nhập. Năm 2018, Larry Gist, thẩm phán phụ trách tòa ma túy tại bang Texas, từng nói rằng nhiều bị cáo xuất hiện trước mặt mình thiếu kỹ năng và đạo đức công việc. "Đôi khi, tình yêu roi vọt có hiệu quả tốt hơn", thẩm phán Gist nói.
Tuy nhiên, nhiều học viên không đồng ý với suy nghĩ trên vì cho rằng việc lao động không công có hậu quả ngoài ý muốn là khiến họ cảm thấy như bị bóc lột. Timothy Klick, người từng tham gia chương trình tái hòa nhập tại thành phố Fort Worth, bang Texas vào năm 2018, cho biết đã kiệt sức vì phải làm việc toàn thời gian tại nhà máy chế tạo dụng cụ ăn uống. "Tôi cảm thấy như nô lệ vì bị bắt làm việc mà không thu lại được gì", Klick nói.
Người tên Zachary Flowerree cho biết luật sư đang giúp anh khởi kiện đòi tiền lương cho người từng cải tạo tại cơ sở tên Cenikor ở bang Texas, Tại đây, anh và nhiều người phải lao động quá nhiều nên chẳng có mấy thời gian điều trị.
Flowerree dù bị thương vẫn bị yêu cầu tiếp tục làm việc và có thể bị báo cáo là không tuân thủ điều lệ của chương trình. Trong trường hợp của Brad McGahey, sau khi được bác sĩ dặn dò nghỉ ngơi, anh vẫn bị nhân viên quản lý tại cơ sở tái hòa nhập bắt phải "làm việc hoặc quay lại nhà tù".
Các cơ sở tái hòa nhập nói mô hình học viên lao động không công sẽ giúp chi trả chi phí vận hành của như lương nhân viên, tiền ăn uống và di chuyển... Nhưng theo Reveal, một số cơ sở đã lợi dụng mô hình này để trục lợi. Ví dụ, tại cơ sở thuộc thành phố Garfield, bang Georgia, học viên phải lao động không công cho trang trại thuộc sở hữu của chính người thành lập cơ sở. Cùng lúc dùng lực lượng lao động không công, trang trại này vẫn nhận hàng nghìn USD trợ cấp từ chính phủ. Bên cạnh việc yêu cầu lao động không công, một số cơ sở còn yêu cầu học viên trả học phí đầu vào và tiền trọ hàng tháng.
Cũng theo hàng nghìn trang hồ sơ đòi bồi thường tai nạn lao động, biên bản tòa án và hồ sơ y tế, học viên tại các cơ sở tái hòa nhập thường xuyên bị thương tích trong lúc làm việc do điều kiện không an toàn hoặc do tính chất rủi ro của công việc. Nhiều học viên phải chịu thương tích nghiêm trọng như bỏng, gãy xương, bị mất ngón tay,... Ít nhất ba người đã tử vong.
Theo vnexpress