Ngô Tu Minh, Phó tổng thư ký Hiệp hội Phát triển Tổ chức tư vấn Sơn Tây, tổ chức phi chính phủ chuyên nghiên cứu về phát triển xã hội, đã kêu gọi giới chức khẩn trương giải quyết tình trạng số người chưa kết hôn ngày càng gia tăng.
Theo chuyên gia này, phụ nữ độc thân ở thành thị nên chuyển đến sinh sống ở các vùng nông thôn, nơi hàng triệu đàn ông chưa vợ đang tìm kiếm cô dâu, South China Morning Post cho biết. Ông nói phụ nữ không nên "cảm thấy sợ hãi khi đến sống ở các làng quê".
Ở Trung Quốc, "thặng nữ", nghĩa đen là "phụ nữ thừa ra" (tức "gái ế"), là từ dùng để chỉ những phụ nữ trên 27 tuổi mà vẫn chưa kết hôn, dù họ thường là người thành thị và có học vấn cao.
|
Ngày càng nhiều phụ nữ thành thị Trung Quốc chọn cuộc sống độc thân. Ảnh:New York Times được cung cấp. |
Đề xuất của ông Ngô nhanh chóng vấp phải chỉ trích. Nhiều người bình luận trên mạng xã hội rằng giải pháp của ông không phù hợp với thực tế.
"Loại trí não nào có thể nghĩ ra một ý tưởng như vậy? Ông ta không nhìn thấy sự chênh lệch quá lớn giữa hai nhóm này sao? Về cơ bản, họ đang sống trong hai vũ trụ song song, và việc kết nối họ vô cùng khó khăn", một người viết trên Weibo, phiên bản Twitter của Trung Quốc.
"Ngay cả phụ nữ nông thôn cũng không muốn cưới đàn ông nông thôn chứ đừng nói đến phụ nữ thành thị. Bạn nghĩ phụ nữ thành thị là những kẻ ngốc [để kết hôn với đàn ông nông thôn]?", một người khác viết.
"Đây là tư duy giao phối của động vật. Trong mắt chuyên gia này, hai nhóm người này chỉ là động vật", một người nữa chỉ trích.
Trung Quốc là một trong những quốc gia mất cân bằng về giới tính nhất trên thế giới, với tỷ lệ trẻ sinh ra là 114 nam/100 nữ. Điều này dẫn đến số lượng nam nhiều hơn nữ khoảng 30 triệu người, dựa trên dữ liệu của Statista, nhà cung cấp dữ liệu quốc tế.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ giới tính khi sinh trung bình trên toàn cầu là khoảng 105 bé trai/ 100 bé gái.
Mất cân bằng nam/nữ ở Trung Quốc là kết quả của chính sách một con kéo dài nhiều thập kỷ, chỉ mới được xóa bỏ gần đây, cũng như việc xã hội "trọng nam kinh nữ".
Tình trạng mất cân bằng giới tính diễn ra gay gắt nhất ở các vùng nông nghiệp, nơi phụ nữ thường bỏ xứ đi tìm việc làm và lấy chồng ở thành phố.
Đàn ông ở những vùng nông thôn như vậy gặp nhiều khó khăn trong việc tìm cô dâu do thu nhập không cao, khó có thể mang lại sự đảm bảo về tài chính cho người vợ tương lai.
Một bài đăng trên Xinhua Daily Telegraph tuần trước cho biết đàn ông ở vùng nông thôn các tỉnh Sơn Tây, Hà Nam và Hồ Nam ở miền Trung Trung Quốc phải bỏ ra số tiền lên tới 1 triệu nhân dân tệ (155.000 USD) khi cầu hôn. Số tiền này được coi như là tiền khoản đãi cô dâu, cũng như để mua nhà và xe hơi cho gia đình nhà gái.
Lã Đức Văn, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Quản lý Nông thôn Trung Quốc thuộc Đại học Vũ Hán, nói với trang tin Thepaper.cn rằng giải pháp "mai mối" của ông Ngô đã không xét đến toàn bộ những lý do khiến nhiều người vẫn sống độc thân.
Ông Lã nói rằng trong khi đàn ông nông thôn vẫn độc thân chủ yếu vì áp lực tài chính với họ, phụ nữ thành thị độc thân lại không như vậy. Có học thức và thu nhập tốt, phụ nữ thành thị độc thân đang tận hưởng cuộc sống độc lập và không muốn "hy sinh" điều này để kết hôn và sinh con.
"Vì vậy, đề xuất hướng phụ nữ thành thị về nông thôn nghe có vẻ xa vời", ông nói.
Theo Zing