Nhiều chuyên gia nuôi dạy con cái đã tiến hành nghiên cứu và phát hiện ra rằng: Thường xuyên để trẻ làm việc nhà có thể khiến não bộ trở nên linh hoạt và hiệu quả hơn, đồng thời cũng có thể cải thiện mối liên hệ giữa não trái và não phải.

Một nghiên cứu của các giáo sư tại Đại học Harvard thực hiện trong 20 năm với 456 thanh thiếu niên ở Boston, kết hợp với nghiên cứu 1.500 sinh viên của giáo sư Đại học Stanford -Lewis Terman. Kết quả từ 2 nghiên cứu này cho thấy: Những đứa trẻ thích làm việc nhà sau này có thu nhập trung bình cao hơn 20% so với những đứa trẻ lười biếng. Tỷ lệ thất nghiệp của những đứa trẻ làm việc nhà là 1/15; tỷ lệ tội phạm là 1/10, tỷ lệ ly hôn và tỷ lệ mắc bệnh tâm thần cũng thấp hơn.

Ảnh minh họa (Nguồn: Getty)

Ngoài nghiên cứu của Đại học Harvard, một nghiên cứu khác của Viện Hàn lâm Khoa học Giáo dục Trung Quốc vào năm 2014 cũng cho thấy sự chênh lệch đáng kể giữa những đứa trẻ chăm làm việc nhà và những trẻ lười biếng.

Nghiên cứu về tình trạng giáo dục gia đình dựa trên 20.000 học sinh tiểu học ở các tỉnh Bắc Kinh, Hắc Long Giang, Giang Tây và Sơn Đông (Trung Quốc) cho thấy 2 điều: Thứ nhất, trẻ chăm làm việc nhà sẽ có điểm số tốt hơn. Thứ hai, trẻ làm việc nhà có khả năng làm những công việc này cao gấp 27 lần so với những trẻ không làm.

Tại sao trẻ em nên làm việc nhà?

Nhiều phụ huynh cho rằng, trẻ nhỏ cần thời gian học hơn là làm việc nhà. Và giao cho trẻ nhiều việc nhà có thể làm ảnh hưởng, xao nhãng đến công việc học tập. Thực tế hai điều này không hề liên quan đến nhau. Bởi làm việc nhà không giảm bớt thời gian học của trẻ, ngược lại còn giúp trẻ cải thiện được điểm số bởi những kinh nghiệm có được từ thực tế.

Tự lập

Việc tham gia vào việc nhà sẽ giúp trẻ phát triển kỹ năng tự lập từ sớm. Khi được giao nhiệm vụ như dọn dẹp phòng, gấp quần áo hoặc phụ dọn cơm... là cách mà trẻ học được sự tự lập, cũng như chăm sóc bản thân mà không phụ thuộc vào người khác.

Kỹ năng này không chỉ quan trọng trong giai đoạn khi trẻ còn bé mà còn là nền tảng vững chắc cho cuộc sống độc lập sau này khi trẻ trưởng thành.

Quản lý thời gian

Làm việc nhà cũng đòi hỏi trẻ cần biết cách sắp xếp thời gian hiệu quả giữa học tập, vui chơi và giúp cha mẹ. Điều này giúp trẻ học được cách quản lý thời gian linh hoạt và hiệu quả, là một kỹ năng cần thiết trong cuộc sống sau này.

Ảnh minh họa (Nguồn: Getty)

Kỹ năng giải quyết vấn đề

Trong quá trình làm việc nhà, sẽ có những tình huống bất ngờ mà trẻ cần phải tự mình giải quyết. Điều này sẽ giúp trẻ có cơ hội phát triển tư duy logic, khả năng phân tích và giải quyết vấn đề một cách sáng tạo, nhanh gọn.

Trách nhiệm và lòng kiên nhẫn

Việc giao việc nhà và để trẻ hoàn thành cũng giúp các bé có thêm ý thức về trách nhiệm của bản thân. Mỗi đứa trẻ học được rằng, mỗi việc làm của mình đều cần có trách nhiệm thực hiện tốt và đúng hẹn.

Ngoài ra, công việc nhà cũng thường đòi hỏi sự kiên trì và tỉ mỉ, vì thế trẻ sẽ học được các bài học về giá trị của sự kiên nhẫn, sự chăm chỉ và nỗ lực không ngừng để đạt được kết quả tốt nhất.

Ý thức làm việc nhóm

Khi làm việc nhà cùng các thành viên trong gia đình, trẻ sẽ học được tầm quan trọng trong cách làm việc nhóm. Điều này sẽ giúp trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp, biết cách phối hợp cùng người khác để hoàn thiện công việc được giao nhanh chóng, đạt kết quả tốt.

Liên kết mối quan hệ gia đình

Cùng nhau tham gia vào việc nhà không chỉ giúp hỗ trợ mà còn tạo cơ hội cho các thành viên trong gia đình gắn kết với nhau. Thời gian này sẽ giúp cha mẹ và con cái nói chuyện, chia sẻ, tương tác để dẫn đến hiểu nhau nhiều hơn.

Ảnh minh họa (Nguồn: Getty)

Phát triển kỹ năng giao tiếp

Trong quá trình làm việc nhà, cha mẹ nên khuyến khích trẻ bày tỏ ý kiến và thảo luận với các thành viên khác. Điều này sẽ giúp trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp, học cách lắng nghe và thể hiện quan điểm của mình một cách rõ ràng.

Tăng cường sự tự tin

Khi trẻ hoàn thành một công việc nhà, dù kết quả thế nào, trẻ sẽ cảm thấy tự tin và tự hào về việc bản thân. Sự tự tin là một trong những nền tảng quan trọng cho sự phát triển cá tính và nỗ lực đạt thành công trong xã hội của trẻ ở thì tương lai.

Theo giadinhonline.vn