leftcenterrightdel
 

Trong quá trình phỏng vấn, T.Y phát hiện anh đang tương tác với trí tuệ nhân tạo (AI) chứ không phải người thật. Jaime, người phỏng vấn anh, đặt các câu hỏi liên quan đến phong cách quản lý và tính phù hợp của T.Y cho vai trò này nhưng liên tục làm gián đoạn câu trả lời của anh bằng những nhận xét như: "Tuyệt vời! Nghe hay đấy! Hoàn hảo!", sau đó chuyển sang câu hỏi khác. "Sau câu hỏi thứ ba hoặc thứ tư, AI chỉ dừng lại một lát và nói với tôi rằng, cuộc phỏng vấn đã xong và sẽ có người trong nhóm liên hệ sau", T.Y nói.

Một cuộc khảo sát của Resume Builder vào mùa hè năm ngoái cho thấy, đến năm 2024, có 40% công ty có kế hoạch sử dụng AI để thực hiện phỏng vấn với ứng viên. Trong số các công ty này, 15% cho biết quyết định tuyển dụng sẽ hoàn toàn được đưa ra mà không cần sự can thiệp của con người. Như biên tập viên Laura Michelle Davis đã viết cho trang CNET: "Không có gì lạ khi những người nộp đơn xin việc hiện nay bị robot từ chối trước khi được kết nối với người thật trong bộ phận nhân sự". Điều này khiến quá trình tuyển dụng vốn đã đầy thách thức càng trở nên mệt mỏi hơn. Nhiều người lo ngại AI tạo sinh - công nghệ sử dụng dữ liệu để tạo văn bản, video, âm thanh, hình ảnh và cả nhà tuyển dụng robot - sẽ đảm nhận công việc của con người trong tương lai.

leftcenterrightdel
 

Mất đi yếu tố con người

Các nhà tuyển dụng kết hợp AI vào quy trình tuyển dụng thường nhấn mạnh rằng, điều này hợp lý hóa công việc thường ngày của họ. AI hỗ trợ lọc qua một nhóm lớn ứng viên, thường tập trung vào 1.000 ứng viên hàng đầu. Tuy nhiên, quá trình lựa chọn 10 ứng viên vào vòng cuối vẫn do con người thực hiện.

Năm 2019, ZipRecruiter đã nhấn mạnh tiềm năng của hệ thống AI trong việc hỗ trợ các công việc nhàm chán như soạn mô tả công việc và đọc sơ yếu lý lịch. Đây được coi là cách để giải phóng thời gian cho chuyên gia tuyển dụng, giúp họ tập trung những khía cạnh mang tính chiến lược hơn trong công việc của mình. Một cuộc khảo sát năm 2020 được hỗ trợ bởi hệ thống phỏng vấn AI Sapia.ai tiết lộ rằng, 55% công ty đang mở rộng đầu tư vào các phương pháp tuyển dụng tự động.

Julia Pollak, nhà kinh tế tại ZipRecbeaner, cho biết dù cá nhân bà không sử dụng AI để viết mô tả công việc nhưng nhiều nhà tuyển dụng khác đã làm điều đó. Theo Pollak, người quản lý cũng có thể yêu cầu AI đưa ra lý do tại sao nên hoặc không nên chọn một ứng viên ở vòng cuối cùng và coi AI như một người bạn giúp đưa ra các ý kiến. Tuy nhiên, nhà tuyển dụng không chỉ sử dụng AI để tìm kiếm lời khuyên đơn thuần mà còn cho các bước khác của quá trình tuyển dụng, như trải nghiệm của T.Y

leftcenterrightdel
 

Adele Walton, một nhà báo 24 tuổi đến từ Brighton (Anh), gần đây đã có cuộc phỏng vấn với AI và cảm thấy điều đó cực kỳ thiếu tự nhiên. Đang mong đợi tương tác với một hoặc một nhóm người nhưng cô bất ngờ khi thấy mình đang ở phòng trò chuyện một mình. Các câu hỏi và khuôn mặt cô xuất hiện trên màn hình, cùng với thời gian 60 giây để trả lời. Với Walton, việc nhìn vào nét mặt của mình khiến cô mất tập trung, đặc biệt là khi cô mắc chứng rối loạn cơ thể. "Tôi biết mình sẽ làm tốt hơn nếu được tương tác với người thật", cô cho biết.

Walton không được nhà tuyển dụng liên hệ lại sau đó. Cô nói: "Khi gặp mặt trực tiếp, bạn nhận được nhiều gợi ý xã giao từ người khác hơn. Trong trường hợp này, tôi chỉ đang nói chuyện với chính mình hoặc AI không thể đánh giá được tôi đã làm tốt thế nào. Tôi không thể nhìn mặt, ngôn ngữ cơ thể của bất kỳ ai hoặc thấy họ gật đầu đồng ý. Sự trấn an bởi các yếu con người bạn nhận được trong một cuộc phỏng vấn thực sẽ hoàn toàn mất đi khi các công ty dùng AI để thực hiện phỏng vấn".

Người tìm việc cũng dùng trí tuệ nhân tạo

Nếu nhà tuyển dụng có thể sử dụng AI thì tại sao ứng viên lại không? Đó là ý nghĩ của Fanta-Marie Touré, chuyên gia an ninh mạng 24 tuổi đến từ Atlanta, bang Georgia (Mỹ), người sử dụng công cụ AI có tên Massive để chỉnh sửa lý lịch, soạn thư xin việc và tự động nộp đơn xin việc. Cô cho biết, dùng những công cụ này ít tốn kém hơn so với việc thuê người làm. Touré khẳng định rằng điều quan trọng là phải "cá nhân hóa" các tài liệu, chẳng hạn như thêm những câu chuyện có liên quan. Cô nói: "Nếu không thì tất cả người sử dụng AI để xin việc đều nhận được kết quả như nhau. Bạn phải biết điều chỉnh".

Theo Julia Pollak, nhà tuyển dụng đang ngày càng nghi ngờ các bản lý lịch và thư xin việc do AI tạo ra và muốn nói nói chuyện trực tiếp để sàng lọc ứng viên một cách phù hợp. Michael, một người sáng lập Final Round AI, công cụ nghe câu hỏi của nhà tuyển dụng và đưa ra câu trả lời được cá nhân hóa trong thời gian thực, dựa trên sơ yếu lý lịch và thư xin việc của ứng viên. Michael giải thích rằng, người dùng Final Round AI có thể nhanh chóng xem câu trả lời của AI, sau đó phát triển câu trả lời của mình, giống như người nổi tiếng và người dẫn chương trình sử dụng máy nhắc chữ. Nói về việc liệu điều này có được xem là gian lận hay không, Michael cho biết: "Tôi cho rằng AI đã tạo ra những ranh giới mới và khó mà xác định rõ ràng nó. Nếu là nhà tuyển dụng, tôi sẽ thích những ứng viên biết sử dụng AI hơn vì họ mang lại giá trị và năng suất cao hơn cho công ty".

Về phía T.Y, anh chưa nhận được phản hồi từ công ty sau buổi phỏng vấn với Jaime và cũng không kỳ vọng gì. T.Y không ngạc nhiên khi quá trình phỏng vấn ngày càng trở nên phụ thuộc vào AI. Anh nói: "Tôi đã tham gia các cuộc phỏng vấn, nơi nhà tuyển dụng hỏi tôi cảm thấy thế nào khi sử dụng các ứng dụng như ChatGPT cho công việc sáng tạo và liệu tôi có cảm thấy thoải mái khi làm điều đó trong công việc của mình hay không. Vì vậy, tôi đoán việc robot phỏng vấn ứng viên chỉ là vấn đề thời gian thôi".

Kim Ngọc/Nguồn: Guardian