Vừa mở cửa đã hút khách Việt
"Lễ hội ẩm thực lớn nhất năm đã trở lại, diễn ra từ 14 - 28.3. Cùng đứa bạn thân làm ngay một chuyến food tour Hà Khẩu để khám phá sự phong phú của ẩm thực Trung Hoa ngay thôi!" - tài khoản Facebook mang tên "Cừu bé" chia sẻ trên nhóm "Check in Việt Nam" hơn 2,3 triệu thành viên. Cùng với đó là album hình các bạn trẻ tung tăng trải nghiệm những món ăn vô cùng hấp dẫn tại lễ hội ẩm thực Hà Khẩu - Trung Quốc.
Thị trấn Hà Khẩu (tỉnh Vân Nam), nằm sát biên giới hai nước, ngăn cách với thành phố Lào Cai bởi sông Nậm Thị. Sau khi hoạt động xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu giữa Việt Nam - Trung Quốc được khôi phục từ 8.1, các tín đồ du lịch Việt Nam đã lập tức xuất ngoại sang thị trấn này du lịch bởi du khách đến Hà Khẩu không cần visa và hộ chiếu, chỉ cần sổ thông hành.
Cùng ngày chính thức tổ chức lễ hội ẩm thực lớn nhất năm tại Hà Khẩu, Trung Quốc tuyên bố cấp lại gần như tất cả các loại thị thực cho người nước ngoài bắt đầu từ 15.3, trong đó có thị thực du lịch, tiến thêm một bước quan trọng trong quá trình xóa bỏ chính sách "zero Covid".
Ngay lập tức, nhiều địa phương đã ban hành các chính sách đột phá nhằm thu hút khách quốc tế đến Trung Quốc. Đơn cử, tỉnh Hải Nam miễn visa cho 59 nước để lôi kéo khách đến du lịch - mua sắm. Quảng Đông miễn visa cho người nước ngoài nhập cảnh vào Trung Quốc đại lục từ Hồng Kông và Ma Cao; thành phố Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây cũng có chính sách miễn visa cho 52 nước... Các khu du lịch cũng nỗ lực tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, các trải nghiệm mới mẻ nhằm chào đón du khách sau 3 năm xa cách.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation tiết lộ, ngay khi Chính phủ nước này quyết định mở cửa hoàn toàn du lịch, "gã khổng lồ" Ctrip của du lịch Trung Quốc đã tiếp cận Vietravel, bày tỏ mong muốn hợp tác với công ty du lịch hàng đầu Việt Nam. Đáng chú ý, không chỉ muốn "bắt tay" đưa khách Trung Quốc tới Việt Nam, họ còn gợi ý để Vietravel đưa khách Việt sang Trung Quốc du lịch, đồng thời có nhiều động thái tiếp cận trực tiếp với lãnh đạo ngành du lịch Việt Nam để tiếp thị, phát động thị trường.
"Điều đó cho thấy, không phải chỉ Việt Nam mong chờ khách Trung Quốc mà họ cũng lập tức dòm vào thị trường nước ta và đã có những động thái rất nhanh, quyết liệt" - ông Kỳ nói.
Việt Nam không nhanh sẽ tụt hậu
Ở chiều ngược lại, hôm qua (15.3), trong ngày đầu tiên Trung Quốc chính thức mở các tour du lịch theo đoàn vào Việt Nam, hơn 124 du khách Trung Quốc đầu tiên do các công ty du lịch tổ chức đã nhập cảnh vào nước ta tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn. Dự kiến, 124 vị khách sau khi nhập cảnh tại Cửa khẩu Hữu Nghị sẽ có 4 ngày trải nghiệm các điểm du lịch ở Hà Nội và Hạ Long. Cùng ngày, Quảng Ninh đón đoàn 150 khách du lịch Trung Quốc nhập cảnh qua Cửa khẩu Móng Cái.
Trên khắp cả nước, hệ thống khách sạn, nhà hàng, điểm vui chơi giải trí cũng đã sẵn sàng đón "khách ruột" quay trở lại. Thế nhưng, ngoài tâm lý sẵn sàng cùng việc chu đáo đón khách trở lại một cách tự nhiên từ nỗ lực kết nối phía các công ty du lịch, ngành du lịch Việt Nam đến giờ vẫn chưa có chương trình cụ thể gì về việc đón khách Trung Quốc. Thủ tục nhập cảnh, visa "im hơi lặng tiếng" nên các doanh nghiệp vẫn bị động "đánh liều" tự làm như cũ. Hệ thống sản phẩm, điểm đến luôn được các tỉnh khẳng định đã làm mới, đã thay đổi nhưng mới như thế nào, thay đổi đến đâu thì chẳng ai biết.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ đánh giá đây là biểu hiện rất rõ về độ yếu kém trong công tác xúc tiến, quảng bá của du lịch Việt Nam. Không chỉ đối với thị trường Trung Quốc mà với tất cả các nguồn khách, từ sau khi mở cửa đến nay, khả năng tiếp cận, tiếp thị, làm thị trường của du lịch Việt Nam rất yếu. Vẫn chưa có một chương trình mang tầm quốc gia và quảng bá điểm đến Việt Nam. Chủ yếu các chương trình xúc tiến đều do các doanh nghiệp du lịch và hàng không tự làm rời rạc nên khó đạt hiệu quả cao.
"Chính sách visa của Việt Nam thua các nước. Chúng ta không có các văn phòng xúc tiến du lịch tại nước ngoài - đó là thiệt thòi lớn. Chi phí cho xúc tiến, quảng bá du lịch của Việt Nam cũng thấp hơn nhiều lần so với các nước. Giá vé máy bay và landtour của Việt Nam luôn cao hơn các nước trong khu vực tới 30%. Chưa kể, chúng ta muốn đột phá du lịch nhưng vẫn chưa ban hành chính sách đặc thù nào để hỗ trợ các doanh nghiệp ngành du lịch phục hồi, chưa nói đến đột phá. Tất cả những yếu tố này là nguyên nhân khiến du lịch Việt Nam đi trước về sau. Nếu không nhanh chóng có chính sách quyết liệt, du lịch Việt Nam sẽ ngày càng tụt hậu" - ông Nguyễn Quốc Kỳ cảnh báo.
Ông Nguyễn Châu Á, Tổng giám đốc Công ty Oxalis Adventure, cũng nhận định tiếp thị và truyền thông vốn là điểm yếu nhất của du lịch Việt Nam từ trước đến nay. Đơn cử, hang Sơn Đoòng là một trong những hang động kỳ vĩ nhất thế giới, nhưng hỏi 10 người Singapore, cả 10 người đều bảo không biết. Lâu nay, Việt Nam đều chủ yếu “nhờ” đối tác nước ngoài truyền thông “giùm”. Khoảng 80% khách quốc tế đến Việt Nam đều do các công ty nước ngoài đưa về.
“Chúng ta có đẹp đến đâu, có sản phẩm mới thế nào, mở cửa thông thoáng ra sao mà khách không biết thì họ cũng không tới. Du lịch Việt Nam cần sự đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, dài hơi và liên tục thì mới có thể tận dụng lợi thế cạnh tranh, mau chóng khôi phục. Thời gian qua, các doanh nghiệp lớn đã làm nhiều chương trình quảng bá điểm đến rất tốt, như cầu Vàng ở Bà Nà Hill, rất nổi tiếng do được đầu tư tiếp thị điểm đến kết hợp với các đối tác đưa khách qua Việt Nam. Dựa vào những thành công như vậy, Tổng cục Du lịch cần có những chương trình quảng bá sản phẩm du lịch rộng hơn nữa để du khách nhận thức điểm đến” - ông Châu Á đề xuất.
Theo Thanh niên