leftcenterrightdel
 Giới trẻ Trung Quốc ngày nay lựa chọn hình thức "hôn nhân chia đôi" để đối phó với những áp lực của xã hội hiện đại (Ảnh: Shutterstock).

Một xu hướng mới với tên gọi liang tou hun (tạm dịch: hôn nhân chia đôi) đang xuất hiện một cách phổ biến ở Trung Quốc trước sự thay đổi nhanh chóng của xã hội cũng như số lượng gia đình một con ngày càng tăng.

Đặc điểm của hình thức “hôn nhân chia đôi” này có thể nhận thấy qua việc không có thủ tục nhà gái thách cưới, không đòi hỏi của hồi môn và đặc biệt là có sự thỏa thuận trước giữa hai bên về việc sẽ sinh hai con, một mang họ cha và một mang họ mẹ.

Bên cạnh đó, chi phí nhà ở, xe cộ và các khoản sinh hoạt phí khác cũng được chia sẻ đồng đều với nhau, vợ chồng có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ ruột của mình và phải thay phiên nhau về thăm hai bên gia đình trong các dịp lễ lớn.

Những thay đổi mới mẽ này trái ngược hoàn toàn với phong tục hôn nhân truyền thống của Trung Quốc được duy trì từ xưa đến nay, trong đó quan niệm “xuất giá tòng phu”, “thuyền theo lái, gái theo chồng”... khiến người phụ nữ trở thành một phần của gia đình chồng sau khi kết hôn, phải phục vụ gia đình chồng và thực hiện nghĩa vụ sinh con và chăm sóc con cái.

Theo Thời báo Hoa nam Buổi sáng thì hình thức “hôn nhân chia đôi” này có thể bắt nguồn từ triều đại nhà Minh (1368-1644) và nhà Thanh (1644-1912), tập trung nhiều nhất ở miền Đông của Trung Quốc nới có các tỉnh thành lớn như Giang Tô, Chiết Giang và Thượng Hải.

Ở tỉnh Chiết Giang, tập tục này tượng trưng cho sự tiếp nối dòng dõi gia đình của cả hai bên mà không phân biệt giới tính.

Sự thịnh vượng về kinh tế của tỉnh Chiết Giang đã làm gia tăng mối lo ngại xung quanh việc thừa kế và phân chia tài sản trong các gia đình không có con trai, nhất là sau khi Trung Quốc thực hiện “chính sách một con” ở giai đoạn trước đó. Chính vì vậy, “hôn nhân chia đôi” trở thành sự lựa chọn tất yếu của những gia đình này.

Trong những năm gần đây, cấu trúc hôn nhân mới mẻ này đã và đang lan rộng một cách nhanh chóng trên khắp Trung Quốc và được thế hệ trẻ nhiệt tình hưởng ứng.

Nguyên nhân chính là do chi phí sinh hoạt và chăm sóc gia đình trong xã hội hiện đại của Trung Quốc ngày càng tăng, kèm theo đó là guồng quay của cuộc sống hối hả và công việc bận rộn khiến các cặp vợ chồng trẻ cần phải dựa vào sự hỗ trợ tài chính cũng như chăm sóc con cái từ cha mẹ của cả hai bên nội ngoại.

leftcenterrightdel
 Chi phí sinh hoạt tăng cao là một trong những nguyên nhân chính thúc đẩy sự phổ biến của hình thức "hôn nhân chia đôi" ở Trung Quốc (Ảnh: SCMP composite/Shutterstock).

Đài truyền hình CGTN cho biết, với hình thức “hôn nhân chia đôi” này, người vợ và người chồng có thể lựa chọn sống cùng bố mẹ đẻ như trước ngay cả khi đã kết hôn, cũng như giữ nguyên họ của mình cho thế hệ sau này.

Để duy trì họ của cả hai gia đình, một cặp vợ chồng kết hôn theo hình thức này thường có hai người con, trong đó một đứa con mang họ bố, còn một đứa con mang họ mẹ.

Ngoài ra, trước khi một cặp đôi tổ chức hôn lễ, chú rể không phải đem tặng cho nhà cô dâu sính lễ và cô dâu cũng không cần có của hồi môn. Đây được coi là một điểm khác biệt rất lớn so với đám cưới truyền thống tại Trung Quốc.

Theo thoidai