Passage intérieur- Voyage essentiel en Alaska (tạm dịch là Inside Passage, chuyến thám hiểm không thể bỏ qua ở Alaska) là tác phẩm đầu tay của họa sĩ Mai Bách kể từ khi anh tốt nghiệp Học viện Nghệ thuật truyện tranh Delcourt rất nổi tiếng ở nước Pháp.

leftcenterrightdel
 Họa sĩ Mai Bách ký tặng cuốn truyện tranh vừa phát hành. (Nguồn: TTXVN)

Đây cũng là lần đầu tiên một tác phẩm truyện tranh đầu tay của một họa sĩ trẻ Việt Nam được chào đón ở thị trường truyện tranh Pháp, một trong những quốc gia xuất bản và tiêu thụ nhiều truyện tranh nhất thế giới.

Chuyến thám hiểm là câu chuyện có thật do chính tác giả kịch bản Maxime de Lisle đã trải qua.

Truyện dài gần 70 trang khổ lớn do Nhà xuất bản Delcourt phát hành, mô tả cuộc thám hiểm đầy thú vị của 4 thanh niên trẻ người Pháp đến vùng Inside Passage, một tuyến đường thủy ven biển Đại Tây Dương trải dài khoảng hơn 1.500km từ Seattle dọc theo bờ biển British Columbia đến vùng phía Bắc Alaska.

Nhân dịp ra mắt cuốn sách, 25 bức tranh nguyên gốc trong bộ sưu tập tranh của cuốn truyện đã được lựa chọn để triển lãm đến ngày 15/6, tại phòng tranh Achetez de l’Art ở trung tâm thủ đô Paris.

Những bức tranh minh họa sinh động và hoành tráng do Mai Bách thực hiện bằng màu nước đã dẫn dắt độc giả cùng tham gia vào chuyến thám hiểm Alaska bằng thuyền kayak, chiêm ngưỡng những con gấu trắng và cá voi khổng lồ, khám phá thiên nhiên hoang dã, nơi hầu như ít bị ảnh hưởng bởi con người và cùng trải qua những cung bậc cảm xúc của các nhân vật, từ ngạc nhiên đến thú vị, từ thất vọng đến vui sướng.

Câu chuyện không chỉ là một minh chứng về sự nhỏ bé của con người giữa thiên nhiên hùng vĩ và hoang dã, mà còn là một thông điệp quan trọng cảnh báo nhận thức của con người trước sự mong manh của hành tinh xanh, nơi chúng ta đang sống.

Tác phẩm đầu tay của Maxime de Lisle và Mai Bách cũng là cuốn cẩm nang thiết thực cho những ai muốn dấn thân vào những cuộc phiêu lưu như vậy.

Họa sĩ tâm sự: "Khi đọc bản thảo của Maxime, tôi thấy thích cuộc thám hiểm của anh ấy. Câu chuyện phù hợp với khả năng của tôi nên đã đồng ý giúp Maxime vẽ tranh minh họa, tạo nên tác phẩm đầu tay của chúng tôi. Đây cũng là cơ hội tốt để tôi có thể tìm hiểu thêm về ngành truyện tranh ở Pháp, vì không phải lúc nào cũng có thể tìm thấy một câu chuyện phù hợp với mình để phát triển như vậy".

Trong hai năm thưc hiện, bên cạnh những thuận lợi, Mai Bách gặp không ít khó khăn. Anh tâm sự, cả anh và Maxime đều là những người lần đầu dấn thân vào lĩnh vực truyện tranh. Một người là họa sĩ mới tốt nghiệp ra trường, còn một người lần đầu tiên viết truyện, cả hai đều lúng túng trong việc đảm bảo tiến độ và phối hợp với các bên liên quan, như nhà xuất bản, biên tập viên hay các đối tác sản xuất và phân phối.

Hơn nữa, đây là một câu chuyện có thật, diễn ra ở một địa điểm có thật, nhưng Mai Bách lại không trực tiếp tham gia nên mọi hình vẽ đều dựa trên những bức ảnh, đoạn video và cả những lời miêu tả của Maxime, điều này là một khó khăn đối với họa sĩ, trong việc tưởng tượng ra một câu chuyện thống nhất về hình ảnh và cốt truyện.

Mai Bách chia sẻ: "Bù lại Maxime cũng để tôi hoàn toàn tự quyết định về cách phát triển câu chuyện theo gợi ý của anh ấy. Đó là điều khiến tôi trân trọng sự hợp tác của hai chúng tôi".

Tác giả kịch bản Maxime de Lisle cũng cho biết, anh rất thích phong cách vẽ tranh của Mai Bách và đó là lý do họ đã làm việc cùng nhau để tạo nên tác phẩm. Anh nói: "Mai Bách có một phong cách vẽ hoàn hảo mà chúng tôi thích. Nó siêu thực tế, đầy năng động, có thể khơi dậy được nguồn năng lượng của Alaska".

Ông Monnier Ludovic, chủ phòng tranh Achetez de l’Art cho biết, ông nhận thấy ở cậu họa sĩ trẻ người Việt một triển vọng to lớn, không chỉ trong nghệ thuật vẽ truyện tranh mà cả trong hội họa. Ông đánh giá, "họa sĩ Mai Bách có sự cảm thụ rất tốt về nghệ thuật. Đây là điều mà chúng tôi luôn tìm kiếm và muốn giới thiệu tới công chúng".

Truyện tranh 'Chuyến thám hiểm không thể bỏ qua ở Alaska' - tác phẩm hợp tác đầu tay của họa sĩ trẻ Việt Nam được chào đón tại Pháp

Triển lãm một số phiên bản gốc của tranh được chọn từ cuốn truyện tranh "Inside Passage, chuyến thám hiểm không thể bỏ qua ở Alaska" tại phòng tranh "Achetez de l’Art" ở trung tâm thủ đô Paris. (Nguồn: TTXVN)

Chứng kiến sự thành công của học trò, ông Derian Eric - thầy giáo dạy vẽ của Mai Bách ở Học viện Nghệ thuật truyện tranh Delcourt không giấu nổi sự tự hào.

Ông Derian Eric cho biết, việc một tác phẩm truyện tranh đầu tay của họa sĩ trẻ mới vào nghề được trưng bày tại một phòng tranh nổi tiếng ở trung tâm Paris không chỉ là niềm tự hào của cá nhân Bách, mà còn là niềm vui của những người đào tạo. Ông cũng đánh giá cao nỗ lực của Mai Bách và cho rằng họa sĩ trẻ xứng đáng có được thành công như ngày hôm nay.

 Truyện tranh Pháp-Bỉ là một trong ba trường phái truyện tranh hàng đầu thế giới, cùng với manga của Nhật Bản và truyện tranh comics của Mỹ.

Trong khi ngành sản xuất băng đĩa hay phim ảnh phải lao đao, điêu đứng vì sự phát triển của Internet và công nghệ thông tin, thì truyện tranh vẫn chiếm một vị trí tốt trong thị hiếu độc giả.

Tuy thời nay truyện tranh đã có phiên bản số, có thể lưu và tải trực tuyến, nhưng đa số các độc giả vẫn thích mua, sưu tầm và sở hữu các tập truyện tranh in trên giấy.

Pháp được coi là một trong những quốc gia đứng đầu về xuất bản và tiêu thụ truyện tranh.

Theo thống kê của ngành xuất bản Pháp, hàng năm, hơn 5.000 truyện tranh mới được tung ra thị trường Pháp và Bỉ với các nhân vật kinh điển như Tintin, Xì Trum, Astérix, Lucky Luke..., được các lứa tuổi từ 7 đến 77 tuổi đón đọc.

Khoảng 8 triệu độc giả Pháp thường xuyên mua 3-4 cuốn truyện tranh mỗi năm. Đặc biệt, trong năm 2021, mặc dù dịch bệnh Covid-19 hoành hành, hơn 21 triệu quyển truyện tranh đủ thể loại đã được bán ra thị trường, chiếm 1/4 số sách được xuất bản tại Pháp trong năm, giúp doanh thu của ngành đạt tỷ lệ tăng trưởng với hai con số - điều chưa từng thấy từ trước tới nay.

Theo baoquocte.vn