Từ chối vắc xin đồng nghĩa với vô trách nhiệm
Mỹ và nhiều nước châu Âu đang phải thúc đẩy những người từ chối vắc xin đi tiêm chủng để ngăn chặn sự lây lan, nhiều nước khác cũng đang ra sức thuyết phục người dân tiêm chủng bởi chỉ có vắc xin mới có thể hạn chế sự lây lan trước các biến thể mới, khiến đại dịch chậm lại trước khi bị khống chế.
|
Mỹ tiếp tục kêu gọi mọi người tiêm chủng khi ca nhiễm tăng cao trở lại vì biến thể Delta |
Là những nước đi trước trong tiếp cận và mua những liều vắc xin đầu tiên tiêm cho dân mình, Mỹ, Anh và nhiều nước giàu khác chỉ mất một thời gian ngắn để đưa cuộc sống trở lại bình thường nhờ tốc độ tiêm chủng nhanh. Thế nhưng, với biến chủng Delta có tốc độ lây lan khủng khiếp, Mỹ, Anh và nhiều nước châu Âu đang phải quay trở lại chống dịch. Lần này, trận chiến của họ là với những người từ chối vắc xin.
Khi số ca nhiễm trở lại mốc hơn 100.000 ca mỗi ngày - con số cao nhất từ sáu tháng qua - Mỹ từ việc khuyến khích, tặng tiền và nhiều ưu đãi khác đang chuyển dần qua bắt buộc mọi người tiêm chủng. Đầu tháng Tám, Mỹ yêu cầu tất cả nhân viên chính phủ tiêm chủng và hôm 9/8, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng chính thức bắt buộc quân đội tiêm chủng.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gọi người biểu tình chống vắc xin COVID-19 là “những kẻ mất trí” sau khi nước này bắt buộc nhân viên y tế tiêm chủng đầy đủ và những người đến các tụ điểm công cộng phải có hộ chiếu vắc xin. Ông Macron khẳng định, nếu một người không tiêm vắc xin, người thân của họ có thể bị nhiễm bệnh hoặc bản thân họ có thể phải nhập viện. “Tôi không gọi đây là tự do, tôi gọi đây là sự vô trách nhiệm và chủ nghĩa vị kỷ”, ông nhấn mạnh.
Vắc xin bảo vệ bạn và gia đình
Tại nhiều nước đang được xem là tâm điểm của dịch, chính phủ đang tìm mọi cách để tiêm chủng và tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vắc xin càng nhiều càng tốt. Thế nhưng, ngoài những người hăng hái tiêm phòng thì vẫn còn nhiều người từ chối, nghi ngờ dẫn đến tình trạng chần chừ hoặc không chịu tiêm chủng.
Câu chuyện này được nhắc nhiều ở Brazil. Bất chấp số người chết cao thứ hai thế giới và các ca nhiễm đang tăng cao chỉ sau Mỹ, nhiều người dân từ chối tiêm nếu vắc-xin đó không làm họ hài lòng. Điều này đã làm cho tốc độ tiêm chủng của nước này chậm, chính quyền hàng chục thị trấn đã tìm cách trấn áp hành động này. Trong khi đó, các chuyên gia y tế công cộng ở Brazil nói rằng, thông tin sai lệch hoặc thông tin kém hiểu biết đang đe dọa phá hoại chiến dịch tiêm chủng của đất nước và hành động trên là rất ích kỷ.
Alexandre Naime Barbosa, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Đại học bang São Paulo, cho biết: “Những người đó đang tự đặt mình và gia đình vào tình thế nguy hiểm, cuối cùng khiến toàn bộ hệ thống gặp nguy hiểm”. Hiệp hội Tiêm chủng Brazil cho hay, hầu hết sự cố liên quan đến việc từ chối tiêm vắc xin có liên quan đến vắc xin Sinovac hoặc AstraZeneca. Thay vào đó, họ tìm vắc xin từ Pfizer và Johnson & Johnson. Nhưng các chuyên gia y tế công cộng ở đây lập luận, tất cả vắc xin đều có hiệu quả rất cao và thực tế chứng minh vắc xin giúp giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong.
“Khi bạn xem xét điều gì thực sự quan trọng, thì tại thị trấn Serrana, bang São Paulo, nơi gần như toàn bộ dân số trưởng thành được tiêm vắc xin cho thấy tỷ lệ tử vong đã giảm 95%, tỷ lệ nhập viện giảm 86% và nhiễm trùng có triệu chứng giảm 80%”, Dimas Covas, Chủ tịch Viện Butantan, nơi đang sản xuất CoronaVac ở Brazil, cho biết. “Hành động chọn lựa vắc xin của bạn là hành động thiếu hiểu biết và thiếu cam kết đối với sức khỏe cộng đồng”, ông nói thêm.
Trong khi đó, tại Mỹ, Carlos Cornejo cùng nhiều nhóm khác đang tận dụng sự ảnh hưởng của mình để kêu gọi mọi người tiêm chủng. “Nhiều người hỏi tôi rằng, có phải vắc xin sẽ bảo vệ bạn 100%? Không. Nhưng tôi có lợi ích sau tiêm là cơ hội cứu sống bản thân và gia đình cao hơn rất nhiều”, anh nói.
Theo phunuonline.com.vn