Khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở Việt Nam, đoạn video ghi cảnh người đàn ông ở chung cư Orchard Garden (quận Phú Nhuận, TP.HCM) hung hăng giật tóc, xịt cồn vào mặt một phụ nữ khi được nhắc nhở đeo khẩu trang trong thang máy khiến nhiều người bức xúc.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban đầu cho rằng việc đeo khẩu trang đối với người khỏe mạnh là điều không cần thiết. Tuy nhiên, trong thời gian qua, tổ chức này đã xem xét lại lập trường của mình.

Các chuyên gia liên tục khuyến cáo mọi người đeo khẩu trang ở nơi công cộng để bảo vệ bản thân và người khác. Ảnh: Reuters.

Theo kết quả một nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Nature vào đầu tháng 4, khẩu trang y tế có khả năng “giảm đáng kể phát hiện virus corona và virus cúm trong hơi thở”. Nhóm tác giả nhận định biện pháp cơ bản này có khả năng “ngăn chặn virus truyền nhiễm”.

“Đeo khẩu trang là để bảo vệ bản thân và người khác”, Adam Finn, giáo sư tại Đại học Bristol (Anh), nhấn mạnh với The Guardian.

Ông lý giải: “Virus corona có thể lây truyền qua những giọt bắn do ho hay hắt hơi ra môi trường xung quanh và ở gần người khác. Đeo khẩu trang ở nơi đông người sẽ làm giảm khả năng điều đó xảy ra”.

Benjamin Cowling, nhà dịch tễ học ở Đại học Hong Kong (Trung Quốc), cho biết: “Nếu được sử dụng ở những nơi tụ tập đông người, khẩu trang có thể góp phần ngăn chặn tốc độ lan truyền dịch bệnh”.

Do đó, việc từ chối đeo khẩu trang trong mùa dịch được đánh giá là hành vi vô ý thức với cộng đồng, thiếu tử tế với chính bản thân.

Bị tấn công vì nhắc khách đeo khẩu trang


Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, người dân châu Á đã có thói quen sử dụng khẩu trang lúc ra đường để ngăn khói bụi hay tránh hắt hơi, ho vào người khác ở nơi công cộng. Giữa đại dịch, người không đeo khẩu trang ra đường dễ dàng bị kỳ thị, thậm chí không được vào cửa hàng, tòa nhà.

Ngược lại, ở một số quốc gia phương Tây, người dùng khẩu trang hoặc nhắc nhở người khác đeo khẩu trang lại bị xa lánh, tấn công bạo lực.

Tại bang Florida (Mỹ) hôm 22/7, một người đàn ông bị bắt giữ với cáo buộc chĩa súng vào người yêu cầu mình đeo khẩu trang và hét lên “Tao sẽ giết mày” ở một chi nhánh của chuỗi siêu thị Walmart. Trước đó một ngày, nữ nhân viên siêu thị Walmart tại thành phố Baton Rouge, bang Louisiana đấm vào mặt một người đàn ông sau khi được nhắc đeo khẩu trang.

Cũng bắt nguồn từ lời nhắc khách hàng đeo khẩu trang, nam nhân viên của cửa hàng McDonald's thuộc quận Tuen Mun (Hong Kong, Trung Quốc) bị đấm, đá liên tiếp vào vùng đầu, mặt dẫn đến chấn thương phải nhập viện hồi giữa tháng 7.

Hay đau lòng hơn, tài xế xe buýt Phillipe Monguillot (59 tuổi, Pháp) qua đời sau khi bị một nhóm hành khách không chịu đeo khẩu trang tấn công đầu tháng 7 vừa qua.

Ở một số quốc gia phương Tây, người dùng khẩu trang hoặc nhắc nhở người khác đeo khẩu trang bị xa lánh, tấn công bạo lực. Ảnh: SCMP.

"Có những lời lăng mạ, sau đó là xô xát. Tài xế bị đẩy khỏi xe buýt. Hai người sau đó đấm đá dữ dội vào phần trên cơ thể, bao gồm cả đầu của nạn nhân", trợ lý công tố viên Marc Mariee thông tin trong cuộc họp báo về vụ việc.

Thị trưởng thành phố Bayonne đã lên án vụ tấn công Monguillot là “hành động man rợ”. Hàng nghìn người xuống đường vào ngày 8/7 để tham gia cuộc diễu hành thầm lặng nhằm tưởng nhớ tài xế 59 tuổi.

Về phía những kẻ tấn công, 2 thanh niên 22 và 23 tuổi (đều từng có tiền án) bị buộc tội giết người, trong khi 2 người đàn ông khác bị cáo buộc không giúp đỡ người gặp nguy hiểm. Người đàn ông thứ 5 bị buộc tội cố gắng che giấu nghi phạm.

Từng từ chối đeo khẩu trang và coi Covid-19 là “sự thổi phồng”, Richard Rose (37 tuổi, ở Ohio, Mỹ) phải trả giá đắt là mạng sống do biến chứng của SARS-CoV-2.

Theo NY Post, Rose từng phục vụ quân y trong 9 năm. Trước khi tử vong, vào cuối tháng 4, người này đăng trên mạng xã hội quan điểm bác bỏ khuyến cáo chính thức liên quan đến việc đeo khẩu trang để ngăn ngừa Covid-19. Rose cho rằng việc này khiến dịch bệnh bị thổi phồng không cần thiết.

Tuy nhiên, sau đó, người đàn ông 37 tuổi dương tính với SARS-CoV-2 và tử vong. Bài viết trong quá khứ của Rose lập tức bị cộng đồng mạng chia sẻ lại cùng hàng nghìn bình luận chế giễu.

Trả lời phỏng vấn trang WOIO, Nick Conley - bạn của cựu bác sĩ quá cố - cho rằng Rose không đáng nhận những lời miệt thị khi đã qua đời.

“Tôi hy vọng cái chết của bạn mình sẽ là lời cảnh báo cho những người khác, nhất là những ai vẫn cố tình xem nhẹ Covid-19”, Conley bày tỏ.

Hình ảnh mọi người ra đường với khẩu trang đã bắt đầu phổ biến ở các quốc gia phương Tây. Tuy nhiên, một bộ phận vẫn mang thái độ tiêu cực với hành động này. Ảnh: SCMP.

Phạt tiền, bỏ tù người không đeo khẩu trang


Trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, ngày càng nhiều quốc gia bắt buộc người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Theo The Guardian, tới nay, có khoảng 120 quốc gia đưa ra quy định này. Người chống đối có thể đối diện án phạt tiền hoặc tù giam.

Hôm 27/7, chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) tuyên bố việc đeo khẩu trang ở không gian công cộng là bắt buộc từ 29/7. Người vi phạm phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 5.000 đôla Hong Kong (645 USD). Một số có “lý do chính đáng” như tình trạng bệnh lý hoặc trẻ em dưới 2 tuổi sẽ được miễn.

Bộ trưởng Y tế Vương quốc Anh Matt Hancock gần đây tuyên bố đeo khẩu trang ở các cửa hàng là quy định bắt buộc từ ngày 24/7, với mức phạt 100 bảng (131 USD) cho ai không tuân thủ. Trước đó, từ ngày 15/6, chính phủ yêu cầu người sử dụng phương tiện giao thông công cộng phải đeo khẩu trang nếu không muốn nộp phạt 121 USD.

Ngày 23/7, chính phủ Malaysia tuyên bố việc đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng và tại các khu vực đông đúc là quy định bắt buộc từ ngày 1/8. Những người không tuân thủ có thể bị phạt 1.000 RM (235 USD) theo Đạo luật Phòng chống và Kiểm soát Bệnh Truyền nhiễm của quốc gia này.

Khoảng 120 quốc gia trên thế giới đã đưa ra quy định bắt buộc người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng giữa mùa dịch. Ảnh: Jet Huynh.

Các đạo luật được UAE ban hành hồi tháng 5 đưa ra mức phạt 3.000 dirham (817 USD) cho bất kỳ ai không đeo khẩu trang ở nơi công cộng hoặc không giãn cách xã hội, theo CNBC.

Theo CGTN, việc không đeo khẩu trang trên phương tiện giao thông công cộng ở Pháp đồng nghĩa hành khách sẽ bị từ chối phục vụ và bị phạt 151 USD. Hành vi tương tự dẫn đến án phạt 113 USD ở Tây Ban Nha, 152 USD ở Hy Lạp. Ở Đức, tiền phạt phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi, trong đó, bang Bayern đưa ra mức phạt nặng nhất là 163 USD.

Không dừng lại ở án phạt hành chính, một số quốc gia tỏ ra mạnh tay trong việc xử lý người chống đối quy định đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Ví như người vi phạm ở Qatar có thể đối mặt án tù 3 năm và số tiền phạt lên tới 55.000 USD, theo Aljazeera.

Ở Bắc Phi, chính phủ Morocco cảnh báo bất cứ ai không tuân thủ quy định phải đối mặt với án tù tối đa 3 tháng và phạt 1.300 dirham (130 USD). Hôm 13/7, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nam Phi Ronald Lamola tuyên bố hình sự hóa tội không đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

Sau 79 ngày điều trị tại Bệnh viện Y khoa North Hills (Texas, Mỹ), Paola Castillo (24 tuổi) được xuất viện hôm 15/7. Cô trải qua hơn 1 tháng “thập tử nhất sinh” trong phòng chăm sóc đặc biệt và phải sử dụng máy thở.

Sau khi khỏi bệnh, Paola ước bản thân chịu lắng nghe lời khuyên của các quan chức, chuyên gia rằng nên đeo khẩu trang để phòng bệnh.

“Nếu tôi nghe mọi người và đeo khẩu trang, chỉ cần đơn giản thế thôi, tôi đã có thể tránh được tất cả điều khủng khiếp này. Tôi làm việc tại ngân hàng, ở cạnh rất nhiều người, nhưng tôi quá chủ quan rằng ‘Tôi ổn, tôi ổn’. Tôi không bao giờ nghĩ rằng mình lại bị lây nhiễm”, người hồi phục từ Covid-19 nói và khẩn khoản mong mọi người lưu tâm lời cảnh báo đeo khẩu trang giữa dịch bệnh của mình.

 

Theo Zing