Thời phong kiến, những người phạm tội ngoại tình, gian dâm... bị xử phạt rất nặng. Tuy nhiên, với xã hội "trọng nam khinh nữ", những hình phạt chủ yếu nhằm vào phụ nữ yếu thế, vốn bị cột chặt vào các chuẩn mực của “tam tòng tứ đức”.

Hình phạt phụ nữ ngoại tình. Ảnh chụp lại từ sách Tiểu luận về dân Bắc Kỳ, tác giả Gustave Dumoutier, Omega+ liên kết NXB Hà Nội phát hành, 2020.

Hình phạt nhằm vào phụ nữ yếu thế

Tùy mức độ phạm tội được pháp luật quy định (thời hậu Lê là Quốc triều hình luật, thời Nguyễn là Hoàng Việt luật lệ Luật Gia Long) mà người phạm tội, hoặc kẻ tòng phạm có thể bị voi giày, ngũ mã phanh thây, hoặc bị đày đi viễn xứ.

Bên cạnh đó, những hình phạt khác vượt ngoài khuôn khổ của pháp luật như gọt đầu bôi vôi, thả bè trôi sông, phạt vạ đến tán gia bại sản... Điều này ít nhiều được đề cập trong các tư liệu viết về văn hóa xã hội Việt Nam, trong đó có các tác phẩm của người phương Tây (du ký, bút ký của các giáo sĩ, thương nhân và những khảo cứu của người Pháp, trong khoảng thời gian từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20).

Trong Tập du ký mới và kỳ thú về vương quốc Đàng Ngoài (chủ yếu dựa vào nội dung bản thảo những ghi chép của người em trai Daniel Tavernier - đến Đàng Ngoài từ năm 1639-1645) Jean - Baptiste Tavernier cho biết luật lệ của vương quốc rất nghiêm ngặt với tội ngoại tình.

Samuel Baron là thương nhân người Anh (cha người Hà Lan, mẹ người Việt), được công ty Đông Ấn Anh cử ra Đàng Ngoài năm 1678. Trong tác phẩm Mô tả Vương quốc Đàng ngoài, tác giả cho biết: Nếu người chồng có địa vị phát hiện vợ ngoại tình, anh ta có thể tự tay kết liễu người đó cùng với tình nhân một cách tự do. Nếu không, người chồng có thể đem vợ ra ngoài cho voi giày, còn kẻ tình lang kia không sớm thì muộn cũng sẽ bị xử tử.

Còn với tầng lớp dân nghèo không khốc liệt đến thế, họ bị đưa ra xử và bị phạt thật nặng nếu bị kết luận phạm tội.

Trong tác phẩm Lịch sử tự nhiên, dân sự và chính trị Đàng Ngoài, tác giả Richard cho biết thêm người bị tội ngoại tình còn bị phạt lưu đày, có khi ra tận biên giới của vương quốc.

Còn những cô gái mất trinh tiết bị phạt vạ tiền, nhiều hay ít tùy theo phong tục mỗi nơi. Tai nạn này đủ để làm phá sản người cha và mẹ bằng những khoản tiền nộp phạt lớn, vì tội bất cẩn không trông nom, dạy dỗ con cái. Nếu không có gì để trả, cô gái và kẻ tòng phạm có thể bị bán làm nô tỳ.

Cảnh chức sắc, bô lão làng xã xử Thị Mầu hoang thai trong vở chèo Quan Âm Thị Kính. Nguồn: Nhà hát chèo Việt Nam.

Những hủ tục vượt ngoài quy định của pháp luật

Trong cuốn Tiểu luận về dân Bắc Kỳ, tác giả Gustave Dumoutier - Giám đốc Học chính Trung Bắc Kỳ, người có niềm đam mê lớn với việc nghiên cứu dân tộc, khảo cổ, tôn giáo, văn hóa, lịch sử Việt Nam - dành một phần để nói về vấn đề ngoại tình và ly dị (nằm trong mục II Gia đình).

Ông cho biết Luật An Nam (Hoàng Việt luật lệ hay Luật Gia Long), điều 333 và các điều tiếp theo, quy định một trong những hình phạt chống lại tội ngoại tình, chống lại tội loạn luân, hiếp dâm, chống lại sự gần gũi giữa chủ và đầy tớ, giữa những người đang có tang, giữa thầy tu và người ngoài đời… Hình phạt rất nghiêm khắc, nhiều khi tới mức tử hình.

Dumoutier cũng cho biết trước khi người Pháp tới Bắc Kỳ, phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình bị xử tội chết. Còn người phụ nữ tìm cách sát hại chồng, để che giấu tội sẽ bị xử ngũ mã phanh thây.

Để chứng minh nhận định này, Dumoutier đưa ra ví dụ. Hai tội nhân bị ông chồng bắt gặp, bị đặt đối diện nhau và bị đóng đinh tay chân vào những tấm ván ghép xù xì, miệng bị đổ đầy một thứ nhựa trám nóng chảy, gắn chặt răng và môi.

Trong tình trạng ấy, họ bị đặt lên một cái bè, làm bằng thân chuối và tre, thả trôi sông. Họ sẽ bị chết vì say nắng và đói.

Một tục lệ (hủ tục) ít dã man hơn là cạo đầu bôi vôi phạm nhân và rong họ đi khắp làng. Năm 1892, một phụ nữ Hà Nội, ba lần bị người chồng tin là đã thông dâm, bị giải lên tòa án bản xứ, bị xử án treo cổ. Còn tội ngoại tình của người chồng, trong thực tế chỉ bị xét xử bằng những lời nhiếc móc của bà vợ.

Theo  Zing