leftcenterrightdel
 Những người mua sắm lựa chọn quần áo cũ ở Singapore - Nguồn ảnh: AFP

Nếu bạn mua đủ số ly trà sữa để đạt điều kiện giao hàng miễn phí, về cơ bản, bạn đã có lợi. Nếu mua một chiếc váy với giá 200.000 đồng, bạn sẽ chỉ tốn 10.000 đồng cho mỗi lần mặc nếu sử dụng nó 20 lần. Hoặc nếu bạn đăng ký phòng tập thể dục trong 6 tháng, chi phí bỏ ra mỗi ngày còn rẻ hơn 1 ly cà phê, ngay cả khi bạn không sử dụng phòng tập hằng ngày.

Tất cả phép tính trên đều hợp lý về mặt toán học. Thế nhưng, khi áp dụng vào cuộc sống, bạn không khỏi cảm thấy có điều gì đó “sai sai”. Đó là những ví dụ điển hình cho xu hướng “Girl Math” (Phép toán con gái) hiện đang lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội.

Cách tính toán tài chính này nổi lên kể từ khi chương trình radio ở New Zealand giới thiệu khái niệm này vào tháng Bảy vừa qua. Kể từ đó, giới trẻ trên toàn thế giới bắt đầu sử dụng lối suy nghĩ mới này để tự trấn an mình, biện minh cho việc chi tiêu “khủng”, giải tỏa cảm giác phí phạm và hối hận khi chi món tiền “khủng” để mua vé xem buổi hòa nhạc của ca sĩ Taylor Swift hay sắm những chiếc vòng cổ Van Cleef đắt đỏ... Ở Đông Nam Á, một số tài khoản trên mạng xã hội tỏ ra rất thích thú với xu hướng này trong khi nhiều người khác cho rằng nó có thể khuyến khích chi tiêu liều lĩnh.

Darshen Kunaseharan  - 29 tuổi, người sáng tạo nội dung TikTok tại Singapore - gần đây đã chia sẻ một video sử dụng “Girl Math” nhằm biện minh cho việc chi 140.889 SGD (hơn 2,5 tỉ đồng) để mua chiếc ô tô và quyền sử dụng nó (Chính phủ Singapore quy định người mua ô tô phải trả tiền mua quyền sử dụng xe vào các thứ Hai - Tư - Sáu; Ba - Năm - Bảy, nguyên tuần…).

Trong đoạn clip dài 1 phút, Kunaseharan bắt đầu bằng việc làm tròn chi phí xuống còn 140.000 SGD sau đó chia cho 10 (số năm giấy phép sử dụng xe đã mua, sau đó phải tiếp tục trả phí để được gia hạn). Sau đó, anh tiếp tục chia cho số ngày trong năm và cứ tiếp tục như vậy cho đến khi chi phí chỉ còn 0,02 SGD/phút sử dụng xe. Kết quả này cho thấy việc sử dụng xe giống như được “miễn phí”, rất hài hước. 

Kết quả cuộc khảo sát do công ty bảo hiểm Etiqa thực hiện và công bố vào tháng 8/2023 (thăm dò ý kiến của hơn 1.000 người trong độ tuổi từ 18-42) cho thấy 41% đã chi tiêu nhiều hơn số tiền họ kiếm được và 52% đang mắc nợ. He Ruiming - người đồng sáng lập trang web tài chính cá nhân The Woke Salaryman - cho biết: "Ở nhiều quốc gia, giới trẻ từ bỏ những dấu ấn truyền thống của tuổi trưởng thành, chẳng hạn như sở hữu một ngôi nhà. Thay vào đó, họ mua sắm ngắn hạn vì nghĩ rằng bản thân sẽ không bao giờ đủ khả năng mua những tài sản dài hạn". Xu hướng này cũng diễn ra vào thời điểm nợ nần cá nhân vì tiêu dùng được xem là điều bình thường. Ông He nói: "Thế hệ trẻ đang sống trong thời đại mà chủ nghĩa tiêu dùng quá mức được tôn vinh, với việc mọi người liên tục nói về trải nghiệm mua sắm thiếu kiềm chế trên TikTok và Instagram”.

Jess Ramos - nhà phân tích dữ liệu người Mỹ - chia sẻ trên TikTok: "Xu hướng Girl Math thực sự có hại. Nó duy trì những định kiến tiêu cực về việc nữ giới làm toán kém bằng cách biến nó thành một trò đùa hoặc một sự chế giễu". Tuy nhiên, nhiều người lên tiếng bảo vệ xu hướng này, cho rằng mục đích cuối cùng của nó cũng chỉ để vui và không nên quá bận tâm. Amarpreet Kaur - sinh viên mới tốt nghiệp tại Singapore - chia sẻ, trong khi cô sử dụng “Girl Math” để biện minh cho chi tiêu hằng ngày như trả tiền vé xe và bữa ăn, cô luôn thận trọng trong vấn đề tài chính nói chung.

Một sinh viên mới tốt nghiệp khác tên Rae Chua (23 tuổi) lưu ý: “Nếu xu hướng Girl Math làm thay đổi lối sống của bạn, đó có thể là một vấn đề". Giữa những cuộc bàn tán về tác hại của xu hướng Girl Math, Kunaseharan kết luận: “Đừng áp dụng Girl Math cho mọi thứ và tiêu tiền một cách liều lĩnh. Thay vào đó, nó là lời giải thích cho những điều nhỏ nhặt mà thỉnh thoảng chúng ta có thể làm để tự thưởng cho chính mình”. 

Theo phụ nữ TPHCM