Mỹ

Mỹ là quốc gia đã có hệ thống pháp luật về từ thiện bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia vào hoạt động từ thiện một cách trung thực, công bằng và độc lập, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và kiểm soát chặt chẽ.

Các cá nhân, tổ chức từ thiện cần thực hiện hoạt động từ thiện với mục đích mang lại lợi ích tốt nhất cho cộng đồng, xã hội chứ không phải vì lợi ích của cá nhân hay chính các tổ chức từ thiện.

Từ thiện minh bạch và bài học từ các nước trên thế giới 2
Hỗ trợ bữa ăn từ thiện cho người nghèo ở Mỹ

Công khai thông tin trên các kênh thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật cho cộng đồng và những người có liên quan đến dự án từ thiện được biết. Các cơ quan quản lý như Ủy ban từ thiện hoặc cơ quan thuế, cũng như Tòa án thường có trách nhiệm và quyền hạn để giám sát việc thực thi điều khoản của một dự án từ thiện lâu dài. Các tổ chức từ thiện theo quy định của pháp luật liên bang và pháp luật của các tiểu bang cần thực hiện nghĩa vụ báo cáo hàng năm với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Chính phủ liên bang và tiểu bang. Mặc dù các tổ chức phi lợi nhuận không phải nộp thuế nhưng họ vẫn phải nộp bản khai báo thông tin cho cơ quan thuế mỗi năm.

Thực hiện trách nhiệm giải trình là hoạt động thường xuyên, liên tục của các tổ chức từ thiện. Một trong những đòi hỏi cao hơn, đó là trách nhiệm giải trình có liên quan đến việc đánh giá sự khách quan, tính hiệu quả, bảo đảm các thứ tự ưu tiên trong chương trình…

Pháp luật Mỹ cũng quy định chặt chẽ nhằm ngăn ngừa nguy cơ rửa tiền và tài trợ khủng bố thông qua hoạt động từ thiện. Các cá nhân, tổ chức trong lĩnh vực này phải kiểm tra, xác minh chủ sở hữu các tài khoản thụ hưởng quyên góp trước khi thực hiện giao dịch chuyển tiền.

Anh

Luật Từ thiện (Charities Act 2011) của Anh quy định hoạt động cứu trợ thiên tai, cứu trợ nhân đạo thuộc một trong số các hình thức hoạt động từ thiện, vốn có phạm vi quản lý rất rộng. Hình thức từ thiện tại Anh đảm bảo sự đa dạng của xã hội, không phân biệt đối xử và hoàn toàn không đặt khối xã hội dân sự đối đầu với nhà nước. Tuy nhiên, theo luật Anh, hoạt động từ thiện cần phải đăng ký để chính quyền giám sát hoạt động theo tiêu chuẩn luật pháp, tránh lạm dụng, lừa đảo. Ngoài ra, còn để được công nhận quyền miễn trừ thuế thu nhập với hoạt động từ thiện.

Số đăng ký từ thiện (charity number) đi kèm việc khai thuế, nhà nước hạn chế thu nhập của chính tổ chức và người làm từ thiện.

Cần đăng ký mọi hoạt động đem lại thu nhập cho tổ chức, cá nhân làm từ thiện nhiều hơn 100 nghìn bảng Anh (tương đương 136.000 USD) trong một năm đóng thuế. Các khoản cao hơn mức đó và được ''miễn thuế thu nhập'' sẽ không rơi vào túi người làm từ thiện mà được chuyển lại cho hoạt động từ thiện sau khi Sở Thuế Hoàng gia (HMRC) hoàn lại cho hội đoàn từ thiện ở dạng Gift Aid để làm công tác thiện nguyện.

Australia

Trang thông tin của Ủy ban các hoạt động Từ thiện và Phi lợi nhuận Australia (ACNC) đăng tải thông tin hướng dẫn quy định rõ nghĩa vụ quản lý và minh bạch tài chính của các thành viên tổ chức hoạt động từ thiện. Theo đó, người làm công tác từ thiện sau khi huy động được các nguồn lực đóng góp cần thiết phục vụ cho công việc từ thiện, cần phải đảm bảo rằng nguồn lực này không bị lạm dụng và được sử dụng một cách hiệu quả và hợp pháp theo quy định của tiểu bang và vùng lãnh thổ.

Từ thiện minh bạch và bài học từ các nước trên thế giới 4
Hoạt động từ thiện đến từ tình cảm và trách nhiệm

Họ phải đảm bảo rằng, mọi hoạt động phát sinh quỹ đều diễn ra theo cách có lợi nhất cho hoạt động từ thiện. Điều này bao gồm việc xem xét mục đích từ thiện, những người thụ hưởng và tác động đến công chúng và các nhà tài trợ tiềm năng khác. Liên quan đến việc quản lý và sử dụng tiền từ thiện, người làm công việc từ thiện phải lưu trữ hồ sơ tài chính, báo cáo hàng năm, thông báo cho cơ quan chức năng khi có thay đổi và đáp ứng các quy định khác. Nếu không tuân thủ, họ sẽ có nguy cơ nhận án phạt từ ACNC.

Đức

Theo quy định của Bộ luật Dân sự Đức, quyên góp từ thiện là quà tặng. Nếu việc quyên góp được liên kết với một mục đích cụ thể thì người quyên góp có thể yêu cầu đáp ứng điều kiện của mình. Nếu người nhận không sử dụng khoản quyên góp như đã thỏa thuận, người quyên góp có thể yêu cầu trả lại khoản đóng góp tài chính của mình. Hoạt động quyên góp từ thiện liên quan đến thu và chi; vì vậy, sở tài chính là cơ quan có thẩm quyền kiểm tra và cho thi hành những chế tài khi phát hiện sai phạm. Ở Đức, rất nhiều nhân vật của công chúng, thí dụ, ca sĩ, diễn viên điện ảnh, vận động viên thể thao… tham gia sôi nổi trong việc vận động quyên góp từ thiện. Tuy nhiên, hầu như không bê bối xảy ra bởi vì họ không tự nhận tiền quyên góp mà chỉ kêu gọi đóng góp cho một tổ chức nào đó, thí dụ cho tổ chức Làng trẻ em SOS, Ủy ban Đức vì UNICEF…

Viện Nghiên cứu Trung ương Đức về Các vấn đề Xã hội (DZI) cung cấp thường xuyên thông tin về 227 tổ chức quyên góp từ thiện và cấp chứng chỉ chất lượng. Chứng chỉ chất lượng được trao cho các tổ chức phi lợi nhuận đã sử dụng hợp lý các khoản quyên góp.

Theo thoidai