Tập truyện ngắn Những đàn chim lạ của Thúy Hoàng khá dày dặn với 247 trang bao gồm 19 truyện ngắn như 19 lát cắt mà người phụ nữ nào cũng từng trải qua. Văn Thúy Hoàng không màu mè những mỹ từ, chẳng uốn lượn kỹ thuật lắt léo, lại càng chẳng chiêu trò trong các tình tiết. Không cầu kỳ, chẳng toan tính, chính cái thô mộc độc đáo lại mang đến chất “đời” rõ nét trong câu chữ của Thúy Hoàng. 

Đó có thể là mối tình “phi công trẻ lái máy bay”, nạn đổi vợ đổi chồng, nạn cờ bạc... Toàn những lát cắt đầy hấp lực, đầy xót xa mà không phải người cầm bút nào cũng đủ bản lĩnh để viết và chạm được tận cùng sự gai góc của đề tài. Mượn văn chương, Thúy Hoàng đã mạnh mẽ gióng lên hồi chuông về nỗi đau đời của những thân phận cằn cỗi trong xã hội. Chẳng bao giờ có một sự đủ đầy, không tình thì tiền, chẳng duyên thì phận. Thế nhưng tất cả tựu trung lại là một niềm riêng vương mang mà đôi khi ai cũng biết, chỉ là có đủ mạnh mẽ để dấn thân mà viết ra hay không. 

 

Nhân vật có thể là bà mẹ luôn cáu bẳn vì áp lực cuộc sống gia đình xoay vần cơm áo gạo tiền, nuôi dạy con cái - thứ áp lực mà bất kỳ người phụ nữ nào cũng có thể gặp phải giữa thời đại biến thiên chuyển dời. Áp lực làm mẹ đôi khi đi suốt cả dặm dài đời người phụ nữ để rồi họ cứ loay hoay, xoay vần với cái thiên chức ấy. Lối thoát nào cho họ hưởng thụ đúng nghĩa hai chữ gia đình như trong Chuyện lúc nửa ngày? 

Hoặc giả như góc nhìn dành cho trẻ yếu thế. Sự hòa nhập với cộng đồng của những trẻ này luôn là điều khiến các bậc phụ huynh đau đáu. Ở truyện ngắn Ngôi sao xanh, Thúy Hoàng đem đến cho độc giả một lát cắt nhỏ trong đời sống hiện nay nhưng câu chuyện truyền tải một thông điệp nhân văn cao cả. Đồng hành, thấu hiểu và hòa hợp với những thiệt thòi của con trẻ luôn là hành trình yêu thương bền bỉ của người làm mẹ. Câu chuyện ấy dẫu buồn nhưng vẫn ánh lên sự lấp lánh của trái tim người mẹ. 

Khát khao sống và mưu cầu hạnh phúc luôn hiện rõ trong truyện ngắn của Thúy Hoàng. Rất nhiều truyện ngắn trong tập sách (Người hát tình ca, Ngược bão tuyết bay về phía mặt trời...) thể hiện thông điệp đau đáu này. Có thể nói, qua những trang sách, Thúy Hoàng đã thoát khỏi vai trò của nhà sư phạm mà thăng hoa cùng văn chương, để lan tỏa đi những khát khao rất đàn bà. 

Tốt đẹp, dở dang, gian lao, hạnh phúc, điêu ngoa, thiện lành... tất cả các mảng màu đối lập được Thúy Hoàng đem vào truyện một cách tài tình và xử lý cực kỳ tinh tế. Gấp sách lại, người đọc vẫn thấy quẩn quanh mình là những câu chuyện quá đỗi thân gần. Ngó bên này thấy có bóng dáng mình, ngó bên kia thấy như chuyện nhà mình. Cứ vậy mà văn chương Thúy Hoàng lặng lẽ lắng đọng trong lòng độc giả. 

Thúy Hoàng cầm bút trễ, khi đã đi qua nửa đời người, nhưng chính nhờ sự chắt lọc khắt khe ấy, chị đã đem đến cho văn chương một giọng văn khá đặc biệt - lối viết bằng cảm tính đầy chân phương của người phụ nữ. Chính niềm đa cảm ấy mang đến sự rộng mở cho tuyến nhân vật cũng như đề tài. Trĩu trịt mà nhẹ hẫng. Gai góc mà mềm mượt. Cợt nhả mà nghiêm cẩn. Một cách viết như chính chị chia sẻ là viết từ trái tim của một người đàn bà.

Theo phunuonline.com.vn