Ông Sit Pui-yu (72 tuổi), sống tại Hong Kong, kiên quyết phản đối tiêm vaccine, cho dù điều này đồng nghĩa ông sẽ không thể đi ăn tối bên ngoài hoặc mua thực phẩm ở những khu chợ bán đồ tươi sống.

Và ông không phải người duy nhất. Bất chấp những lời kêu gọi liên tục từ các nhà chức trách và chuyên gia y tế trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tăng kỷ lục, nhiều người già ở Hong Kong vẫn không muốn tiêm chủng vì nhiều lý do khác nhau.

Sống một mình và ít tiếp xúc với bên ngoài, một số lo lắng họ có thể gặp nguy hiểm nếu bị tác dụng phụ sau khi tiêm. Trong khi đó, những người khác nói rằng họ không có hướng dẫn rõ ràng từ bác sĩ, theo South China Morning Post.

 
 
 
Nguoi gia tai Hong Kong khong tiem chung anh 2

Những người già xếp hàng tại trung tâm xét nghiệm Covid-19 ở Hong Kong. Ảnh:Dickson Lee.

Nhiều người già cũng gặp khó khăn khi các nhà chức trách thực hiện chính sách mới như áp dụng công nghệ theo dõi việc tiêm chủng. Điều này khiến họ mất lòng tin vào giới chức địa phương.

Sit cho hay ông bắt buộc phải dùng ứng dụng Covid-19 là “Rời khỏi nhà an toàn”. Nhưng ông chỉ có thể sử dụng nó sau khi được tặng một chiếc điện thoại thông minh và được dạy cách sử dụng.

"Các nhà lãnh đạo chưa bao giờ quan tâm đến người cao tuổi trong mọi biện pháp mà họ áp dụng kể từ khi bắt đầu đại dịch", ông phàn nàn.

Một số nhân viên xã hội nhận định giới chức Hong Kong cùng các bác sĩ và gia đình đã không hành động “đủ" để giải quyết nỗi sợ hãi của người già và những trở ngại thực tế.

Theo thống kê chính thức vào hôm 11/2, tại Hong Kong, mới chỉ có khoảng 67% người trên 60 tuổi đã được tiêm mũi đầu tiên. Tỷ lệ này thậm chí giảm xuống còn 53% đối với nhóm trên 70 tuổi và 36% đối với nhóm trên 80 tuổi.

Không có hướng dẫn rõ ràng

Tuần trước, người đứng đầu chính quyền Hong Kong Carrie Lam cho biết các nhà trách đang phải tập trung ưu tiên, khuyến khích thêm nhiều người cao tuổi tiêm chủng.

William Chui Chun-ming, Chủ tịch Hiệp hội Dược sĩ Bệnh viện Hong Kong, lưu ý rằng những người cao tuổi đặc biệt dễ bị mắc Covid-19, nhất là biến chủng Omicron dễ lây truyền.

Ông cho hay những người mang mầm bệnh từ 80 tuổi trở lên có tỷ lệ tử vong cao nhất. “Tiêm vaccine có thể giúp họ không bị các biến chứng nặng hoặc thậm chí tử vong”, ông nhấn mạnh.

Ông Chui cũng lưu ý rằng người cao tuổi có thể tiêm vaccine, bao gồm cả nhóm đối tượng mắc bệnh mạn tính, miễn là tình trạng của họ ổn định.

Tuy nhiên, trên thực tế, Ivan Lin Wai-kiu, làm việc tại Hiệp hội vì Tổ chức Cộng đồng (SoCO), cho biết nhiều người già vẫn không thể tiêm chủng vì các vấn đề y tế.

Lin chỉ ra rằng một số người cao tuổi mắc các bệnh mạn tính phải đợi hàng tháng trời mới được sắp xếp cuộc hẹn với bác sĩ chuyên khoa tại bệnh viện công, để xác nhận xem họ có phù hợp tiêm hay không.

Mất thời gian lâu như vậy, nhưng nhiều người cũng chỉ có thể trở về một cách thất vọng khi ngay cả bác sĩ cũng không thể cho họ lời khuyên chắc chắn.

Một cụ bà 72 tuổi giấu tên cho biết bà đã quyết định tiêm vaccine vào tháng trước nhưng bị các nhân viên từ chối vì bà đã bỏ uống aspirin để điều trị bệnh tim của mình trong một thời gian.

Bà nói rằng các nhân viên yêu cầu bà quay lại và hỏi ý kiến bác sĩ - người chưa bao giờ trả lời rõ ràng về việc liệu bà có đủ sức khỏe để tiêm phòng hay không - và cuộc hẹn khám tiếp theo phải chờ đến tận tháng sau.

 
Nguoi gia tai Hong Kong khong tiem chung anh 3

Nhiều người già tại Hong Kong không tiêm chủng vì không có hướng dẫn rõ ràng từ bác sĩ. Ảnh:AFP.

Vì chưa được chủng ngừa, bà lo lắng bị nhiễm bệnh đến mức không dám rời khỏi nhà trừ khi thực sự cần thiết. Cụ bà 72 tuổi còn phải đối mặt với khả năng không thể đi chợ hay thậm chí đến các địa điểm công cộng theo kế hoạch mới đối với người chưa tiêm vaccine của các nhà chức trách Hong Kong kể từ ngày 24/2.

“Tôi rất thất vọng và không biết phải làm gì”, bà nói.

Kế hoạch tăng tốc

Mới đây, Walter Cheung Shu-wa, giám đốc điều hành một cơ quan truyền thông, cho biết người mẹ 94 tuổi bị huyết áp cao của ông đã tiêm vaccine vào tuần trước và không gặp tác dụng phụ.

“Đó không phải là một quyết định dễ dàng. Tôi rất mừng vì bà ấy không sao sau khi tiêm chủng”, ông nói.

Thông tin các cơ sở tôn giáo có thể kiểm tra giấy chứng nhận tiêm vaccine theo yêu cầu mới của các nhà chức trách khiến mẹ ông Cheung đi tiêm vì bà đến nhà thờ hàng tuần.

“Bác sĩ cũng khuyên mẹ tôi nên đi tiêm phòng”, Cheung nói và cho biết sau đó, mẹ anh đã quyết định bà sẽ tiêm thêm mũi thứ hai.

Quyết định sử dụng giấy chứng nhận vaccine của giới chức Hong Kong vào hôm 15/2 đã làm dấy lên một làn sóng tiêm chủng.

Hơn 37.000 người đã tiêm mũi đầu tiên chỉ trong hôm 16/2, tăng khoảng 40% so với khoảng 27.000 người một ngày trước đó.

Trong khi đó, các cơ sở chăm sóc người cao tuổi cũng tăng cường các đợt tiêm chủng cho người dân, sau khi hơn 20 cơ sở báo cáo các ca nhiễm trong đợt dịch thứ 5.

Kenneth Chan Chi-yuk, Chủ tịch Hiệp hội Dịch vụ Người cao tuổi Hong Kong, cho biết từ cuối tháng trước, các nhân viên đã mời đội y tế, cũng như bác sĩ tư nhân, để đánh giá tình trạng, tiêm chủng cho người già nếu họ đủ điều kiện và chấp nhận mà không cần sự đồng ý của gia đình.

 
Nguoi gia tai Hong Kong khong tiem chung anh 4

Những người lớn tuổi đặc biệt dễ bị tổn thương khi mắc Covid-19. Ảnh:Sam Tsang.

Các quy định nghiêm ngặt hơn và làn sóng dịch ngày càng trầm trọng đã đẩy tỷ lệ tiêm chủng tại các viện dưỡng lão, cơ sở chăm sóc từ 20-30% lên khoảng 50%.

Tuy nhiên, một số người có gia đình không ủng hộ vì lo lắng vấn đề sức khỏe, hoặc phản đối chương trình tiêm chủng, vẫn tiếp tục không muốn tiêm vaccine.

Chan cho biết các cơ sở tôn trọng quyết định của họ, nhưng nói thêm: “Tỷ lệ tiêm chủng vẫn còn quá thấp. Chúng tôi phải chạy đua với thời gian để đưa những người cao tuổi đi tiêm chủng”.

Dù vậy, khả năng tiếp cận hạn chế của các đội y tế có nghĩa một số người dân sẽ buộc phải đợi đến tháng 3, thậm chí là tháng 4.

Ngoài ra, Sze Lai-shan, Phó giám đốc của SoCO, nhận định cơ quan phúc lợi xã hội và các trung tâm y tế nên kiểm tra, theo dõi những người già sống một mình hoặc không có khả năng tiếp cận thông tin, sau khi họ được tiêm chủng để hỗ trợ nếu gặp phải tác dụng phụ.

“Một số người còn do dự vì lo sợ rằng họ không thể làm gì nếu có chuyện xảy ra”, cô nói.

Theo Zing