Vương quốc Anh lại trải qua một làn sóng lây nhiễm Covid-19 tồi tệ. Theo số liệu của chính phủ Anh, nước này ghi nhận 27.989 ca nhiễm mới vào ngày 1/7, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ ngày 29/1.

Với số ca nhiễm mới tăng vọt, số ca bệnh tại Anh trong một tuần tính từ ngày 25/6 đến 1/7 đã tăng gần 72% so với tuần trước đó.

Đây không phải lần đầu tiên nước Anh hứng chịu ảnh hưởng của Covid-19. Vào cuối năm 2020, biến chủng Alpha đã cướp đi sinh mạng của hơn 100.000 người. Nhưng khác với lần trước, vaccine đã cứu sống hàng chục nghìn người trong đợt dịch này và được công nhận về khả năng ngăn ngừa lây nhiễm.

                                                                                       Người dân Anh xếp hàng đợi tiêm vaccine tại sân vận động Tottenham Hotspur. Ảnh: Reuters.


"Đĩa petri" của thế giới


Được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố đặc biệt, nước Anh đang trở thành nhân tố đi đầu trong việc triển khai chương trình tiêm chủng chống lại Covid-19. Phần lớn các quốc gia Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á vẫn đứng sau Anh về tốc độ triển khai tiêm chủng và chịu ảnh hưởng nặng nề của biến chủng Delta.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định rằng Delta sẽ là biến chủng phổ biến nhất thế giới trong thời gian gần. Hiện tại, biến chủng Delta đã xuất hiện tại 96 quốc gia, chiếm 20% các ca nhiễm mới tại Mỹ và dự kiến tỷ lệ sẽ tăng mạnh trong vài tuần tới.

Số ca mắc Covid-19 tại châu Âu cũng gia tăng trong suốt một tuần qua, chấm dứt quãng thời gian 10 tuần châu lục này ghi nhận đà suy giảm của dịch. Giáo sư Jean-Fran#ois Delfraissy, cố vấn khoa học hàng đầu của chính phủ Pháp, đã cảnh báo rằng biến chủng Delta có thể gây ra làn sóng dịch bệnh lần thứ tư tại châu Âu.

Mark Woolhouse, giáo sư dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Đại học Edinburgh, cho biết: “Vương quốc Anh đang ở một vị trí rất độc đáo. Đợt bùng phát của biến chủng Delta lớn nhất đang diễn ra tại một quốc gia có tỷ lệ tiêm phòng rất cao. Chúng tôi là đĩa petri (loại đĩa thường dùng để làm thí nghiệm) của thế giới”.

Những quốc gia khác có thể rút ra những bài học từ những gì sẽ xảy ra tại Vương quốc Anh trong những tháng tới. Những hiểu biết về cách biến chủng lây lan trong dân số và tác dụng của các loại vaccine đối với người bệnh chắc chắn rất đáng giá.

                                                                                                Vaccine Pfizer/BioNtech được sử dụng tại Anh. Ảnh: Reuters.


Phân tích của Public Health England đã chỉ ra rằng biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn 60% so với biến chủng Alpha. Xác suất nhập viện cũng tăng gấp đôi.

Cơ quan này cũng cho biết mặc dù vaccine Pfizer và AstraZeneca không hoàn toàn hiệu quả với biến chủng Delta vì mục đích ban đầu là để chống lại Alpha, tuy nhiên hai mũi tiêm cũng làm giảm nguy cơ nhập viện xuống lần lượt là 96% và 92%. Đây là một điều đáng mừng và giúp các quốc gia khác tìm ra phương án ứng phó trong thời gian tới.

Giáo sư David Salisbury, một nhà nghiên cứu tại Chương trình Y tế Toàn cầu tại Chatham House, cho biết: “Mọi người chắc chắn sẽ nhìn vào Vương quốc Anh và học hỏi rất nhiều kinh nghiệm”.

“Các nhà lãnh đạo thế giới sẽ biết nên làm gì khi so sánh giữa Anh và Pháp, quốc gia có tỷ lệ tiêm phòng chỉ bằng 1/3. Tôi chắc chắn rằng các quan chức y tế công cộng ở các quốc gia khác sẽ tìm ra phương hướng hành động khi xem xét dữ liệu của Anh”, ông nói.

Trông chờ hiệu quả virus


Mặc dù có thể làm giảm mạnh nguy cơ tử vong, vaccine không bao giờ có thể đưa xuống con số không. Nguy cơ lây nhiễm thậm chí vẫn còn rất cao.

Biến chủng lây nhiễm nhanh như Delta sẽ có khả năng tìm tới những người chưa được tiêm chủng hoặc tiêm vaccine hiệu quả thấp. Tình hình đang diễn ra tại Anh là lời cảnh tỉnh đối với chương trình triển khai tiêm chủng ở nhiều quốc gia khác.

“Nếu virus còn tồn tại thì vẫn còn hậu quả. Mọi thứ chỉ chấm dứt khi diệt trừ được virus”, ông Salisbury nhận định.

Tất cả những điều đó dẫn đến câu hỏi liệu cần tỷ lệ tiêm chủng cao mức nào mới có thể dập tắt hoàn toàn dịch bệnh. Israel là quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới đã từng đẩy lùi được Covid-19. Tuy nhiên, số ca nhiễm đã tăng trở lại sau sự xuất hiện của biến chủng Delta.

                                                                                             Một người đàn ông được tiêm vaccine AstraZeneca tại Yemen. Ảnh: Reuters.


Hiện tại, Israel vẫn đang theo dõi và chờ đợi liệu các ca nhiễm có rơi vào tình trạng nguy kịch hay không. Tuy nhiên, quốc gia Trung Đông này phụ thuộc phần lớn vào vaccine Pfizer, trong khi Vương quốc Anh sử dụng AstraZeneca.

Vì vậy, các quốc gia khác đang sử dụng vaccine AstraZeneca sẽ theo dõi sát sao tình hình nước Anh. William Hanage, giáo sư dịch tễ học tại Harvard nhận định rằng: “Nếu Vương quốc Anh tránh được thiệt hại do làn sóng dịch lần này, các quốc gia đang dựa vào AstraZeneca sẽ thở phào nhẹ nhõm”.

Các nhà khoa học tin rằng 85% dân số phải được tiêm một loại vaccine có thể ngăn ngừa mọi biến chủng thì mới chặn đứng được biến chủng Delta.

Siân Griffiths, giáo sư danh dự tại Đại học Hong Kong, cho biết các quốc gia Đông Nam Á đang theo dõi cách ứng phó của Anh và Israel đối với biến chủng Delta. Sau khi biến chủng Delta xuất hiện, các quốc gia trong khu vực đã phải đầu tư nhiều hơn vào chiến dịch tiêm chủng.

“Chúng ta đang nhận thức được rằng thế giới sẽ sống chung với Covid-19”, cô nói.

Theo Zing