Xoay quanh vấn đề vận động kết hôn trước 30 tuổi, Báo Thanh Niên có cuộc trao đổi với thạc sĩ Nguyễn Quang Việt Ngân, giảng viên bộ môn địa lý dân số - xã hội, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM).
Nhiều thách thức về dân số cần phải giải quyết
Thưa bà, thực trạng người trẻ kết hôn muộn, sinh ít con, thậm chí là ngại cưới, ngại sinh con sẽ để lại hệ lụy gì cho xã hội?
Thực trạng này hiện nay đang diễn ra ở nhiều quốc gia với những thay đổi về quan điểm hôn nhân và gia đình. Theo kết quả nghiên cứu khảo sát từ các nguồn khác nhau, hiện nay tỷ lệ kết hôn tại các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đang giảm, đi kèm với thực trạng già hóa dân số và cơ cấu dân số già. Đó được xem là bài học kinh nghiệm cho các nước khác.
Khi nhìn vào dữ liệu thống kê về mức sinh thì VN vẫn tiếp tục duy trì được mức sinh thay thế, cụ thể tổng tỷ suất sinh năm 2022 là 2,1 con/phụ nữ. Tuy nhiên thực tế độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu của VN ngày càng tăng và xu hướng người trẻ ngày càng ngại kết hôn và sinh con đặt ra cho các nhà hoạch định về chính sách dân số rất nhiều thách thức cần phải giải quyết.
Với các dự báo theo dữ liệu thống kê, VN sẽ đối mặt với xu hướng mức sinh giảm nhanh, thời kỳ cơ cấu dân số vàng (tỷ lệ người trong độ tuổi lao động gấp đôi tỷ lệ người già và trẻ em phụ thuộc) bị rút ngắn và tốc độ già hóa dân số diễn ra nhanh chóng.
Để rồi từ đó, một trong những giải pháp được các chuyên gia chú trọng chính là việc đảm bảo về tỷ lệ kết hôn và sinh con trong độ tuổi phù hợp. Cụ thể là khuyến khích các cặp nam nữ kết hôn trước 30 tuổi.
Việc người trẻ ngại cưới cũng ảnh hưởng đến nguồn nhân lực, hay nói cách khác là dẫn đến sự thiếu hụt về mặt lao động cho xã hội, đúng không thưa bà?
Ở khía cạnh dân số học, việc người trẻ kết hôn được xem là yếu tố để duy trì vững chắc mức sinh thay thế. Tuy nhiên ở góc độ thực tiễn, mỗi người lại có quan điểm khác nhau đối với việc cưới hỏi và sinh con. Có người thì mong kết hôn sớm, có người lại vẫn hài lòng với cuộc sống độc thân. Vậy nên, phải xem xét dựa trên suy nghĩ, quan điểm riêng của từng cá nhân.
Xem xét quan điểm kết hôn của các thế hệ Millennials (sinh từ năm 1981 - 1995) và đặc biệt là gen Z (1996 - 2012) chắc chắn khác với các thế hệ trước kia bởi họ có nhiều thông tin, lựa chọn cho việc định hướng, phát triển bản thân cũng như những quan điểm: thế nào là trách nhiệm với cộng đồng, thế nào là sống có ích cho xã hội…
Nhìn chung, việc kết hôn muộn của người trẻ hiện nay cũng chứng tỏ họ đã phần nào có sự chuẩn bị về tài chính và kiến thức hôn nhân gia đình, có những cân nhắc về trách nhiệm nghĩa vụ khi kết hôn với không chỉ bản thân mà gia đình hai bên.
Việc giới trẻ lựa chọn việc kết hôn và sinh con khi đã chuẩn bị sẵn sàng về tâm lý cũng là tín hiệu tích cực cho thấy họ sẵn sàng cho việc xây dựng một thế hệ con cái được đầu tư đầy đủ cả về y tế, giáo dục, dinh dưỡng và trao cho chúng những cơ hội tốt nhất để phát triển. Hay nói cách khác, giới trẻ mong muốn khi kết hôn và sinh con sẽ tạo ra một thế hệ "có cuộc sống
chất lượng".
Vì thế, tôi nghĩ rằng các nhà quản lý cần phải tìm lời giải cho các câu hỏi sau: Tại sao người trẻ ngại kết hôn? Điều gì tác động đến quan điểm kết hôn và sinh con của họ? Những nhóm dân số nào thật sự không muốn kết hôn? Những nhóm dân số trẻ nào muốn kết hôn trước 30 tuổi nhưng điều kiện chưa cho phép? Làm thế nào để hỗ trợ cho các bạn trẻ muốn kết hôn và sinh con có thể yên tâm thực hiện mong muốn của mình?
Giúp người trẻ yên tâm kết hôn
Mức sinh như thế nào có thể đảm bảo được nguồn nhân lực lao động, thưa bà?
Theo nhân khẩu học, việc duy trì mức sinh thay thế là 2,1 con/phụ nữ (TFR =2,1) sẽ giúp quy mô dân số ổn định và sự nối tiếp các nhóm dân số sẽ được duy trì đều đặn. Qua đó, nguồn nhân lực lao động được bổ sung liên tục và không bị gián đoạn. Việc các nhà quản lý lo lắng chính là khi số người được sinh ra ngày càng ít đi và với việc chuyển đoàn hệ trong dân số sẽ làm cho dân số trong độ tuổi lao động, lực lượng chính tạo ra của cải vật chất và sự phát triển của xã hội sẽ ngày càng bị thu hẹp. Trong khi đó, nhóm người cao tuổi ngày một gia tăng, gây áp lực cho hệ thống an sinh xã hội.
Một số nước phát triển có mức sinh thấp, kéo dài đang chịu nhiều hậu quả khi dân số giảm, phải nhập khẩu lao động, tỷ lệ người cao tuổi rất cao. Theo nhiều dự báo, đến giữa thế kỷ này ở nhiều nước, người cao tuổi chiếm tới gần một nửa tổng dân số. Các nhà khoa học cũng cho rằng chưa thể hình dung một nền kinh tế không có lao động sẽ ra sao, cuộc sống của một xã hội mà đa số là người cao tuổi sẽ như thế nào…
Bà có đề xuất giải pháp gì để khuyến khích người trẻ kết hôn trước 30 tuổi và tăng mức sinh ở những nơi có mức sinh thấp?
Giải pháp cần xuất phát từ việc hiểu rõ các nguyên nhân dẫn đến việc họ e ngại kết hôn và sinh con. Thực tế cho đến nay VN vẫn đang cần những khảo sát đặc thù để cập nhật về quan điểm kết hôn và sinh con của giới trẻ cũng như những nguyên nhân khiến họ ngại vấn đề ấy. Để từ đó có thể đưa ra những sự điều chỉnh giải pháp phù hợp, có cơ sở khoa học nhằm hỗ trợ.
Tuy nhiên không có giải pháp nào được xem là đúng và đầy đủ cho vấn đề kết hôn và sinh con của người trẻ. Xét về mặt nào đó, việc cung cấp thông tin đầy đủ về lợi ích của việc kết hôn trước 30 tuổi, sinh con sớm dựa trên ý kiến của các chuyên gia và sự phản biện của chính người trẻ qua các kênh truyền thông là việc làm quan trọng nhất.
Kế đến, chính sách cần tập trung vào việc hỗ trợ toàn diện cho các cặp nam nữ thanh niên có mong muốn kết hôn và sinh con được yên tâm với lựa chọn của mình. Các hỗ trợ này đòi hỏi rất nhiều góc độ: từ việc hoàn thiện hệ thống chăm sóc y tế và giáo dục, miễn giảm học phí, hỗ trợ thời gian chăm sóc trẻ, chế độ thai sản, thu nhập cá nhân, hỗ trợ cơ hội việc làm và phát triển... Khi nào người trẻ cảm thấy yên tâm, họ sẽ sẵn sàng kết hôn và sinh con.
Cảm ơn bà vì cuộc trò chuyện!
Theo Thanh niên