Tại một kho hàng có kích thước bằng một nhà chứa máy bay nằm ở phía nam Seoul (Hàn Quốc), những người giao hàng thực hiện một nghi lễ trước khi bắt tay vào việc: Họ đứng lặng một lúc để tưởng nhớ hơn một chục đồng nghiệp đã qua đời năm nay vì làm việc quá sức.

“Chúng tôi không ngạc nhiên khi một trong số chúng tôi đột tử ở đây”, Choi Ji-na (43 tuổi) cho biết.


                                                                                             Những nhân viên giao hàng nâng cao tinh thần trước khi bước vào một ngày làm việc vất vả. Ảnh: New York Times.

Cô Choi và những nhân viên giao hàng khác ở Hàn Quốc nói rằng họ cảm thấy may mắn khi vẫn giữ được việc làm trong bối cảnh thất nghiệp ngày càng tăng.

Họ cũng tự hào khi đóng vai trò thiết yếu trong việc ngăn chặn dịch Covid-19 bùng phát ở xứ kim chi bằng cách giao hàng đến tận nhà những người đang nghiêm túc chấp hành giãn cách xã hội.

Nhưng đồng thời, họ đang phải trả giá.

Hàng loạt cái chết của những người giao hàng trong năm nay đã gây chấn động Hàn Quốc, thu hút sự chú ý của dư luận về các biện pháp bảo vệ nhân công đối với đất nước có cường độ làm việc dài nhất thế giới.

Tại xứ kim chi, những gói hàng được mong chờ chuyển phát với tốc độ siêu nhanh, nhưng những người giao hàng cho biết ngày càng khó để đáp ứng nhu cầu này.

Trong số 15 giao hàng viên không may đột tử, một số người từng lên tiếng phàn nàn về khối lượng công việc khổng lồ, khiến họ phải làm quần quật từ bình minh đến nửa đêm.

Họ gọi đó là văn hóa “Gwarosa” - tức làm việc quá sức, tương tự với văn hóa “996” ở Trung Quốc hay “Karoshi” ở Nhật Bản.

Khối lượng công việc khổng lồ


Thực tế, người giao hàng chuyển phát nhanh là một trong những ngành nghề hoạt động chăm chỉ nhất xứ kim chi, nhưng lại ít được bảo vệ nhất.


                                                                                                      Nhiều giao hàng viên lo sợ không đủ sức chống đỡ nổi khối lượng công việc. Ảnh: Getty Images.


Từ năm 2015 đến 2019, chỉ có 1-4 người giao hàng bị chết mỗi năm. Năm 2020, 9 giao hàng viên đã qua đời chỉ trong nửa đầu năm, theo dữ liệu mà Cơ quan An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp Hàn Quốc gửi cho nhà lập pháp Yong Hye-in.

Năm 2018, Tổng thống Moon Jae-in cắt giảm số giờ làm quy định từ 68 xuống còn 52 tiếng/tuần để đảm bảo “quyền được nghỉ ngơi” và “cân bằng giữa công việc và đời sống riêng” của người lao động. Tuy nhiên, quy định mới này không áp dụng triệt để với những người giao hàng.

Khi đại dịch hoành hành và các gói hàng ngày một chồng chất, các giao hàng viên cho biết họ không chỉ đối mặt với thời gian làm việc dài hơn, mà còn cả nỗi sợ hãi hiện hữu rằng họ không đủ sức chống đỡ nổi khối lượng công việc.

Theo một vài ước tính, số đơn đặt hàng trực tuyến tăng mạnh trên thế giới nói chung và ở Hàn Quốc nói riêng. Tổng số hàng được chuyển phát nhanh tại xứ kim chi lên đến 3,6 tỷ kiện, tăng 30% so với năm trước.

Kể từ năm 1997, khi thương mại điện tử bùng nổ và cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt, chi phí vận chuyển ở nước này giảm đáng kể.


                                                                                                              Giao hàng "siêu tốc độ" được ưa chuộng trong thời đại ngày nay. Ảnh: Shutterstock.


Ngày nay, các trung tâm mua sắm và công ty hậu cần thậm chí hứa hẹn giao hàng với tốc độ nhanh hơn nữa, với những lựa chọn như “trong ngày”, “trước bình minh” và “thần tốc”.

Chi phí tiếp tục giảm do sức cạnh tranh lớn. Theo đó, người giao hàng chỉ nhận được 0,6-0,8 USD mỗi bưu kiện.

Tuy nhiên, họ lại bị phạt khi không đáp ứng kịp thời gian giao hàng yêu cầu của các nhà bán lẻ mua sắm online đặt ra.

Trả giá bằng mạng sống


Kim Dong-hee, một người chuyển phát nhanh ở thủ đô Seoul, trở về nhà lúc 2h sáng 7/10. Cuối ngày hôm đó, anh quay lại nhà kho để lấy tiếp 420 gói hàng.

4h28 sáng 8/10, Kim nhắn tin cho đồng nghiệp nói rằng mình sẽ về nhà trước 5h, nhưng chắc không đủ thời gian ăn uống, tắm rửa trước khi quay trở lại làm việc do còn nhiều hàng chưa kịp giao.

“Tôi mệt quá rồi”, anh nhắn.

Nhưng 4 ngày hôm sau, Kim không xuất hiện ở chỗ làm. Khi những đồng nghiệp đến nhà tìm gặp anh ấy, họ phát hiện rằng Kim đã qua đời. Cảnh sát cho biết nguyên nhân tử vong là do suy tim. Anh ấy mới chỉ 36 tuổi.

Vào cùng ngày anh Kim qua đời, Kim Won-jong, một người giao hàng khác ở Seoul, đã ngã quỵ trên đường đi làm, kêu đau ngực và khó thở trước khi chết.


                                                                                           Mọi mặt hàng đều có thể được giao tận nhà ở Hàn Quốc thông qua các sàn thương mại điện tử. Ảnh: WEMAKEPRICE.


Về phần mình, cô Choi lựa chọn nghề giao hàng sau khi ly dị và trở thành mẹ đơn thân nuôi dạy 2 đứa trẻ. Cô từng vận chuyển những bưu kiện nặng tới 25 kg lên xuống cầu thang bộ.

Đôi khi, Choi phải trèo tường để giao hàng vì chủ nhà ra ngoài, cửa lại khóa nhưng họ vẫn muốn nhận bưu phẩm. Cô và nhiều đồng nghiệp khác thường bị thương ở mắt cá chân hoặc bị hàng xóm, cảnh sát nhầm lẫn với kẻ trộm, gây ra hiểu lầm không đáng có.

Choi cho biết cô thích công việc này bởi cô có thể về nhà kịp lúc các con đi học về. Thế nhưng, Covid-19 đã làm thay đổi mọi thứ. Trung bình mỗi ngày, cô giao tới 370 bưu kiện, nhiều hơn 30% so với trước đại dịch. Một ngày của cô bắt đầu từ 6h30 và hiếm khi kết thúc trước 22h.

“Kể từ khi Covid-19 xuất hiện, lượng hàng hóa cần giao ngày càng nhiều. Việc về nhà sớm để ăn tối cùng các con trở thành một giấc mơ xa vời đối với tôi”, Choi cho biết.

Hình ảnh người giao hàng mệt mỏi len lỏi qua các khu chung cư trong đêm khuya khoắt vốn trở nên quen thuộc ở xứ kim chi.

Họ giao đủ thứ, từ trái cây, nước đóng chai đến đồ trang trí Giáng sinh. Một số cư dân lo sợ bị nhiễm Covid-19 nên từ chối dùng chung thang máy với giao hàng viên, buộc họ phải vận chuyển bưu kiện bằng cầu thang bộ.

Không được bảo vệ


Covid-19 đã mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các công ty vận chuyển và hậu cần như CJ Logistics, Hanjin Shipping hay Lotte.


                                                                                                        Nhân viên giao hàng thuộc Lotte Global Logistics tổ chức đình công đòi quyền lợi. Ảnh: EPA.


Thế nhưng, ước tính khoảng 54.000 “taekbae gisa” - tức người giao hàng tận nhà - không được hưởng lợi từ luật lao động bảo vệ nhân công toàn thời gian do họ bị phân loại là “lao động tự do”.

Theo đó, các phúc lợi như lương làm thêm giờ, kỳ nghỉ được trả lương hay bảo hiểm chống chấn thương trong công việc hầu như không có.

Theo một cuộc khảo sát hồi tháng 9 của Trung tâm Sức khỏe và An toàn của Người lao động, giao hàng viên làm việc trung bình 12 giờ/ngày, 6 ngày/tuần. Theo dữ liệu của chính phủ gửi cho các nhà lập pháp, thương tích liên quan đến công việc đối với những người giao hàng đã tăng 43% trong nửa đầu năm 2020.

Tương tự những cuộc đình công của nhân viên các hãng vận tải ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc, người giao hàng ở Hàn Quốc cũng tổ chức các cuộc biểu tình với hy vọng được rút ngắn thời gian làm việc và nghỉ ngơi.

“Chúng tôi phải đứng lên tự đấu tranh vì không có ai lên tiếng”, Park Ki-ryeon (36 tuổi), một nhân viên chuyển phát nhanh từ năm 2016, cho biết.

Anh nói thêm: “Chúng tôi cũng muốn được ngồi nhà ấm áp nhưng những vị khách chúng tôi phục vụ. Nhưng nhiều người chúng tôi không có học thức cao, khi bắt đầu công việc này đều mang trên vai những khoản nợ cần phải trả. Chúng tôi không có giải pháp thay thế nếu bỏ việc”.

Một số công ty hậu cần đã gửi lời xin lỗi về số ca tử vong gần đây và hứa sẽ cung cấp quyền lợi như kiểm tra y tế, đồng thời bổ sung thêm nhân công để giảm thời gian làm việc của người giao hàng.


                                                                      Nhiều lúc, nhân viên giao hàng phải vác nặng leo thang bộ nhiều tầng do không được sử dụng thang máy. Ảnh: New York Times.


Chính phủ Hàn Quốc cũng cam kết sẽ quy định mỗi tuần chỉ có 5 ngày làm việc và cấm giao hàng vào ban đêm.

Người dân nước này cũng bắt đầu bày tỏ sự cảm thông với những người giao hàng. Họ để lại đồ uống và thức ăn nhẹ ở cửa với dòng nhắn “Bạn giao hàng muộn cũng không sao đâu”.

“Một số người lạ mặt đi ngang qua tôi trên phố, họ nói với tôi rằng ‘Xin đừng chết, chúng tôi cần các bạn’”, Park Ki-ryeon kể lại. Nhưng theo anh, những cải cách mà chính phủ và các công ty hậu cần hứa hẹn thay đổi quá chậm chạp.

Khi bà của anh qua đời vào tháng trước, Park cho biết anh phải thuê một người chuyển phát nhanh thay thế chỉ để có nửa ngày chịu tang bà.

“Chúng tôi thực sự muốn thay đổi. Chúng tôi không phải những cỗ máy chỉ biết làm việc”, anh nói.

Theo Zing