30 năm trước, nhà xã hội học Junko Kitanaka của Đại học Keio lần đầu tiên nghiên cứu văn hóa làm việc đến chết ở Nhật Bản.

Khi đó, trong mắt các nước phương Tây, chuyện nhân viên văn phòng qua đời vì làm việc quá tải, suy nhược cơ thể hay tự tử do áp lực quá nặng nề được coi là điều lạ lẫm, chỉ xảy ra ở Nhật, theo Wired.

                                            Nhật Bản có môi trường làm việc áp lực nhất nhì thế giới. Ảnh: Reuters.


Khi Kitanaka trình bày vấn đề này với giới học thuật ở châu Âu và Bắc Mỹ, người nghe bày tỏ quan điểm họ không hiểu tại sao lại có những người chết vì công việc.

Vài thập kỷ sau, đây không còn là hiện tượng gói gọn trong biên giới của nước Nhật nữa. Đại dịch còn gây ra mối quan ngại rộng rãi về việc số giờ làm tăng lên, kéo theo bất ổn về thể chất và tâm lý, cụ thể là căng thẳng kéo dài, thiếu ngủ và cô lập xã hội.

Vấn nạn thâm căn cố đế ở Nhật


Hồi tháng trước, một nghiên cứu mang tính bước ngoặt do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) chỉ ra 745.000 người chết do đột quỵ và bệnh tim, là hệ quả của việc làm việc trên 55 giờ một tuần, trong năm 2016. Con số này cao hơn 30% so với năm 2000.

Lần đầu tiên trên quy mô toàn cầu, làm việc quá sức được coi là nguyên nhân gây ra khoảng 1/3 số ca tử vong. Frank Pega, trưởng bộ phận kỹ thuật của WHO về nghiên cứu, nói rằng nguyên nhân này đã bị phớt lờ suốt 20 năm.

Ở Nhật Bản, những cái chết do làm việc quá sức xảy ra nhiều đến mức chúng được gọi dưới một cái tên riêng là karoshi.

Hàng năm, chính phủ Nhật chấp nhận khoảng 200 yêu cầu bồi thường cho những người chết vì karoshi. Song, các nhà vận động cố gắng xóa bỏ vấn nạn này cho biết 200 vẫn quá nhỏ so với con số thực là 10.000 nạn nhân.

Một đường dây nóng do Hội đồng bảo vệ nạn nhân karoshi điều hành để tiếp nhận các trường hợp căng thẳng, bệnh tật hoặc tàn tật do công việc gây ra nhận được 100-300 cuộc gọi mỗi năm.

Dịch Covid-19 chỉ ra thực trạng doanh nghiệp và người lao động Nhật Bản vẫn chưa sẵn sàng thay đổi văn hoá dành hàng chục tiếng mỗi ngày nơi công sở và “làm việc đến chết”.


Năm 2018, cựu Thủ tướng Shinzo Abe tuyên chiến với karoshi và đưa ra dự luật “cải cách giờ làm việc”.

Lần đầu tiên, giới hạn làm thêm giờ được đưa ra nhưng vẫn gây nguy hiểm, ở mức 80 giờ/tháng.

"Chính phủ Nhật công nhận làm thêm 80 giờ/tháng gây nguy hại cho sức khỏe. Nhưng việc này khiến những người làm ít hơn số giờ đó cảm thấy họ vẫn an toàn, hoặc những ai làm thêm 100 giờ/tháng nghĩ rằng họ có thể giảm xuống đến mức chính phủ nói", Makoto Iwahashi, thuộc tổ chức quyền lao động POSSE, cho biết.

Hiện tại, không có hình phạt nào đối với các công ty vi phạm làm thêm giờ và chỉ có khoảng 3.300 thanh tra lao động để theo dõi 6 triệu công ty ở Nhật Bản. Các công ty không bị yêu cầu ghi lại giờ làm việc của nhân viên vì họ không bao giờ bị buộc phải chia sẻ chúng.

Scott North, giáo sư xã hội học tại Đại học Osaka, người đã nghiên cứu về karoshi trong 30 năm qua, cho biết số giờ làm việc thực tế không được lưu giữ chính xác.

"Bước đầu tiên, đối với bất kỳ nhân viên nào, họ nên bắt đầu tự ghi lại giờ làm việc của mình. Mỗi cá nhân phải nhận thức được rằng mình có thể chết nếu sống chết làm việc. Vì vậy, họ cần phải tự bảo vệ mình", Iwahashi nói.

Trong khi châu Âu đã áp đặt các biện pháp cho người lao động nghỉ ngơi và bảo vệ sức khỏe qua việc yêu cầu ít nhất 20 ngày nghỉ có lương mỗi năm, Mỹ vẫn tự hào là "quốc gia duy nhất không có kỳ nghỉ".


Lan sang các nước phương Tây


Dưới tác động của đại dịch, các nhà nghiên cứu lo ngại rằng sự gia tăng của làm việc từ xa và các xu hướng làm việc khác trong tương lai có thể tiếp tục tăng giờ làm việc của mọi người.

Tại Mỹ, nhiều nhân viên tự hào vì đã dành thời gian cho công việc hơn mức WHO cảnh báo nguy hiểm.

Trong khi châu Âu đã áp đặt các biện pháp cho người lao động nghỉ ngơi và bảo vệ sức khỏe qua việc yêu cầu ít nhất 20 ngày nghỉ có lương mỗi năm, Mỹ vẫn tự hào là "quốc gia duy nhất không có kỳ nghỉ".

Ngay cả những người Mỹ được hưởng chế độ trên cũng hạn chế nghỉ. Một nghiên cứu cho thấy hơn một nửa không sử dụng tất cả thời gian được nghỉ phép của họ.

Derek Thompson, cây viết của tờ The Atlantic, mô tả sự cuồng công việc này như một tôn giáo mới, trong đó “quan niệm của người Mỹ về công việc đã chuyển từ nghề sang sự nghiệp và giờ là sứ mệnh. Việc làm trước đây mang tính thiết yếu, dần chuyển sang địa vị xã hội và vươn lên tầm ý nghĩa cuộc đời".

Tại Anh, các hợp đồng zero-hour, trong đó các doanh nghiệp, công ty không cần đưa ra mức giờ làm việc cụ thể vẫn được áp dụng.

                                      Nhiều người Mỹ làm việc với niềm tin rằng công việc là sứ mệnh cuộc đời. Ảnh: Getty.


Một nghiên cứu vào năm ngoái trên 3,1 triệu nhân viên ở Bắc Mỹ, Châu Âu và Trung Đông cho thấy ngày làm việc trung bình đã kéo dài thêm 48 phút.

Nghiên cứu của WHO và ILO đã cho thấy bằng chứng việc làm quá 55 giờ/ tuần gây “nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng”, song mối liên hệ tương tự với những người làm việc trong khoảng 40-54 giờ vẫn chưa được chỉ ra rõ ràng.

Trong số các khuyến nghị đưa ra, WHO nhấn mạnh rằng chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động sẽ phải cùng nhau hành động để chống lại thiệt hại về nhân mạng trước tình trạng làm việc quá tải.

Theo David Hudgins, chủ nhiệm khoa kinh tế tại Đại học Texas A & M, thời gian làm việc hiệu quả chỉ có thể phát triển khi người lao động và người sử dụng lao động hợp tác, giao tiếp với nhau tốt hơn.

Điều này đòi hỏi các cuộc trò chuyện thường xuyên về giờ làm việc, khối lượng công việc và nguyện vọng, sau đó thông báo cho toàn công ty để loại bỏ tình trạng làm thêm giờ.

“Theo ý nghĩa nào đó, karoshi rất dễ để sửa chữa. Điều này là hoàn toàn có thể tránh được khi công ty xem những người lao động đó là tài sản mà họ muốn bảo vệ. Nó buộc công ty phải nhìn mong muốn của nhân viên với sự đồng cảm", Hudgins nói.

Theo Zing