Theo Bejingnews ngày 3/5, video hàng chục người đổ sữa xuống cống gây xôn xao dư luận. Fan của chương trình tìm kiếm tài năng Thanh xuân có bạn mua sữa của thương hiệu tài trợ, mở nắp để quét mã QR nhằm tăng điểm cho thí sinh mình yêu thích, giúp họ được ra mắt trong nhóm nhạc mới. Càng mở nắp nhiều hộp sữa, thí sinh càng nhiều khả năng được chọn. Do uống không hết, sữa mở nắp khó đem tặng người khác, một bộ phận khán giả thuê người tiêu hủy sản phẩm.

Ngày 4/5, Cục Phát thanh, Truyền hình Bắc Kinh yêu cầu Iqiyi - đơn vị sản xuất Thanh xuân có bạn 3 - ngừng thực hiện chương trình. Iqiyi cho biết nghiêm túc chấp hành yêu cầu của cơ quan chức năng đồng thời sửa chữa, cải thiện cách thức thực hiện show.

Truyền thông chỉ trích cách làm của nhà tài trợ chương trình cũng như hành vi lãng phí, mù quáng tôn thờ thần tượng. Không ít người kêu gọi cơ quan chức năng điều tra sự việc vì dấu hiệu phạm luật Chống lãng phí thực phẩm, thông qua ngày 29/4.

Những năm gần đây, nhiều câu chuyện cuồng thần tượng gây xôn xao ở Trung Quốc. Ngày 4/5, vụ fan nữ họ Vương ở tỉnh Giang Tô bị lừa 8.000 nhân dân tệ (28,4 triệu đồng) vào top tìm kiếm, bình luận nhiều trên Weibo. Cô Vương phát hiện một tài khoản đăng bài tiêu cực về thần tượng của mình, bèn nhắn tin cho người này xin xóa bài. Cô được yêu cầu trả 8.000 nhân dân tệ để xóa bài viết. Nhưng sau khi thực hiện yêu cầu, blogger không xóa bài. Cảnh sát Giang Tô cảnh báo fan tỉnh táo trước các chiêu lợi dụng tình yêu thần tượng để lừa đảo.

Hồi tháng 4, hội fan của Dư Cảnh Thiên - thí sinh show Thanh xuân có bạn 3 - kêu gọi quyên góp được hơn 65.000 nhân dân tệ (231 triệu đồng) để hỗ trợ thần tượng được ra mắt. Người quản lý fanpage cho biết hội không đạt mục tiêu góp đủ 110.000 (391 triệu đồng), vì vậy phạt các thành viên nộp thêm tiền hoặc đăng bài khen ngợi Dư Cảnh Thiên. Sau khi bị dư luận chỉ trích, quản lý của fanpage cho biết thành viên hội tự nguyện chịu phạt, không ai bị ép buộc.

Theo Guangzhoudaily, tình trạng các nhóm fan công kích lẫn nhau, bạo lực Internet vì thần tượng, fan chi tiền tặng quà đắt đỏ cho nghệ sĩ... là vấn nạn xã hội. Tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc hồi tháng 3, một số đại biểu nêu vấn đề này. Vỹ Chấn Linh, phó Viện kiểm sát thành phố Liễu Châu, nói những năm qua bà quan tâm việc phòng tránh phạm tội tuổi vị thành niên. Phạm tội ở thanh thiếu niên do cuồng thần tượng xu hướng tăng, biểu hiện ở các hành vi như phỉ báng người khác, thuê người quay lén thần tượng, xâm phạm đời tư... Bà cho rằng các hội nhóm fan quyên tiền ngày càng lớn, có tầm ảnh hưởng nhất định trong xã hội nhưng hiện chưa có cơ chế quản lý. Vỹ Chấn Linh đề nghị hội nhóm fan đăng ký hoạt động tại cơ quan hành chính để quy phạm trách nghiệm, nghĩa vụ và quyền lợi.

                                                                                             Khán giả chen chúc, giẫm đạp để xem thần tượng tại Trung Quốc. Ảnh: 163.

 

Đại biểu Tống Văn Tân cho rằng hội nhóm fan giúp kết nối khán giả, tạo môi trường giao lưu, kết bạn, học hỏi, thành viên các hội từ vài nghìn tới hàng triệu người. Tuy nhiên, ngày nay trẻ tiếp xúc Internet sớm, nếu hội nhóm fan hoạt động không lành mạnh, các thành viên cũng bị ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần, học tập.

Theo vnexpress