Trung Quốc hiện chiếm gần 50% trong tổng số 33 triệu mũi tiêm vaccine cho người dân trên toàn thế giới mỗi ngày. Hiện nay, 80% người lớn ở Bắc Kinh đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine, theo Wall Street Journal.

Tại Hàn Quốc, tốc độ tiêm chủng đã tăng gần 10 lần trong tháng qua, hiện đạt 700.000 liều mỗi ngày. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm chủng mới mỗi ngày ở Nhật Bản và Australia đã vượt Mỹ và Israel.

Khoảng 20% người dân ở châu Á đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine, tăng gấp đôi so với đầu tháng 5. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với châu Âu (37%) và Bắc Mỹ (40%).

Lúc này, tốc độ tiêm chủng tại phương Tây đã chậm lại, bởi nhu cầu ngày càng giảm. Những người hiện chưa tiêm chủng phần lớn thuộc nhóm hoài nghi vaccine.

Hiện nay, gần 75% số liều vaccine Covid-19 được tiêm mỗi ngày trên thế giới thuộc về các nước châu Á, tăng đáng kể so với vài tuần trước.

Tốc độ tiêm chủng tăng nhanh ở châu Á, sau giai đoạn đầu đình trệ, đã làm thay đổi một số dự đoán ở quy mô toàn cầu. Tới cuối tháng 6, Goldman Sachs ước tính khoảng 25% dân số thế giới sẽ được tiêm ít nhất 1 liều vaccine, so với dự đoán trước đó là 17%.

Đến tháng 11, khoảng 50% dân số toàn cầu sẽ được tiêm chủng, báo cáo của Goldman Sachs nhận định.

                                            Tốc độ tiêm chủng Covid-19 mỗi ngày ở châu Á - Thái Bình Dương hiện đã nhanh hơn phương Tây. Ảnh: Reuters.


Tín hiệu lạc quan

Tốc độ tiêm chủng tăng nhanh tại châu Á xuất phát từ một số nguyên nhân, mà trên hết là nguồn cung được mở rộng.

Các công ty dược phẩm hiện đã có thể cung cấp thêm vaccine ra thị trường, sau khi họ hoàn tất xây dựng các cơ sở sản xuất mới hoặc ký hợp đồng sản xuất với các doanh nghiệp ở địa phương.

Một số quốc gia cũng áp dụng chương trình khuyến khích người dân tiêm vaccine để nhận rút thăm may mắn. Cơ hội được di chuyển quốc tế sau khi tiêm vaccine cũng là động lực tiêm chủng của không ít người.

Vài tháng trước, kế hoạch tiêm chủng của một số nước châu Á bị trì hoãn do chậm phê chuẩn các loại vaccine. Ví dụ tại Nhật Bản, sau thời gian đầu chỉ cấp phép vaccine của Pfizer-BioNTech, Tokyo mới đây đã phê chuẩn sử dụng vaccine của Moderna và AstraZeneca.

Trong khi đó, ngoài 3 sản phẩm nói trên, Hàn Quốc cũng đã cấp phép sử dụng đối với vaccine của Johnson & Johnson.

                                                                                 Một điểm tiêm chủng ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Bloomberg.


Ở Trung Quốc, ngoài các vaccine sản xuất trong nước như Sinovac và Sinopharm, chính phủ nước này hiện cũng sử dụng kết hợp các loại vaccine của phương Tây.

Đầu năm nay, Trung Quốc chỉ tiêm được 1 triệu liều vaccine mỗi ngày cho người dân, một phần bởi năng lực sản xuất hạn chế. Khi đó, các biện pháp chống dịch hiệu quả, cùng số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng thấp, khiến nhiều người không quá quan tâm tới vaccine.

Nhưng các ổ dịch liên tiếp bùng phát ở miền Nam Trung Quốc thời gian qua đã được nhà chức trách sử dụng để kêu gọi người dân tiêm chủng.

Chiến lược của Trung Quốc là tập trung cho các thành phố lớn, sau đó chuyển dần về nông thôn. Quan chức địa phương đi tới từng nhà để hỗ trợ người dân đăng ký tiêm chủng. Các siêu thị tặng đồ miễn phí cho người đã tiêm vaccine.

Trong khi đó, Hàn Quốc đã mở rộng nhóm được phép tiêm chủng. Tỷ lệ tiêm chủng ở nước này đã tăng từ 6% lên 29% chỉ trong vòng 6 tuần.

"Tháng trước, cha mẹ tôi còn trong danh sách đợi tiêm vaccine. Nhưng lúc này, các đồng nghiệp của tôi, giáo viên của con tôi cũng đã được tiêm", Jane Lee, nhân viên văn phòng tại Seoul, cho biết.

Kế hoạch tiêm chủng 25% dân số trong tháng 6 của Hàn Quốc đã hoàn thành. Mục tiêu tiếp theo của chính quyền Seoul là tiêm chủng cho 70% dân số tới hết tháng 9.

Hàn Quốc cũng ứng dụng triệt để công nghệ thông tin và dịch vụ đăng ký trực tuyến để tối ưu hóa việc sử dụng vaccine, tránh tình trạng vaccine hết hạn. Tới nay, 98% số vaccine đăng ký sử dụng đã được tiêm.

Theo kế hoạch dự kiến áp dụng từ tháng 7, Hàn Quốc sẽ dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang và cách ly 2 tuần sau khi nhập cảnh đối với những người tiêm đủ liều vaccine.

Mở cửa sớm hơn dự tính


Dù đã sớm đặt mua thành công 364 triệu liều vaccine, gần gấp 3 so với dân số, Nhật Bản lại là nước tiêm chủng chậm nhất trong nhóm G7. Nguyên nhân là chính phủ nước này yêu cầu kiểm tra lâm sàng bổ sung về tác động của vaccine với người Nhật, dẫn đến các loại vaccine bị chậm phê duyệt.

Một trong những khó khăn khác mà Nhật Bản phải đối mặt là thiếu nhân viên y tế. Để giải quyết, Nhật Bản đã huy động y tá, bác sĩ, bác sĩ nha khoa nghỉ hưu giúp hỗ trợ tiêm chủng.

Lúc này, các địa điểm tiêm chủng quy mô lớn đã được thành lập ở nhiều khu công sở và trường đại học. Tỷ lệ tiêm chủng ở Nhật Bản đã tăng từ 2% lên 16% trong vài tuần qua.

Tại Australia, các đối tượng được phép tiêm chủng đang được mở rộng. Nhà chức trách sử dụng quân đội hỗ trợ quá trình tiêm chủng ở nước này. Trong 2 tháng qua, số người được tiêm vaccine đã tăng gấp đôi, hiện đạt 21% dân số.

Để khuyến khích tiêm chủng, hãng hàng không Qantas Airways đã tung chương trình giảm giá vé máy bay và tặng quà cho những người đăng ký tiêm vaccine.

                                                                               Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: Reuters.


Singapore là một trong những quốc gia châu Á đầu tiên khởi động tiêm chủng. Lúc này, hơn 40% dân số Singapore đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine.

Trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng đang tăng nhanh ở châu Á - Thái Bình Dương, ngành du lịch được kỳ vọng sẽ sớm hồi sinh mạnh mẽ.

Dù biên giới ít có khả năng sẽ được mở lại hoàn toàn trong năm nay, các biện pháp hạn chế di chuyển ở một số khu vực tại châu Á có thể sẽ được nới lỏng sớm hơn dự kiến, giúp khắc phục phần nào thiệt hại kinh tế nặng nề mà khu vực phải đối mặt.

Satoru Kobayashi, công dân 63 tuổi người Nhật, cho biết du lịch là niềm đam mê của ông. Nhưng kể từ khi đại dịch bùng phát, ông đã không thể rời khỏi Tokyo. Tiêm chủng là cơ hội cho phép ông một lần nữa được du lịch.

"Tôi không thích lãng phí tiền bạc, nhưng tôi sẵn sàng chi tiền để đi du lịch", ông Kobayashi cho biết.

Thách thức vẫn ở phía trước


"Nguồn cung vaccine của thế giới sẽ dồi dào hơn, đồng nghĩa sẽ có thêm nhiều người được tiêm chủng. Nhưng cho tới khi phần lớn dân số thế giới đã được bảo vệ khỏi Covid-19, virus sẽ tiếp tục đột biến thành những dạng khác, vì thế chúng ta vẫn cần các biện pháp quản lý", ông Teo Yik Ying, Giám đốc Trường Y tế Cộng đồng Saw Swee Hock, Đại học quốc gia Singapore, cho biết.

Các chuyên gia cảnh báo con đường phía trước vẫn còn nhiều thách thức. Tiêm chủng ở nhiều nước châu Á hiện mới ở giai đoạn đầu. Những người đã được tiêm chủng là các đối tượng sẵn sàng tiếp nhận vaccine, trong khi vẫn còn nhiều người hoài nghi việc tiêm chủng.

                                                                                 Một phụ nữ tiêm vaccine ở tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ảnh: AFP.


Các quốc gia đang phát triển ở Nam Á, Đông Nam hiện vẫn tiếp tục vật lộn trước thách thức tìm kiếm nguồn cung ứng vaccine.

Những tuần qua, Trung Quốc đại lục, Đài Loan, Malaysia đối mặt hàng loạt ổ bùng phát dịch bệnh mới. Trong khi đó, số ca mắc Covid-19 mới ở Thái Lan đang tăng nhanh nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Đe dọa từ các biến thể mới vẫn hiện hữu ở một số quốc gia trong khu vực. Các nghiên cứu ban đầu cho thấy biến chủng virus Delta làm giảm hiệu quả vaccine trong bảo vệ con người khỏi nguy cơ nhiễm virus.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết tiêm đủ liều vaccine vẫn mang tới khả năng bảo vệ mạnh chống lại nguy cơ bệnh nặng hoặc tử vong

Theo Zing