Massage là một dịch vụ thịnh hành trên toàn thế giới, với mục đích thư giãn, trị liệu hay trong một số trường hợp là được chỉ định cho y tế. Trong khi yêu cầu đối với các nhân viên massage về chuyên môn, kỹ thuật,... khá tương tự nhau ở các nước trên thế giới, nhân viên massage tại Hàn Quốc lại phải đáp ứng một yêu cầu đặc biệt.
Cụ thể, tại quốc gia Đông Á này, một kỹ thuật viên massage chỉ có thể được cấp chứng chỉ hành nghề nếu là người khiếm thị. Luật pháp Hàn Quốc nghiêm cấm bất cứ ai không có khuyết tật thị giác được làm nghề này và mức phạt cho vi phạm có thể lên đến 30 triệu won (525 triệu đồng).
Điều này được quy định rõ trong khoản 82, Đạo luật Y tế Hàn Quốc. Mặc cho những cuộc biểu tình và phản đối từ những người sáng mắt muốn hành nghề, chính phủ Hàn Quốc vẫn chưa từng thay đổi điều luật này.
Theo một bài báo trên Koreaexpose, chỉ cần thực hiện một truy vấn đơn giản trên ứng dụng bản đồ Naver Map tại Seoul, bạn có thể thấy gợi ý của hàng tá cơ sở massage lân cận. Theo nhiều dữ liệu, số cơ sở massage như vậy có thể lên đến 100.000 trên toàn quốc, nhưng đa số là phi pháp - tất nhiên là dù chỉ cung cấp những dịch vụ như massage chân, massage kiểu Thái hay massage thể thao.
Lý do nhân văn đằng sau
Mặc dù bị nhiều người sáng mắt cho là phân biệt đối xử, điều luật này tại Hàn có nguồn gốc lịch sử sâu xa.
Ghi chép chỉ ra rằng ngay từ thế kỷ 15, những người khiếm thị đã kiếm sống bằng nghề thầy bói hoặc người tụng kinh Đạo giáo. Seo Geo-jeong (徐 居正), một vị quan nổi tiếng trong triều đình Vua Seongjong, đã ghi lại:
"Trong các hộ gia đình quyền quý, người ta luôn thuê 5, 6, 7 người khiếm thị để đọc kinh, cầu tài lộc vào tháng giêng hàng năm để đề phòng tai họa trong quá trình xây dựng, sửa chữa nhà cửa".
Một bài báo chi tiết của Im An-su, giáo sư danh dự tại Đại học Daegu, giải thích điều gì đã xảy ra sau chính biến trên bán đảo Triều Tiên vào năm 1910. Chính quyền mới đã phát động một chiến dịch sâu rộng để xóa bỏ các hủ tục "mê tín dị đoan" bao gồm cả việc sử dụng nơi công cộng nhằm tụng kinh và ban phước.
Người ta cho rằng việc huấn luyện những người khiếm thị thực hiện châm cứu, đốt ngải (đốt những cục nhỏ của ngải cứu, một loại thảo mộc hoang dã, lên những huyệt cụ thể) và massage sẽ khiến họ từ bỏ nghề cũ.
Mặc dù chính quyền cũ coi những thực hành này là y tế - có nghĩa là chỉ những y sĩ được cấp phép mới được thực hiện chúng - những học viên khiếm thị tốt nghiệp chương trình đào tạo đã được ưu tiên cấp phép thành y sĩ để kiếm sống từ nghề và có cần câu cơm.
Khi bán đảo Triều Tiên giành lại độc lập sau Thế chiến II, quân đội Hoa Kỳ đã chuyển đến và tiếp quản nửa phía nam của vùng đất này trong 3 năm. Dưới thời kỳ này, vào tháng 4 năm 1946, Bộ Y tế Hàn Quốc đã thu hồi giấy phép cấp cho các y sĩ khiếm thị. Họ cho rằng y tế phương Tây vượt trội hơn và việc đào tạo y tế trước đó không đủ thuyết phục để người khiếm thị tiếp tục hành nghề.
Như dự đoán, hầu hết những người khiếm thị lúc đó đã mất việc làm, phải quay trở lại nghề cũ là bói toán và tụng kinh. Nhận thức được sự việc này, Bộ Xã hội đã ban hành lệnh cấm chính thức đối với những trò mê tín dị đoan 2 năm sau đó vào năm 1948, đưa "người mù đọc kinh" vào danh sách những người sẽ bị trừng phạt vì làm "bác sĩ không có giấy phép".
uy nhiên, một số người mù ở Hàn Quốc vẫn tiếp tục cuộc chiến giành lại quyền cũ, và bộ luật y tế nhà nước đã được sửa đổi vào năm 1963 để chỉ cấp cho những người khiếm thị quyền kiếm sống độc quyền từ massage (mặc dù không phải là châm cứu và xoa bóp vì những điều đó đã được chỉ định đến lĩnh vực của các bác sĩ truyền thống - haneuisa 한의사 - vào những năm 1950).
Bộ luật đó đã kéo dài gần 60 năm, và bất chấp các cuộc biểu tình cũng như phản đối diễn ra vài năm một lần, nó vẫn được giữ vững. Tòa hiến pháp Hàn Quốc tin rằng điều luật này chẳng có vấn đề gì vì nó đảm bảo nguồn sống và thu nhập một cách tử tế cho những người khiếm khuyết. Dù sao, những người sáng mắt vẫn có cơ hội kiếm việc làm khác cao hơn.
Dù luật pháp và công chúng Hàn Quốc có nhìn nhận thế nào về điều luật này, một điều không thể phủ nhận là nó có nguyên cớ lịch sử và lý do rất nhân văn để bảo đảm những người khiếm khuyết có cơ hội cống hiến cho xã hội một cách công bằng, tử tế.