Tại sao lại ăn chè đậu đỏ trong ngày Thất Tịch?

Lễ Thất tịch có nguồn gốc từ Trung Quốc, xuất phát từ chuyện tình Ngưu Lang và Chức Nữ.

Tương truyền, Ngưu Lang là một chàng trai chăn trâu tuy nghèo nhưng rất chăm chỉ. Nhờ tính cách thiện lương, Ngưu Lang có được tình cảm của nàng tiên dệt vải Chức Nữ, con gái út của Vương Mẫu Nương Nương, chuyên dệt các đám mây ngũ sắc trên bầu trời.

Hai người đã kết duyên vợ chồng, trải qua những năm tháng hạnh phúc bên nhau và có được 2 người con, một trai một gái.

Một ngày kia, Chức Nữ phải trở về thiên đình theo lệnh của Ngọc Đế. Ngưu Lang đau khổ đuổi theo nhưng bị chặn lại bởi con sông Thiên Hà, ranh giới giữa hai cõi phàm tiên. Thế rồi, Ngưu Lang nhất định ở đó chờ đợi, mãi không chịu rời đi.

Từ đó, bên cạnh sông Thiên Hà có thêm một vì sao, mọi người gọi đó là sao Ngưu Lang. Cảm thương tấm chân tình của Ngưu Lang, Vương Mẫu đồng ý cho họ mỗi năm vào ngày Thất tịch (tức mùng 7/7 âm lịch) được gặp nhau một lần.

Empty

Ngày Thất tịch, Ngưu Lang và Chức Nữ gặp lại nhau sau 1 năm xa cách (Ảnh minh họa)

Do đó, trào lưu ăn chè đậu đỏ vào ngày Thất tịch 7/7 âm lịch hàng năm được phổ biến trong giới trẻ hiện nay với quan niệm ăn đậu đỏ sẽ gặp nhiều thuận lợi, may mắn trong tình duyên. Còn đối với các cặp đôi thì ăn chè đậu đỏ vào ngày này sẽ được bên nhau lâu dài và tình cảm cũng sẽ bền chặt hơn.

Lý do rộ lên trào lưu ăn chè đậu đỏ là vào ngày này là vì theo quan niệm của nhiều nước, đậu đỏ là vật mang lại nhiều may mắn, màu đỏ tượng trưng cho sự tốt lành, vui vẻ và hạnh phúc. Vì thế, ăn đậu đỏ trong ngày Thất tịch được coi là cách cầu nhân duyên hoặc giúp cho tình cảm lứa đôi được vững bền, không bị chia cắt.

Ngoài chè đậu đỏ, trong ngày lễ Thất tịch, mọi người cũng thường ăn những món ăn được làm từ đậu đỏ như xôi đậu đỏ, cháo đậu đỏ, kem cá đậu đỏ, bánh bao nhân đậu đỏ,…

Trong giới trẻ ngày nay, nhiều bạn không tin câu chuyện "đậu đỏ giúp thoát ế" nhưng vẫn hứng khởi hưởng ứng trào lưu này như một cách tô điểm cho cuộc sống thêm màu sắc. Vì thế, cứ gần đến ngày 7/7 âm lịch là những thanh niên còn độc thân lại bắt đầu rủ nhau ăn chè đậu đỏ để sớm tìm được nửa kia của mình.

Đậu đỏ bổ dưỡng nhưng cần lưu ý tác dụng phụ khi ăn

Tiến sĩ, Lương Y Phùng Tuấn Giang, Viện Nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam cho biết, đậu đỏ rất bổ dưỡng với các thành phần dinh dưỡng như carbohydrate, protein, lipid, folate, mangan, phospho, kali, đồng, magie, kẽm, sắt, thiamine, vitamin B6, riboflavin, niacin, canxi…

Nghiên cứu cho thấy đậu đỏ có tác dụng làm chậm quá trình lão hóa, cải thiện sức khỏe tim mạch, ngăn ngừa ung thư, giảm cholesterol, giảm vòng eo và tăng cường năng lượng.

Các loại đậu thường là thực phẩm chính trong chế độ ăn của nhiều người ăn chay, và các nghiên cứu cho thấy các loại đậu, trong đó có đậu đỏ, có thể là lý do chính khiến cách ăn này mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Empty

Đậu đỏ có nhiều chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể (Ảnh minh họa)

Với hàm lượng protein và chất xơ cao, đậu đỏ rất tốt để giúp kiểm soát lượng đường huyết. Nghiên cứu trên động vật thậm chí còn chỉ ra rằng protein có trong đậu đỏ thậm chí có thể ức chế các α-glucosidase trong ruột, là những enzym liên quan đến việc phá vỡ các carbohydrate phức tạp như tinh bột và glycogen. Nói cách khác, đậu đỏ hoạt động giống như chất ức chế alpha-glucosidase được dùng để kiểm soát bệnh tiểu đường.

Điều này làm cho đậu đỏ trở thành một lựa chọn cho kế hoạch ăn kiêng của bệnh nhân tiểu đường, giúp điều trị, quản lý hoặc ngăn ngừa bệnh này. Người bị tiểu đường có thể ăn chè đậu đỏ với điều kiện cho đường ăn kiêng hoặc đường stevia.

Tuy nhiên, theo Lương Y Phùng Tuấn Giang tác dụng phụ phổ biến nhất của việc ăn đậu là đầy hơi.

“Nếu chúng ta ngâm đậu khô thì không được dùng nước đã ngâm đậu để nấu vì nước này sinh ra nhiều khí. Các enzym tiêu hóa giúp giải cứu sự khó khăn trong việc tiêu hóa đậu. Tuy nhiên, đậu đỏ là một trong những loại đậu dễ tiêu hóa hơn”, vị Lương y nói. 

Theo giadinhonline.vn