Tháng trước, tờ New York Times đăng tải bộ ảnh do nhiếp ảnh gia người Đức Zoë Noble thực hiện về cuộc sống và câu chuyện của những phụ nữ không có con.
"Mọi người thắc mắc lý do tôi không có con. Vậy sao chúng ta không hỏi một cách khác đi, rằng nguyên nhân nào khiến bạn có con?", một nhân vật trong bộ ảnh chia sẻ. "Đó là câu hỏi lớn hơn. Bạn có đủ nguồn lực và khả năng không? Hay bạn muốn có con chỉ vì cảm thấy mình phải làm như vậy".
Người phụ nữ này lập luận rằng thế giới đã quá đông và đang đối mặt với biến đổi khí hậu. Chưa kể, giá thuê nhà và học phí đại học ở Mỹ đều có xu hướng tăng. Ước tính chi phí nuôi dạy một đứa trẻ chưa tính tiền học đại học là hơn 230.000 USD. "Nếu ai đó nói không muốn có con, người khác nên khen ngợi và ủng hộ họ", nhân vật này bày tỏ.
Thực tế, ngày càng nhiều người lựa chọn cuộc sống không con cái. Năm 2018, số trẻ sinh ở Mỹ đạt mức thấp nhất trong 32 năm và từ đó đến nay tiếp tục giảm. Theo các nhà nhân khẩu học và xã hội học, dù đại dịch Covid-19 khiến mọi người phải ở nhà nhiều, tỷ lệ sinh vẫn khó tăng lên.
"Tôi nghĩ ngày nay, nhiều người ý thức được rằng có con kéo theo những thách thức", Caroline Sten Hartnett, phó giáo sư nhân khẩu học và xã hội học tại Đại học South Carolina (Mỹ) nhận định. Theo bà, xã hội giờ đây hiểu rằng làm bố mẹ là một điều khó khăn. Các nhóm bạn bè, nhất là phụ nữ, cũng hay chia sẻ với nhau về nỗi vất vả khi phải cân bằng giữa trách nhiệm chăm sóc con cái với công việc. Những cuộc hội thoại như thế khiến một số cá nhân nhận ra mình không nên có con.
Thậm chí, những phụ nữ muốn có con cũng sinh nở ít đi. Các báo cáo chỉ ra phụ nữ Mỹ muốn có trung bình 2,6 đứa trẻ nhưng chỉ đẻ 1,73. Nguyên nhân chủ yếu do chi phí nuôi dưỡng trẻ quá cao, bấp bênh về tài chính và không được nghỉ phép có lương.
Trình độ học vấn cũng ảnh hưởng đến quyết định có con. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, 7% phụ nữ chưa tốt nghiệp cấp ba không sinh con. Tỷ lệ này tăng gấp đôi ở nhóm phụ nữ đã tốt nghiệp cấp ba và có trải nghiệm đại học. Đối với nhóm phụ nữ tốt nghiệp cử nhân trở lên, khoảng 20% không sinh con.
"Người học càng cao càng ít có con", Beverly Yuen Thompson phó giáo sư xã hội học tại Đại học Siena cho biết.
Một nghiên cứu năm 2018 chỉ ra ở Mỹ, phụ nữ đã kết hôn và có con ít hạnh phúc hơn phụ nữ đã kết hôn nhưng không có con. Các công trình cũng chỉ ra rằng phụ huynh Mỹ có cách biệt hạnh phúc lớn nhất so với người không có con do nước này thiếu các chính sách giúp đỡ như trợ cấp chăm sóc trẻ em, nghỉ phép có trả lương. Đây cũng là hai trong số nhiều lý do khiến Helen Hsu 47 tuổi, nhà tâm lý học làm tại Đại học Stanford, không sinh con. Theo Hsu, nuôi dạy con cái với chị gần như là điều bất khả thi về mặt tài chính.
Mọi người trong gia đình Hsu bảo rằng đến tuổi 30, chị sẽ có "mong ước cháy bỏng" được sinh con. "Điều đó chẳng bao giờ xảy ra", nhà tâm lý nói.
Hsu cho rằng chị không có con một phần do tính chất công việc. Là nhà tâm lý trị liệu, Hsu dành phần lớn thời gian trong ngày giúp đỡ các bố mẹ và gia đình bị tổn thương. Chị không muốn đến lúc trở về nhà, mình phải tiếp tục chăm sóc ai đó. Chưa kể, Hsu nhận thấy xã hội ngày càng chấp nhận lối sống không có con.
Jameelah Woodard 28 tuổi ở Los Angeles cũng lựa chọn không có con. Là chị cả nên từ bé, Woodard đã phải làm đủ thứ việc nhà, từ nấu nướng, dọn dẹp đến thay tã cho các em.
"Cuộc sống đó không làm tôi hạnh phúc", Woodard nói. "Tôi có một tuổi thơ đầy tổn thương và tôi không muốn vô tình đẩy những tổn thương đó cho con mình".
Woodard không giấu giếm việc không muốn có con và phải gánh chịu sự dè bỉu từ những người phụ nữ trong gia đình. Cô kể rằng đến nay, mẹ cô vẫn cầu Chúa cho cô có con.
Cách xã hội nói về phụ nữ không có con đang thay đổi, dù chậm. Trên Internet, các nhóm cộng đồng của phụ nữ không có con được lập nên để động viên nhau, ví dụ như trang Instagram tên Rich Auntie Supreme của nhà văn kiêm nhà hoạt động Rachel Cargle với hơn 75.000 người theo dõi.
Thông qua hình ảnh, trích dẫn và những bài luận ngắn, Cargle muốn truyền đi thông điệp "người không có con vẫn sống hạnh phúc" chứ không hề buồn bã, chán nản và đáng bị chỉ trích như các thế hệ trước vẫn nghĩ.
"Tôi luôn thấy buồn cười và khó hiểu khi phụ nữ không sinh con bị buộc tội ích kỷ", Hsu, nhà tâm lý, nói. "Có khế ước xã hội nào quy định chúng ta phải sinh con không? Tại sao người không sinh con hoặc sống độc thân cứ bị cho là ích kỷ".
Với Hsu, chị hạnh phúc vì được làm "một bà cô tuyệt vời". Hsu không thích trẻ nhỏ nhưng khi các cháu của mình đủ lớn, chị có thể dẫn chúng đi xem hòa nhạc, uống trà chiều hoặc tập tạ. Khi đi chơi với nhau, Hsu và những đứa cháu tuổi niên thiếu có thể trò chuyện về mọi thứ, từ xu hướng tình dục đến tình yêu và chuyện học hành.
Ở Australia, Mengzhu Wang 32 tuổi làm nghề nha sĩ cũng từng bị chê là ích kỷ vì không có con. Trước đại dịch, Wang thường đi tới các nước đang phát triển để làm tình nguyện viên. Nếu sinh con, Wang chắc rằng mình không thể làm như thế nữa.
"Liệu tôi có ích kỷ không khi cống hiến hết mình để xoa dịu nỗi đau của hàng trăm người", nữ nha sĩ đặt câu hỏi.
Với Ali Ha, tuổi trẻ là quãng thời gian gây dựng sự nghiệp. Ở tuổi 43, nữ nghệ sĩ vẫn bị phán xét về quyết định không có con. Một người bạn thậm chí bảo chị: "Janet Jackson mới có con, cậu vẫn còn hy vọng".
Ha thừa nhận những lời đó không dễ nghe nhưng hy vọng phụ nữ trẻ ngày nay có thể tự quyết định cuộc đời thay vì đi theo con đường định sẵn. Bên cạnh đó, chị cho rằng càng lớn tuổi, bạn càng dễ gạt bỏ các bình luận đó.
"Hiện tại, tôi là người duy nhất trong gia đình đã ở tuổi 40 mà không có con. May mắn, bố mẹ tôi thấy ổn với chuyện đó. Tôi cũng thấy ổn và đó mới là điều quan trọng", Ha nói.
"Dù có con hay không, cuối cùng, bạn là người duy nhất sống với lựa chọn của mình", nữ nghệ sĩ đúc kết.
Theo vnexpress