Ý tưởng này hiểu đơn giản là trong vòng 90 ngày (ba tháng 6, 7, 8) hành khách đi lại trên toàn nước Đức bằng xe buýt, xe điện và tàu hỏa (trừ tàu cao tốc ICE, IC, EC) chỉ mất 9 euro một tháng. Tổng giá trị gói hỗ trợ này ước tính khoảng 2,5 tỉ euro.

Quá tải và trễ tàu

Tấm vé 9 euro từ khi được đề xuất hồi giữa tháng 4 đã tạo nên cơn sốt trong toàn dân Đức vì chi phí đi lại bằng phương tiện công cộng tại Đức thuộc diện đắt đỏ nhất châu Âu.

Tuy nhiên, sau gần hai tuần áp dụng, vé 9 euro đã phát sinh những rắc rối với hầu hết mọi người. Sự việc khiến chính quyền lúng túng, còn người dân không hài lòng và trút giận trên các trang mạng xã hội của ngành đường sắt Đức.

Đối với người đi học và đi làm tại các thành phố lớn, tuần đầu tiên của vé 9 euro là cơn ác mộng. Trong ngày đầu tiên, lượng người đổ dồn về sân ga tăng gấp nhiều lần, khiến tàu không thể lăn bánh. Điển hình tại Berlin, cảnh sát còn phải vào cuộc để điều tiết, giải cứu tại ga Berlin-Gesundbrunnen, như trang Taggeschau.de ngày 7-6 đưa tin.

Bà Tanja Fritz đến từ Munich (thành phố lớn phía nam của Đức) không kìm nổi bức xúc: "Những gì đang xảy ra là không thể chịu đựng với người đi làm. Xe đạp chen chúc trên tàu trong giờ cao điểm cùng sự chen lấn của học sinh, sinh viên trong khi hoàn toàn không có sự điều phối của nhà tàu".

Rõ ràng sự quá tải đã là nguyên nhân chính khiến nhiều nhà ga "thất thủ". Ông Udo Krumm đến từ Bayern (phía nam nước Đức) cho biết: "Sau hơn một năm, đây là lần đầu tiên tôi quay lại đi tàu. Nhưng ra tới nơi thì có thông báo tàu trễ 40 phút. Giờ thì tôi hiểu vì sao có chuyện ngừng tạm bán vé 9 đồng lần nữa sáng nay. Thật không thể tin nổi... 9 euro vẫn còn quá mắc, khi bây giờ tôi lại phải quay về nhà và lôi xe ra để không bị trễ hẹn".

Vì sao người Đức chê vé 9 euro? - Ảnh 2.

Vẫn còn rất nhiều chuyến tàu thường RE mà vé 9 euro không được phép sử dụng tại Berlin và Postdam - Ảnh: RBB24

Nguy cơ bùng dịch COVID-19

Như nhiều hành khách, bà Katrin Steinbach ở TP Meerane (bang Sachsen miền đông nước Đức) cảm thấy bất an và lo lắng vì nguy cơ mắc COVID-19: "Không thể chấp nhận khi có quá nhiều người chen chúc trên tàu và hoàn toàn không đeo khẩu trang. Tôi đã lãng phí ba tiếng đồng hồ vì chen lấn hỗn độn và trì trệ... Với tình trạng này, chắc chắn tôi sẽ phải dùng lại ôtô của mình".

Lý giải việc rất nhiều người thiếu ý thức đeo khẩu trang, bà Claura Oser - chuyên gia về an toàn vệ sinh tại Viện THM Gießen Friedberg - cho rằng: "Rất nhiều người chưa đi tàu trước đây giờ đang dùng vé 9 euro và thực tế là họ chưa nắm được quy định bắt buộc phải đeo khẩu trang và các quy tắc về khoảng cách... Đây là một nhược điểm rất lớn của loại vé này".

Ông Gero Graupner cùng nhiều hành khách trên chuyến tàu từ Frankfurt tới Berlin mỉa mai: "Thật tuyệt... chúng tôi đang được hưởng xông hơi 40 độ miễn phí suốt hơn năm tiếng vì máy lạnh không hoạt động, trong khi cabin toilet "ngào ngạt" mùi hương tỏa ra".

Theo trang BR24, rất nhiều người dùng xe đẩy và xe lăn lên tàu rất khó và không thể vào được nhà vệ sinh do quá đông. Ngoài ra, không hoàn toàn như công bố, vé 9 euro vẫn không thể dùng trên một số chuyến tàu bình thường.

 

Muốn bán lại không dễ

Sau hai tuần chịu đựng, rất nhiều người mua vé 9 euro đã buộc lòng phải quay lưng với phương tiện công cộng. Ngay sau ba ngày đầu tiên, nhiều người đã rao bán lại vé. Tuy nhiên, việc bán lại không dễ vì khi mua vé khách hàng được khuyến cáo phải ghi đúng họ tên người sử dụng.

Nếu vé không để tên hoặc tên không khớp với giấy tờ cá nhân thì sẽ bị phạt 60 euro. Rõ ràng không phải ai cũng có thể hưởng trọn vẹn "trái ngọt 9 euro", nhiều người chấp nhận mất tiền và quay lại dùng xe cá nhân.

 
Theo Tuổi trẻ