Từ 2020, Phung Nguyen (77 tuổi) lo sợ điều tồi tệ sẽ xảy ra nếu bà mắc Covid-19. Bà sống một mình tại khu Bronx của New York, mất liên lạc với con gái từ nhiều năm trước và chỉ biết nói tiếng Việt.
Khi biết đã có vaccine, bà quyết tâm đi tiêm phòng. Nhưng với khả năng tiếng Anh hạn chế và thị lực kém, bà cần hỗ trợ để hẹn gặp bác sĩ. Tổ chức phi lợi nhuận Mekong NYC phục vụ cộng đồng Đông Nam Á ở New York đã giúp đỡ bà.
Michelle Bounkousohn, thành viên tổ chức, đã mất hơn một tháng để đưa bà Nguyen tiếp cận vaccine.
“Tôi thực sự biết ơn. Cô đã rất vất vả để đưa tôi đi tiêm phòng”, bà nói với Bounkousohn.
|
Bà Phung Nguyen được đi tiêm vaccine nhờ sự trợ giúp của Michelle Bounkousohn từ tổ chức Mekong NYC. |
Sự hỗ trợ từ các tổ chức cộng đồng
Mekong NYC là một trong số tổ chức cộng đồng giúp người Mỹ gốc Á lên lịch hẹn tiêm phòng và dịch thông tin về Covid-19 một cách chính xác. Nhiều tháng trước, các tổ chức phi lợi nhuận này đã làm việc ngoài giờ để có được những mũi vaccine.
Tại thành phố New York, người nhập cư và các nhóm thiểu số thường khó tiếp cận vaccine. Họ muốn đi tiêm nhưng không thể đặt lịch hẹn hoặc trả lời các câu hỏi. Nhiều người nhập cư còn cho rằng họ không đủ điều kiện.
Tuy nhiên, theo dữ liệu của thành phố, người Mỹ gốc Á là nhóm được tiêm chủng nhiều nhất ở New York. 68% dân số châu Á trưởng thành của thành phố (tức hơn 680.000 người) đã được tiêm ít nhất một liều. Nhóm đứng thứ 2 là người da trắng với 49%.
Những con số trên phản ánh nỗ lực của các tổ chức cộng đồng đã thực hiện trọng trách tiếp cận các khu vực có nhóm thiểu số sinh sống.
|
Trung tâm Dịch vụ Gia đình người Mỹ gốc Hàn đã giúp nhiều người ở khu Queens được tiêm vaccine. |
Ở khu Queens, Trung tâm Dịch vụ Gia đình dành cho người Mỹ gốc Hàn, nơi giúp đỡ các nạn nhân của bạo lực giới, đã nhận trách nhiệm mới khi virus lây lan.
Jeehae Fischer, giám đốc điều hành trung tâm, cho các cuộc gọi đến đường dây nóng đã tăng 300% trong thời kỳ đại dịch.
Bất công còn dai dẳng
Bất chấp tỷ lệ tiêm chủng đáng kể, nhiều người New York gốc Á vẫn phải đối mặt với những vấn đề phức tạp cản trở việc tiếp cận vaccine: địa vị pháp lý của người nhập cư, rào cản ngôn ngữ, thông tin không xác thực trên mạng và nỗi sợ bạo lực.
Các tổ chức phi lợi nhuận đã hoạt động trong bối cảnh những vụ tấn công người châu Á gia tăng trên toàn quốc.
Chỉ riêng trong 2021, Sở Cảnh sát New York đã điều tra và giải quyết khoảng 36 vụ kỳ thị người Mỹ gốc Á trong quý đầu tiên. Năm 2020, có 28 tội ác thù ghét người châu Á được báo cáo trong thành phố, tăng so với 3 năm trước đó.
|
Các thành viên Mekong NYC miệt mài làm việc để hỗ trợ cộng đồng châu Á tại Mỹ. |
Bounkousohn cho biết tổ chức của cô đặc biệt quan tâm đến người già.
“Nếu không tự nỗ lực như bà Phung Nguyen hoặc không liên hệ được với các tổ chức như Mekong, tôi thực sự tự hỏi khi nào mọi người mới có thể tiêm chủng đầy đủ”, Bounkousohn nói.
Không biết nói tiếng Anh và thiếu kỹ năng công nghệ là những rào cản lớn. Ngoài ra, nhiều người già còn e sợ nạn bạo lực đang hoành hành.
"Có những người đủ điều kiện tiêm vaccine nhưng sẽ không rời khỏi nhà để đi tiêm vì quá sợ hãi", Cowen kể lại.
Mạng lưới các trang web giúp lên lịch hẹn tiêm vaccine hết sức rối rắm, ngay cả đối với những người biết tiếng Anh. Các web y tế thành phố đề xuất người dân dùng Google Translate, nhưng nhiều thông tin có thể bị dịch sai.
Những người cao tuổi không nói được tiếng Anh còn phải đối mặt với những trở ngại tại các điểm tiêm chủng mà không có thông dịch viên, người có thể giúp giải thích quy trình và các mẫu đơn cần được ký tên.
Chhaya Chhoum, giám đốc điều hành của Mekong NYC, cảm thấy thất vọng sau khi đưa bố và dì mình đến điểm tiêm chủng tại sân vận động Yankee. 2 người đã phải gọi cho cô để được thông dịch qua điện thoại bởi Chhoum không được vào trong và không có phiên dịch viên tại địa điểm.
"Tôi quyết định thành lập một tổ chức thực hiện những dịch vụ ngành y tế công cộng đáng lẽ nên làm", cô nói.
10 nhân viên của Mekong NYC đã tự học cách giải thích các thuật ngữ y tế bằng tiếng Việt và tiếng Khmer để xoa dịu nỗi lo về vaccine.
Anita Gundanna, đồng giám đốc điều hành của Liên minh Gia đình và Trẻ em Mỹ gốc Á, bày tỏ quan ngại khi dữ liệu về cộng đồng châu Á tại Mỹ còn chắp vá, không đầy đủ và đôi khi không tồn tại.
Dữ liệu về người Mỹ gốc Á không được tách biệt. Nhóm người châu Á và cư dân quần đảo Thái Bình Dương thường bị gộp lại với nhau và không phân chia theo dân tộc hoặc quốc tịch.
Tỷ lệ tiêm chủng cao có vẻ là một tin tốt. Tuy nhiên, số liệu trên, dù có khả năng chính xác, có thể tiếp tục gây lầm tưởng về người châu Á là nhóm thiểu số gương mẫu và phớt lờ những khó khăn, bất công mà họ gặp phải.
“Trong một thời gian rất dài, chúng tôi bị coi như những người vô hình và phải vật lộn trong im lặng”, Gundanna nói.
|
Nạn phân biệt đối xử người gốc Á vẫn hoành hành tại Mỹ. |
Mặc dù khó xác định hiệu quả cụ thể mà các tổ chức cộng đồng đã đạt được trong nỗ lực tiêm chủng, họ đã là cứu cánh cho các thành viên dễ bị tổn thương nhất trong cộng đồng.
Kể từ khi tiêm mũi đầu tiên, bà Phung Nguyen vui mừng chờ đợi đến lượt tiêm tiếp theo. Bounkousohn, thành viên của Mekong NYC, đã giữ thẻ tiêm chủng của bà an toàn cho đến khi họ quay lại.
“Tôi cảm thấy tốt hơn và bớt sợ hãi hơn nhiều", bà chia sẻ.
Bounkousohn và bà Nguyen đã có kế hoạch sau khi bà được tiêm vaccine đầy đủ: họ sẽ đến phố Tàu để ăn mừng.
Theo Zing