"Dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) là liệu pháp mang tính đột phá, có thể giảm 92% nguy cơ lây nhiễm HIV nếu sử dụng hằng ngày", ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, nhấn mạnh tại Hội thảo hai năm triển khai mở rộng PrEP tại Việt Nam, ngày 5/11.

PrEP có nghĩa là điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV. Ở Việt Nam, PrEP được cấp miễn phí thông qua nhiều dự án tài trợ, gồm 111 cơ sở cung cấp dịch vụ.

Ông Long cho biết sau hai năm triển khai PrEP tại 27 tỉnh, thành phố, tính đến ngày 30/9, hơn 13.000 người sử dụng ít nhất một lần, hơn 10.000 người đang điều trị PrEP. Trong số này, 78% là người MSM (nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam) nguy cơ cao nhiễm HIV.

Tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS giảm mạnh ở nhóm người sử dụng ma túy, phụ nữ bán dâm, tăng nhanh trong cộng đồng người đồng tính nam.

"10 năm trước, tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS ở nhóm MSM chỉ 3-4%, nay 10-15%, một số địa phương đến 15-17%", ông Long nói.

Chiến lược quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam đặt ra mục tiêu chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030. Để kết thúc đại dịch này, MSM là nhóm cần được đặc biệt quan tâm.

Bộ Y tế khuyến cáo dùng PrEP để dự phòng lây nhiễm HIV cho các nhóm: Nam có quan hệ tình dục đồng giới; Người chuyển giới nữ; Người bán dâm; Người tiêm chích ma túy; Bạn tình của người nhiễm HIV mà người nhiễm chưa điều trị thuốc ARV hoặc điều trị ARV song tải lượng HIV chưa đạt dưới ngưỡng phát hiện virus (hơn 200 bản sao trong một ml máu).

Người có hành vi nguy cơ cao bị nhiễm HIV như quan hệ tình dục không an toàn (không sử dụng bao cao su) và tiêm chích không an toàn (sử dụng chung bơm kim tiêm), được khuyến cáo nên đến cơ sở cung cấp PrEP.

Điều trị PrEP bằng thuốc ARV uống hàng ngày, mỗi ngày một viên. Có thể uống trước hoặc sau khi ăn. Các bác sĩ khuyến cáo nên uống vào một thời điểm nhất định trong ngày để tạo thói quen uống thuốc đều đặn. Nếu quên liều, cần uống ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên không được uống quá hai liều trong 24 giờ. PrEP không tương tác với đa số thuốc khác nên an toàn khi uống cùng với nhau.


                                                                                Thuốc dự phòng phơi nhiễm HIV. Ảnh: SBS.

Ngoài điều trị dự phòng, Cục phòng, chống HIV/AIDS cũng khuyến cáo các giải pháp song song khác như sử dụng bao cao su, bơm kim tiêm sạch, tăng cường nhận thức về phòng, chống HIV để tránh lây nhiễm.

Theo ông Long, Việt Nam là một số ít quốc gia thí điểm điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV. Bộ Y tế có kế hoạch mở rộng dịch vụ PrEP ra tất cả tỉnh, thành phố.

Theo vnexpress