"Sức mạnh bắt nguồn từ người dân, doanh nghiệp"
Tại Diễn đàn Kinh doanh Việt - Mỹ hợp tác trong lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp (DN) cho rằng việc Việt - Mỹ nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, trong đó lãnh đạo hai nước thống nhất đưa công nghệ, đổi mới sáng tạo và đầu tư thực sự trở thành trụ cột mới trong quan hệ song phương, là bước ngoặt mạnh mẽ và tích cực để DN hai nước hợp tác đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh sự quan tâm của các DN đối với thị trường Việt Nam; cho rằng với quan điểm "sức mạnh bắt nguồn từ người dân, DN", DN hai nước có hành động thiết thực, cụ thể hóa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước; mang lại lợi ích cho quốc gia và nhân dân mỗi nước; phù hợp với tình hình phát triển của hai nước, xu thế chung và phù hợp với chiến lược kinh doanh của DN hai nước.
Thủ tướng đề nghị DN Mỹ hiện thực hóa sự ủng hộ của Mỹ về một Việt Nam "mạnh, độc lập, thịnh vượng và tự cường". Trong đó, các DN cần tập trung vào các lĩnh vực thương mại, dịch vụ; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là công nghệ số và chuyển đổi năng lượng, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.
Thông tin về các yếu tố nền tảng để DN yên tâm đầu tư, phát triển, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam đang lấy con người là trung tâm, là mục tiêu, là chủ thể, động lực và nguồn lực của sự phát triển; không hy sinh công bằng, an sinh xã hội, môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Cùng với đó, Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; chính sách quốc phòng 4 không "không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế".
Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện 3 đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có lĩnh vực công nghệ số, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…
Với quan điểm, "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy và nhận thức; động lực bắt nguồn từ đổi mới, sáng tạo; sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, DN", Thủ tướng mong muốn các DN Mỹ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, giúp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để cùng nhau chiến thắng, cùng có lợi, trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Mở rộng hợp tác giáo dục, đào tạo
Thăm và nói chuyện tại Đại học tổng hợp San Francisco (USF), Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Tuyên bố chung của lãnh đạo Việt - Mỹ đã nhấn mạnh hợp tác giáo dục - đào tạo là một trong những trọng tâm của quan hệ song phương, nhất là trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển. Về phần mình, Việt Nam xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu với chủ trương thúc đẩy học tập suốt đời; đào tạo nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược.
Trong tổng thể quan hệ song phương, quan hệ hợp tác Việt - Mỹ về giáo dục trong những năm qua chứng kiến nhiều bước phát triển mạnh mẽ, trong đó có đóng góp của USF. Hiện có khoảng 50 chương trình liên kết đào tạo đang hoạt động giữa cơ sở giáo dục đại học hai nước.
Thủ tướng cho biết Việt Nam luôn mong muốn tìm kiếm, mở rộng các cơ hội hợp tác phát triển với các cơ sở giáo dục, đào tạo của Mỹ, trong đó có USF với bề dày lịch sử, truyền thống lâu đời và danh tiếng trên toàn thế giới.
Thủ tướng đề nghị USF đi đầu trong xu thế hợp tác giữa hai nước về giáo dục đào tạo, xác định Việt Nam là một trọng điểm hợp tác, cung cấp nhiều hơn nữa học bổng cho sinh viên Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực mới như đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…; tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên nước ngoài, trong đó có sinh viên đến từ Việt Nam - một nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi.
Thủ tướng cũng đã trực tiếp giải đáp nhiều câu hỏi của các sinh viên USF; khẳng định Đảng, Nhà nước tôn trọng sự lựa chọn của các sinh viên về học tập và công việc, song bất cứ khi nào các em cảm thấy có thể về nước, đóng góp tốt nhất cho đất nước thì các em đều được chào đón.
Thủ tướng cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị định 140/2017/NĐ-CP về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Hiện, các cơ quan cũng đang tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các chính sách, quy định mới phù hợp hơn, hiệu quả hơn về vấn đề này.
Việt nam sắp có Viện nghiên cứu bán dẫn
Trong chiều qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm, làm việc với một số tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ tại thung lũng Silicon (California) gồm Nvidia, Meta và Synopsys. Thủ tướng đề nghị Nvidia sớm có nhà máy sản xuất tại Việt Nam, lấy Việt Nam làm cứ điểm sản xuất chip bán dẫn tại khu vực Đông Nam Á.
Tại Công ty Synopsys, Thủ tướng đã chứng kiến việc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch - Đầu tư ký kết biên bản ghi nhớ về phát triển nguồn nhân lực tài năng thiết kế vi mạch (IC) tại Việt Nam, trong đó Synopsys hỗ trợ NIC thành lập một trung tâm ươm tạo thiết kế chip. Synopsys và Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông thuộc Bộ TT-TT cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ về hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam. Đây là đơn vị chủ trì đang tham mưu xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2035. Theo đó, Synopsys sẽ hỗ trợ Bộ TT-TT phát triển kế hoạch chiến lược nhằm thành lập Viện nghiên cứu bán dẫn tại Việt Nam.
Thủ tướng đề nghị Meta tiếp tục cung cấp cho phía Việt Nam các giải pháp công nghệ, chuyển giao công nghệ nhiều hơn; hợp tác về tài chính để phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số; hợp tác nâng cao năng lực quản trị trong các lĩnh vực mà Meta có thế mạnh; hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng cao; hợp tác phòng chống tội phạm mạng, bảo đảm an toàn, an ninh mạng và tăng cường cung cấp những thông tin tích cực, chính xác về quan hệ hai nước.
Thủ tướng cho rằng tương lai của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ phụ thuộc rất lớn vào khả năng hiện thực hóa các tiềm năng và cơ hội giữa các DN của 2 nước nhằm phát triển đầu tư kinh doanh ở các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có sự đóng góp của các DN Mỹ nói chung và các công ty công nghệ nói riêng.
Ăn sáng làm việc với các doanh nhân Việt kiều tiêu biểu tại San Francisco, Thủ tướng đề nghị cộng đồng DN Việt kiều tận dụng tối đa cơ hội lớn từ việc hai nước xác lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện; quan tâm hơn nữa tới thị trường Việt Nam và hợp tác với các DN trong nước; tập trung vào một số lĩnh vực như đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, ứng phó với biến đổi khí hậu…, tạo động lực phát triển mới. |
Theo Thanh niên