Góc nhìn mới
Trước đây, chúng ta đã biết đến những mảng màu văn hóa - lịch sử của một Việt Nam trong quá khứ (thế kỷ 17) qua ghi chép,
tường thuật của các nhà truyền giáo (Alexandre de Rhodes, Christoforo Borri…), thiền sư (Thích Đại Sán), bậc danh nho (Chu Thuấn Thủy), thương nhân (Pierre Poivre, William Dampier, Samuel Baron…)… Nói chung, họ thuộc thành phần trí thức, có địa vị trong xã hội lúc bấy giờ. Ngược lại,
Nam Biều ký của Shihōken mô tả Việt Nam cuối thế kỷ 18 qua lời kể của các thủy thủ Nhật Bản đi biển gặp bão trôi dạt đến phương Nam. Họ là những người nghèo, ít học, có phông văn hóa bình dân và địa vị thấp trong xã hội.
Nam Biều ký, tập tư liệu quý hiếm về Việt Nam
Năm 1794, chiếc thuyền Taijo-maru chở gạo rời cảng Sendai ra khơi hướng về Edo (Tokyo ngày nay) thì gặp bão. Thuyền đắm, thuyền trưởng và các thủy thủ trôi dạt đến “làng Tây Sơn” ở Đàng Trong. Họ được các ngư dân và quan địa phương cứu giúp, chăm sóc tận tình rồi đưa về “vương thành” (được cho là Gia Định thành). Một thời gian sau, họ về nước an toàn. Giao tiếp giữa thủy thủ Nhật và ngư dân Việt lúc đầu là bút đàm bằng vài ký tự chữ Hán, vì hai bên không hiểu đối phương nói gì. Về sau họ trao đổi qua thông ngôn. Ở với người An Nam khoảng thời gian tương đối ngắn nhưng cũng đủ để các thủy thủ có thể quan sát đời sống văn hóa xã hội Việt Nam một cách bình dân và tường tận. Những tường thuật theo kiểu mắt thấy tai nghe và nhận xét có thể nói là chân thật, mộc mạc của họ về ngôn ngữ địa phương, diện mạo, trang phục, xã giao, cách ngồi, chuyện ăn uống, đi lại, nhà cửa, động vật, phong tục, phong thổ… cung cấp cho độc giả ngày nay nhiều thông tin bổ ích về đời sống hằng ngày của người Việt cùng các phong tục lạ lẫm.
Đàn ông mà họ gặp có tóc cột búi lên được giữ bằng một cây lược nhỏ, râu ria dài. Phụ nữ ở Gia Định được miêu tả là thông minh, đa phần chăm chỉ, cần mẫn, lo toan buôn bán, còn đàn ông thì nhàn rỗi, chỉ biết uống rượu, ca hát, chơi đàn nguyệt… Theo Nam Biều ký, người An Nam thân thiện, dễ mến và thật lòng nhưng cũng khá mạnh bạo. Phố đèn đỏ, hành khất, lưu manh, tội phạm, nạn trộm cướp không thiếu. Về chuyện ăn uống, thủy thủ Nhật “chê” cơm không có mùi vị gì, không dẻo và người dân hoàn toàn không dùng nước tương.
Những thông tin khác lạ
Có một số thông tin khá lạ được các thủy thủ thuật lại như khi ăn cơm, người ta không dùng đũa, người có của dùng muỗng còn người bình dân dùng tay; đa số người dân đi chân không…, trái ngược với các ghi chép về Đàng Trong thế kỷ 17 của Borri. Theo nhà truyền giáo này,
người Đàng Trong sử dụng đũa rất duyên dáng, họ không mang tất hay giày mà bảo vệ lòng bàn chân bằng một tấm da có dây lụa luồn qua ngón chân và vài chiếc nút giống như xăng-đan…
Cuốn sách cũng miêu tả chi tiết một số tập tục như “dù người già hay người trẻ, một khi cái chết chia ly một cặp vợ chồng, thì đêm cuối cùng trước ngày ly biệt vĩnh viễn, người ở lại sẽ khỏa thân ngủ với người đã qua đời, để sáng hôm sau tiễn đưa người chết ra đồng…”.
Chất liệu tạo nên cuốn sách là những lời kể của các thủy thủ, địa danh và nhân vật được biến đổi khác đi để qua mặt nhà cầm quyền Nhật Bản lúc bấy giờ với lệnh bế quan tỏa cảng cấm thuyền ra nước ngoài dù là vô tình, vì vậy nhiều thông tin cũng khá mơ hồ. Chẳng hạn như “làng Tây Sơn” được đề cập là ở đâu trong vùng đất Bình Định bây giờ, hay như vương thành mà họ mô tả có phải là thành Gia Định trong lịch sử hay không, dù rằng đối chiếu với những ghi chép sau này của Trịnh Hoài Đức chúng ta thấy khá tương đồng.
Ngoài những thông tin mới lạ và quý báu về văn hóa xã hội và phong tục tập quán của người Việt xưa, Nam Biều ký còn giúp bổ khuyết một số vấn đề cho nghiên cứu lịch sử giao lưu văn hóa Việt - Nhật thời cận đại.
Theo Thanh Niên