Ngày 29/6, Chính phủ ban hành Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối 2021 và đầu 2022.

Một trong số mục tiêu của Chính phủ thời gian tới là tập trung kiểm soát, đẩy lùi Covid-19, hoàn thành tiêm chủng đạt miễn dịch cộng đồng nhanh nhất.

Hiện thực hoá chiến lược này, Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, cùng các cơ quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất lập trung tâm chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine đạt tiêu chuẩn quốc tế. Cơ quan này cũng cần đưa ra chính sách hỗ trợ đặc thù thu hút doanh nghiệp, tổ chức đầu tư nghiên cứu, tiếp nhận công nghệ sản xuất vaccine. Những việc này nhằm chuẩn bị để Việt Nam "tiến tới hình thành công nghiệp sản xuất vaccine".

Việc Nam đang đặt mục tiêu đẩy nhanh tiêm vaccine phòng Covid-19 để đạt miễn dịch cộng đồng (khoảng 70% dân số). Vì thế, yêu cầu tập trung mọi nguồn lực thực hiện chiến lược vaccine; huy động, sử dụng hiệu quả kinh phí Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19... một lần nữa được Chính phủ nhắc lại tại Nghị quyết lần này.

Doanh nghiệp, địa phương được khuyến khích, tiếp cận bình đẳng các nguồn vaccine, nhưng phải tuân thủ quản lý nhà nước, nhất là kiểm soát chất lượng và cấp phép của Bộ Y tế. "Dứt khoát không để cạnh tranh không lành mạnh giữa khu vực Nhà nước và tư nhân", Nghị quyết Chính phủ nhấn mạnh.

                Cán bộ y tế TPHCM kiểm tra vaccine Covid-19 trước khi tiêm cho người dân. Ảnh: Hữu Khoa

Vaccine phòng Covid-19 đang được coi là "tấm khiên" ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch. Làm việc tại Công ty (Vabiotech) cuối tuần trước, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu thực hiện nhanh nhất chiến lược vaccine (đa dạng nguồn, đàm phán mua vaccine, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine), chậm nhất tháng 6/2022 phải có vaccine theo phương thức chuyển giao công nghệ, sản xuất trong nước.

Hiện Bộ Y tế thúc đẩy Công ty Vaccine và sinh phẩm số 1 (Vabiotech) tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Sputnik V của Nga theo hai giai đoạn. Giai đoạn đầu, dự kiến nhập bán thành phẩm, đóng gói từ tháng 6; dự kiến nhập chính thức đóng ống, đóng gói từ tháng 7. Giai đoạn hai sẽ lên kế hoạch xây dựng nhà máy mới để mở rộng công suất đóng gói từ 100 đến 150 triệu liều mỗi năm.

Cũng tại Nghị quyết, Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, ban hành các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp tại các nhà máy, khu công nghiệp, chợ đầu mối, đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bộ Ngoại giao hướng dẫn thủ tục xuất nhập cảnh, tạo thuận lợi cho các chuyên gia, tư vấn vào Việt Nam, làm việc tại các dự án đầu tư.

Về các cân đối vĩ mô, Chính phủ nhắc lại mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% và lạm phát dưới 4% Quốc hội giao. Do đó, các chính sách điều hành tiền tệ và tài khoá sẽ tiếp tục theo hướng linh hoạt, chủ động nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng.

Bộ Công Thương được yêu cầu theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hoá thiết yếu, ổn định giá cả, thị trường. Trước xu hướng giá một số nguyên, vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất tăng cao ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư, xây dựng, các cơ quan quản lý phải có biện pháp kiểm soát, can thiệp kịp thời.

Năm nay Thủ tướng giao tỷ lệ giải ngân vốn công 95-100%, trong đó hết quý III giải ngân tối thiểu 60% kế hoạch. Vì thế, nhiều giải pháp trọng tâm, xử lý các điểm nghẽn giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ đưa ra tại Nghị quyết.

Trong đó, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; đẩy nhanh thi công, nghiệm thu và lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng.

Điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, thiếu vốn. Từng bộ, ngành lập tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn công. Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn thì kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan.

"Kiên quyết chống trì trệ, xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực trong đầu tư công, xử lý nghiêm các trường hợp nhà thầu vi phạm tiến độ hợp đồng", Nghị quyết nêu.

Tại Nghị quyết này, Chính phủ giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, cùng các bộ, ngành liên quan khẩn trương trình Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch.

Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất các giải pháp, chính sách về thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch.

Ngân hàng Nhà nước được chỉ đạo đưa ra các giải pháp tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19; khuyến khích tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

Còn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được yêu cầu đưa ra chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành; trình Chính phủ chính sách giảm số tiền ký quỹ của các doanh nghiệp lữ hành.

Theo vnexpress