Đánh giá được chuyên gia quốc tế nêu tại hội thảo trực tuyến về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2020 do Bộ Khoa học và Công nghệ và Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO) tổ chức chiều 8/9.

Bà Lê Thị Tuyết Mai, Đại sứ Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sỹ) cho biết, việc Việt Nam xếp thứ 42 trong bảng xếp hạng được quốc tế đánh giá rất cao.

"Việt Nam cùng Trung Quốc, Ấn Độ và Philippines là bốn quốc gia tiến bộ đáng kể trong bảng xếp hạng GII qua các năm gần đây, hiện nay đều nằm trong nhóm 50 quốc gia dẫn đầu. Việt Nam đang tịnh tiến đến nhóm 40 quốc gia dẫn đầu về chỉ số này với đa số là các quốc gia thu nhập cao", bà Mai dẫn đánh giá của các chuyên gia WIPO. Theo bà đây là kết quả đáng tự hào nhưng cũng đầy thách thức trong bối cảnh khó khăn chung của đại dịch để có thể duy trì chỉ số đổi mới sáng tạo.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, việc Việt Nam giữ được thứ 42/131 quốc gia và nền kinh tế là nỗ lực của toàn hệ thống trong việc thực hiện Nghị quyết của Chính phủ. Điểm rõ nhất có thể thấy, hàng loạt Viện nghiên cứu của doanh nghiệp tư nhân, Trung tâm đổi mới sáng tạo được hình thành trong thời gian gần đây. Sự thay đổi này tích hợp và được đánh giá khách quan thông qua chỉ số GII của Việt Nam tăng liên tục, từ vị trí 59 năm 2016 nâng lên 42 trong năm 2019 và 2020.

"Trong bối cảnh khó khăn của năm 2020, khi nền kinh tế các quốc gia đều bị ảnh hưởng bởi Covid-19, Việt Nam nổi lên như một hình mẫu về chống dịch và tích lũy kết quả nghiên cứu đổi mới sáng tạo trong nhiều năm, đưa ra giải pháp về khoa học công nghệ", ông Duy nói. Một chỉ số đáng bất ngờ, 6 tháng đầu năm 2020, dù giãn cách vì Covid-19 nhưng lượng đơn sở hữu trí tuệ, bằng phát minh sáng chế tăng và số bằng được công nhận của Việt Nam cũng tăng hơn so với năm 2019.

"Đây cũng là dấu hiệu tích cực và ngược chiều so với suy thoái do đại dịch" ông Duy nói và cho biết, trong thành công này WIPO đã vào cuộc quyết liệt, giúp Việt Nam hình thành mạng lưới IP Hub thúc đẩy các sáng chế tại các trường đại học và doanh nghiệp, viện nghiên cứu.

So với năm 2019, năm nay chỉ số về các sản phẩm sáng tạo tăng 9 bậc; chỉ số hợp tác viện trường, doanh nghiệp tăng 10 bậc; chỉ số Số công bố bài báo khoa học và kĩ thuật tăng 13 bậc; năng lực hấp thụ tri thức tăng 13 bậc. Trong nhóm chỉ số đầu vào tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo Việt Nam tiếp tục tăng 1 bậc.


                                                                                Thứ trưởng Bùi Thế Duy phát biểu tại sự kiện chiều 8/9. Ảnh: Ngũ Hiệp.

Ông Sacha Wunsch - Vincen, Chuyên gia cao cấp của WIPO, tác giả báo cáo GII 2020 cho rằng, nhìn tổng quan các trụ cột sẽ thấy Việt Nam tích hợp được các điểm tương đồng trong đầu tư cho nhân lực, chi phí vào R&D, xuất khẩu công nghệ cao... Cùng với đó, trình độ phát triển của doanh nghiệp có sự gia tăng vượt bậc góp phần quan trọng vào việc nâng hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam.

Để có thể duy trì và tiếp tục nâng hạng, ông Sacha Wunsch cho rằng, Việt Nam cần xác định đâu là nút thắt nghẽn để các doanh nghiệp tư nhân có thể tăng đầu tư cho nghiên cứu và gia tăng hoạt động sáng tạo của họ. Hợp tác giữa trường - viện nghiên cứu, phát triển các cụm nghiên cứu... cũng là yếu tố quan trọng để phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. "Cần chi tiêu nhiều hơn vào đổi mới sáng tạo, R&D của doanh nghiệp", ông Sacha Wunsch nói.


                                                                                Ông Sacha Wunsch chia sẻ thông tin trực tuyến chiều 8/9. Ảnh chụp màn hình.

Ông Francis Gurry, Tổng Giám đốc Tổ chức WIPO cho biết: "Mục tiêu của bộ chỉ số GII là cung cấp dữ liệu với thông tin chi tiết về năng lực, kết quả đổi mới sáng tạo, cho phép các nhà hoạch định chính sách đánh giá hiện trạng của họ, đưa ra các quyết định về chính sách đổi mới sáng tạo".

Vì vậy Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng, từ dữ liệu về GII sẽ giúp đánh giá chính sách, đưa ra những thay đổi một cách khoa học, khách quan hơn. Ông đề nghị các bộ, ngành thời gian tới liên tục lưu trữ, cập nhật dữ liệu để phục vụ cho việc điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành. Mục tiêu để chính sách theo kịp, thúc đẩy đầu tư cho khoa học công nghệ, tích hợp các kết quả nghiên cứu, phát triển của doanh nghiệp vào chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Thứ trưởng đề xuất các chuyên gia WIPO giai đoạn tới cùng với Việt Nam đánh giá lại toàn diện chỉ số đổi mới sáng tạo 10 năm qua. Qua đó đánh giá chính sách đổi mới sáng tạo để có những đề xuất đổi mới. Ông cũng mong muốn nghiên cứu, đánh giá mức độ đổi mới sáng tạo của các địa phương. "Hiện nay bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cho các bộ ngành đã rõ nhưng các địa phương vẫn chưa biết cần phải tập trung vào yếu tố, khu vực nào", Thứ trưởng Bùi Thế Duy nói.

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu là bộ công cụ đánh giá xếp hạng năng lực đổi mới sáng tạo của các quốc gia, được WIPO phối hợp với Viện INSEAD, Pháp và Đại học Cornell (Mỹ) thực hiện.

Theo vnexpress