Đang là nghiên cứu sinh và chưa kết hôn, Cai Manlin cảm thấy những băn khoăn về việc lập gia đình của cô là điều khó tránh khỏi. Mới 25 tuổi, cô coi việc vẫn được theo đuổi con đường học vấn là đặc ân chứ không phải gánh nặng, theo Sixth Tone.
Tuy nhiên, không phải ai cũng nghĩ như Cai. Sau 14 năm kể từ khi Bộ Giáo dục Trung Quốc dùng cụm từ "phụ nữ còn sót lại" để chỉ những cô nàng độc thân, có học thức cao ở thành thị, đến nay vẫn tồn tại tư tưởng kỳ thị nhất định đối với những người như cô.
Cai nhớ lại khi lần đầu tiên nói với mẹ về việc muốn học lên tiến sĩ, bà tỏ ra giận dữ: "Đáng ra con nên kết hôn với một ai đó còn hơn cố lấy thêm tấm bằng vô dụng".
|
Những cô nàng độc thân có học thức cao ở thành thị Trung Quốc bị gắn mác "phụ nữ bị bỏ lại". |
Phụ nữ học cao bị coi là "thừa"
Theo dữ liệu từ cuộc điều tra dân số năm 2010, phụ nữ có trình độ đại học từ 25 đến 29 tuổi có khả năng chưa kết hôn cao hơn khoảng 3 lần so với phụ nữ ở cùng độ tuổi có trình độ học vấn thấp hơn mức trung học.
Thuật ngữ "phụ nữ còn sót lại" (hay "thặng nữ") phản ánh sự lo lắng của xã hội Trung Quốc đối với hiện tượng nhân khẩu học này. Nó trở nên trầm trọng hơn bởi "quy tắc" gia trưởng rằng đàn ông nên kết hôn với phụ nữ trẻ và ít học hơn mình. Theo tư tưởng đó, những phụ nữ có bằng tiến sĩ bị cho là "vượt ngoài" tiêu chuẩn để cưới.
Sự xấu hổ và lo lắng càng được củng cố bởi những mô tả có tính quy chụp về những "phụ nữ còn sót lại" trong phim ảnh - nơi các cô nàng có trình độ học vấn cao bị miêu tả là không có những giá trị của phụ nữ thông thường, không có khả năng đảm nhận vai trò làm vợ và làm mẹ.
Song theo Cai, việc phụ nữ có học thức cao chưa kết hôn không phải do họ "bị bỏ lại".
Cai cho rằng giáo dục đã giúp phụ nữ như cô đảm bảo sự độc lập về kinh tế và tự chủ hơn trong cuộc sống, đồng thời giảm bớt sự kiểm soát của cha mẹ đối với các mối quan hệ, quyết định hôn nhân của họ.
Ví dụ, khi đối mặt với áp lực kết hôn từ cha mẹ, phụ nữ độc lập có khả năng giữ khoảng cách vật chất với phụ huynh, có cuộc sống của riêng mình và giữ vững lý tưởng về tình yêu lãng mạn.
Với cá nhân Cai, cô cảm thấy việc học lên cao là đặc ân. Theo học tiến sĩ ở nước ngoài, cha mẹ biết rất ít về ngành học và khó tác động đến việc lựa chọn nghề nghiệp của cô. Dù phụ huynh có ý kiến về việc yêu đương của Cai, nó vẫn chỉ ở mức gợi ý.
|
Phụ nữ có học vấn cao tự chủ hơn trong quyết định hôn nhân. |
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng giáo dục đại học đưa đến triển vọng hôn nhân thuận lợi hơn ở Trung Quốc, khi giáo dục ngày càng phân tầng thị trường hôn nhân của nước này. Các cá nhân có trình độ học vấn cao, cả nam và nữ, hiện có những ưu tiên nghiêm ngặt đối với trình độ học vấn của bạn đời.
Cai cho rằng nỗi lo xung quanh cái mác "phụ nữ còn sót lại" phản ánh mong muốn thúc đẩy hôn nhân của xã hội Trung Quốc, nhưng phụ nữ có trình độ học vấn cao ít nhất có quyền tự chủ lựa chọn kiểu bạn đời mà họ muốn, thậm chí việc muốn kết hôn hay không.
Phụ nữ trình độ học vấn thấp bị bỏ quên
Một cuộc trò chuyện với mẹ đã khiến Cai nhớ đến nhóm phụ nữ dường như bị quên lãng trong các cuộc thảo luận về hôn nhân, đó là những người học vấn thấp và kết hôn quá sớm.
Mẹ của Cai là khách hàng thường xuyên của một thẩm mỹ viện, nơi bà gặp nhiều nữ chuyên viên trẻ tuổi. Những phụ nữ trẻ này ngoài 20 tuổi, nhiều người trong số họ từ các vùng nông thôn lên thành phố làm việc sau khi tốt nghiệp hoặc bỏ học cấp 3, thậm chí là cấp 2. Sau 2-3 năm làm việc, một số về quê lập gia đình, nội trợ, sinh con.
Trong khi giới truyền thông, công chúng và thậm chí cả giới học thuật dường như bận tâm đến phụ nữ có học vấn cao với những khó khăn trong hôn nhân của họ, thách thức mà nhiều phụ nữ học vấn thấp phải đối mặt thường bị bỏ qua.
Mặc dù độ tuổi kết hôn hợp pháp ở Trung Quốc là 22 đối với nam và 20 đối với nữ, tình trạng tảo hôn vẫn tồn tại, đặc biệt là ở các vùng nông thôn nơi người dân có trình độ học vấn trung bình thấp.
Mang thai sớm là một nguyên nhân thường xuyên dẫn đến những trường hợp tảo hôn, vì nhiều thanh niên Trung Quốc thiếu nhận thức và kiến thức về biện pháp tránh thai.
Ở những vùng kém phát triển như tỉnh Vân Nam, trung bình có 21 trẻ em được sinh ra trên 1.000 phụ nữ và trẻ em gái trong độ tuổi 15-19.
Phụ nữ ít học cũng thường thiệt thòi và dễ bị tổn thương trong cuộc hôn nhân. Một nghiên cứu năm 2016, thực hiện trên 400 phụ nữ ở các vùng nông thôn thuộc khu tự trị dân tộc Choang (Quảng Tây), cho thấy trình độ học vấn của phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định cuộc sống hôn nhân của họ.
Trình độ học vấn thấp hơn thường liên quan đến mức độ hài lòng trong hôn nhân thấp hơn, địa vị thấp hơn trong gia đình chồng, tỷ lệ ly hôn và nguy cơ bạo lực gia đình cao hơn. Dữ liệu từ Khảo sát địa vị xã hội của phụ nữ Trung Quốc cho thấy các nạn nhân bạo lực gia đình ở nông thôn thường có trình độ học vấn thấp.
"Những phụ nữ được giáo dục tốt như tôi phải đối mặt với áp lực và sự phân biệt đối xử trong 'thị trường hôn nhân', phần lớn do tư tưởng giới truyền thống vẫn còn phổ biến. Song vấn đề đối với những người có học vấn thấp, phải kết hôn sớm cũng cần được quan tâm đúng mức", Cai bày tỏ.
Theo Zing