Một ngày đầu tháng 11/1933, trong căn hộ ở Manhattan, Agnes Tufverson đặt điện thoại xuống, nở nụ cười thật tươi và làm động tác nhún nhảy ngẫu hứng. Cô cảm thấy như là ngôi sao của vở nhạc kịch lãng mạn của riêng mình.

Vài tháng trước, cô tình cờ gặp chàng trai bảnh bao, thú vị trong chuyến đi thuyền dưới ánh trăng dọc sông Thames, cũng là chuyến đi đầu tiên của Agnes đến châu Âu. Chàng trai xưng tên là Ivan Poderjay, cựu đại úy quân đội Nam Tư, hiện là nhà phát minh, triệu phú tự thân, kém cô 8 tuổi. Với giọng nói mê hoặc, mái tóc đen gợn sóng và nụ cười răng khểnh ấm áp, anh đã mang ánh nắng và hy vọng vào cuộc sống cô đơn của Agnes.

Là luật sư làm việc chăm chỉ, chưa từng yêu ai, Agnes bị Ivan hớp hồn trong thời gian ở London, Anh, bằng những câu chuyện về cuộc phiêu lưu của anh ta trong quân đội. Anh ta tỏ ra là quý ông hoàn hảo trong suốt các cuộc gặp gỡ lãng mạn của họ và hứa hẹn sẽ tìm kiếm cô trong chuyến đi tiếp theo tới Mỹ.

Ivan Poderjay. Ảnh: So dead podcast

Ivan Poderjay. Ảnh: So dead podcast

Và ngày hôm ấy cuối cùng cũng đến. Chàng cựu quân nhân vừa gọi điện để nói với Agnes rằng đang ghé qua thành phố New York nhân một chuyến công tác và rất mong được gặp lại cô. Sau 2 tuần hẹn hò ở New York, cả hai trao lời thề ước trong đám cưới tại nhà thờ cách căn hộ sang trọng của Agnes vài dãy nhà.

Agnes nói với gia đình ở quê nhà Michigan rằng vợ chồng cô dự định tận hưởng tuần trăng mật kéo dài ở châu Âu trước khi định cư ở Anh, sau đó sống tại dinh thự sang trọng tại quê hương của Ivan. Nữ luật sư thành đạt, giàu có nhưng mộng mơ và dễ tin người, thậm chí đã bỏ công việc mơ ước, đang trên đà thăng tiến của mình.

Sáu tháng sau, Agnes trở thành chủ đề của một bí ẩn quốc tế thu hút độc giả trên khắp hai châu lục. Gia đình lo lắng báo với chính quyền rằng cô mất liên lạc với họ kể từ ngày 22/12/1933, tức chỉ 2 ngày sau khi vợ chồng cô lên chiếc tàu biển sang trọng, vượt biển Atlantic để trở về quê chồng ở Anh.

Ba em gái của Agnes đã đến New York vào tháng 5/1934 và thuyết phục các thám tử của Cục Người mất tích, Sở Cảnh sát TP New York (NYPD) điều tra vụ mất tích của anh chị. Họ nói với cảnh sát Agnes không phải là kiểu người cắt liên lạc với gia đình. "Chị ấy thẳng thắn và tỉnh táo. Chị ấy đã nuôi nấng chúng tôi sau khi mẹ qua đời khi chúng tôi rất nhỏ", các cô em gái nói về Agnes.

Họ bắt đầu dồn mối nghi ngờ về sự biến mất kỳ lạ này cho anh rể, Ivan, người mà họ không có thông tin gì, ngoại trừ việc đã khiến chị gái mình mê mệt.

Những gì mà thám tử New York phát hiện về người đàn ông này, đã khiến các em gái của Agnes sửng sốt - chị gái họ chưa hề lên tàu rời New York.

Theo điều tra, 2 tuần sau khi kết hôn, vợ chồng mới cưới đã cãi vã ồn ào tại bến tàu sông Hudson để bắt đầu hành trình đến châu Âu. Nhưng Ivan đã không đặt vé cho chuyến đi. Người lái taxi đưa họ về nhà khai với cảnh sát rằng họ đã có tranh cãi gay gắt từ bến tàu đến lúc lên và cả tận lúc về nhà.

Người giúp việc của Agnes kể lại chủ của mình đã khóc suốt những ngày sau đó, nhưng những gì xảy ra tiếp theo bà không thể biết. Ivan đã ra lệnh cho bà giúp việc về nhà và nghỉ một vài ngày. Bà khẳng định từ đó vợ chồng nhà chủ không bao giờ gọi lại cho bà yêu cầu lên làm việc và bà cũng không gặp lại Agnes.

Cảnh sát nhận thấy Ivan sau đó đã đi mua 200 chiếc dao cạo râu, một lọ thuốc an thần và một cái rương lớn cỡ vừa đựng một người. Cùng lúc đó, tài khoản tiết kiệm 25.000 USD của Agnes trong ngân hàng bị rút sạch, toàn bộ cổ phiếu của cô cũng bị bán.

Chủ tiệm valy bên mẫu sản phẩm tương tự đã bán cho Ivan Poderjay. Ảnh: NYDaily news

Chủ tiệm valy bên mẫu sản phẩm tương tự đã bán cho Ivan Poderjay. Ảnh: NYDaily news

Điều kỳ lạ nhất đối với cảnh sát là việc Ivan lên đường đến Anh vài ngày sau khi vợ chồng tranh cãi ở bến tàu. Anh ta đã đặt chỗ trên một chiếc tàu có tên Olympic mà không có vợ. Trên tờ khai lên tàu, Ivan đã viết mình độc thân.

Các nhân viên của tàu Olympic khai với cảnh sát về một chiếc valy cực lớn mà Ivan không cho ai động vào, cũng không rời mắt. Anh ta ký gửi toàn bộ hành lý, trừ chiếc valy này và không bao giờ rời khỏi phòng.

Cảnh sát đã đến thăm phòng của Ivan trên tàu, nhận thấy cửa sổ đủ lớn để cơ thể một phụ nữ có kích thước trung bình dễ dàng chui qua. Các chuyên gia pháp y cố gắng tìm kiếm dấu vết của máu hoặc bất kỳ manh mối nào khác trong phòng nhưng bị cản trở vì nó đã được đội vệ sinh tàu làm sạch kỹ lưỡng sau mỗi chuyến đi.

Cảnh sát New York ngay sau đó tranh thủ sự giúp đỡ của đồng nghiệp tại Scotland. Theo đó, Ivan không phải là đại úy quân đội hay triệu phú. Anh ta gia nhập Quân đoàn của Pháp nhưng đã sớm đào ngũ.

Trước Agnes, anh ta từng kết hôn với một phụ nữ hơn tuổi giàu có và bị cô tố cáo lừa đảo 10.000 USD. Anh ta sau đó tiếp tục kết hôn vào mùa xuân năm 1933 với một phụ nữ Pháp tên là Marguerite Bertrand. Trên giấy tờ, hai người vẫn là vợ chồng hợp pháp và Ivan đã gian lận để cưới vợ lần ba, với Agnes.

Hàng loạt phụ nữ cô đơn và si tình khác trên khắp châu Âu nộp đơn tố cáo, khẳng định từng bị Ivan tán tỉnh, lừa dối bằng những câu chuyện y hệt về đời lính và những sáng chế triệu đô.

Ivan Poderjay bị dẫn độ đến Mỹ để điều tra, tháng 6/1934. Ảnh: NYDaily news

Ivan Poderjay (người cầm mũ) bị dẫn độ đến Mỹ để điều tra, tháng 6/1934. Ảnh: NYDaily news

Ngày 18/6/1934, cảnh sát ở Vienna, Áo thông báo có thể Agnes đã chết. Họ đã phát hiện ra đồ đạc của cô trong căn hộ của Ivan và vợ thứ hai, Marguerite Bertrand ở Vienna. Cùng ngày, Ivan bị bắt ngay trên đường phố và bị dẫn độ đến New York với cáo buộc liên quan đến sự biến mất của Agnes.

Song Ivan khăng khăng không khai nhận bất cứ điều gì, thẩm phán chỉ có thể phạt anh ta 2 năm 6 tháng tù giam vì tội Cố chấp. Khi tuyên án, thẩm phán thẳng thắn răn đe "anh đáng lẽ phải bị truy tố về tội danh nghiêm trọng hơn, giết người".

Ngày 1/2/1940, anh ta ra tù và trở về sống với Marguerite Bertrand. Lời giải về những gì đã xảy ra với Agnes không bao giờ được tìm thấy.

Theo vnexpress