Trầm cảm vì công việc chăm sóc con
Kris Tan - 41 tuổi, sống tại Singapore - có 2 cô con gái 7 và 3 tuổi. Anh từng làm công việc truyền thông xã hội tự do tại nhà. Vợ anh kế thừa một quán ăn truyền thống và thường xuyên phải dành nhiều giờ nấu ăn, phục vụ khách hàng. Gia đình anh từng thuê bảo mẫu trong tháng đầu sau khi con gái Kyra chào đời năm 2016. Tuy nhiên để tăng mối liên kết giữa con cái và cha mẹ trong giai đoạn quan trọng cũng như nhằm giảm bớt chi phí sinh hoạt, Tan quyết định trở thành người chăm sóc chính cho bé Kyra.
Anh đùa: “Vợ tôi luôn muốn tôi bán hàng phụ cô ấy và lúc ấy tôi nghĩ chăm sóc con là cách hay để tránh điều đó”. Lần đầu làm cha, anh Tan quyết tâm làm hết sức mình. Anh đã phải vật lộn với công việc chăm sóc con gái gần như 24/7, từ bỏ các sở thích cá nhân như đạp xe, chạy đường dài và trò chơi điện tử. Thời gian anh dành để bản thân có thể “sạc lại pin” gần như không còn. Kết quả là anh bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, cáu kỉnh và thường xuyên gắt gỏng với vợ.
|
|
Những người cha đảm nhận công việc nội trợ đã rất dũng cảm vượt qua áp lực, định kiến - Ảnh: ISTOCK |
Một đêm vào giữa năm 2018, Kris Tan nhận ra mình mất kiểm soát. Anh cố gắng dỗ con gái Kyra, khi đó mới 2 tuổi, đi ngủ trong suốt 3 tiếng đồng hồ. Nhưng mỗi lần anh đặt con xuống, Kyra lại khóc và bắt đầu quấy. Cảm giác kiệt sức cùng sự tức giận và thất vọng dồn nén, anh “cảm thấy muốn làm tổn thương ai đó”. Vì trong phòng chỉ có anh và con, Tan đã tự tát mình một cái thật mạnh. Sau đó, anh nhìn con gái và sốc khi thấy Kyra cũng đánh vào mặt mình, ngây thơ bắt chước hành động của cha.
Sự việc đó đã khiến anh Tan quyết định đến gặp bác sĩ. Anh được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm vào tháng 10/2018. Tan kể, bản thân anh thường tự hỏi, “Nếu con cái là niềm vui, vậy tại sao tôi lại bực bội khi dành quá nhiều thời gian cho chúng? Tôi có phải là người cha tồi khi cảm thấy như vậy không?”. Hiện tại, anh Tan đã khá hơn và cũng hiểu rằng những cảm xúc tiêu cực về bản thân khi nuôi dạy các con là hoàn toàn bình thường. Điều quan trọng là anh đã lựa chọn đúng khi đối mặt với vấn đề và tìm kiếm sự trợ giúp.
Đàn ông chịu tác động tâm lý cả trước và sau khi vợ sinh
Khi Luke Tiller (New Zealand) ôm cô con gái bé bỏng Ava trong tay, anh cảm thấy tâm trạng rối bời, kiệt sức và căng thẳng. Mối quan hệ gắn bó với Ava không đến một cách tự nhiên như với con gái đầu Sophie vài năm trước. Tiller cảm thấy quá trình chuyển đổi từ một công việc cao cấp trong bộ phận an ninh quốc gia ở Wellington sang việc trở thành một người cha nội trợ toàn thời gian thật khó khăn.
Gia đình trấn an Tiller rằng điều này là bình thường và anh chỉ đang thích nghi với cuộc sống cùng 2 đứa con nhỏ. Ngay cả bác sĩ cũng cho rằng đó không thể là chứng trầm cảm sau sinh bởi vì “anh là nam giới”. Nhận định này là hoàn toàn sai, bởi một nghiên cứu tại New Zealand cho thấy, 2,3% các ông bố thể hiện các triệu chứng lâm sàng của bệnh trầm cảm hoặc lo lắng trước khi vợ sinh và tỉ lệ đó tăng lên 4,3% sau khi em bé chào đời. Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng sức khỏe tinh thần của nam giới, trước và sau khi có con. Nghiên cứu cho thấy họ trải qua những thay đổi nội tiết tố tương tự như phụ nữ.
Trong trường hợp của Tiller, sự giúp đỡ không đến từ phòng khám của bác sĩ mà từ một nhóm trị liệu dành cho đàn ông. Tại đây, Tiller nhận ra mức độ phổ biến của những tổn thương mà nam giới gắng chịu khi học cách làm cha. Ngoài việc tham gia nhóm, Tiller còn thực hiện liệu pháp hành vi nhận thức và xây dựng các chiến lược tốt hơn để quản lý các tác nhân gây căng thẳng. Giờ đây, anh lại yêu thích khoảng thời gian dành cho Ava và Sophie. Theo quan điểm của Tiller, việc đào tạo nhiều hơn cho các nữ hộ sinh xung quanh việc hỗ trợ các ông bố sẽ giúp ích. Với tư cách là các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, họ có thể giúp những người cha tìm đến các dịch vụ hỗ trợ khác nếu họ cảm thấy bản thân không ổn.
Cuối cùng, ngay cả trong các nền văn hóa mà người cha được kỳ vọng sẽ tham gia nhiều vào giai đoạn đầu đời của con trẻ hơn so với trước đây, họ vẫn được coi là trụ cột của gia đình và thường bị định kiến là ít có khả năng chăm sóc, nội trợ như những bà mẹ. Tại các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), chỉ 1% nam giới chọn tạm dừng sự nghiệp ít nhất 6 tháng để chăm sóc con cái. Tại Mỹ, những gia đình có mẹ đi làm và người cha nội trợ chỉ chiếm 5,6%, ít hơn nhiều so với mức 28,6% của những gia đình có người cha đi làm và mẹ ở nhà chăm lo tổ ấm. Do đó, việc phá bỏ định kiến về những người cha nội trợ có thể trao quyền và giải phóng cho tất cả các ông bố, bà mẹ trên thế giới trong việc san sẻ các nhiệm vụ trong nhà và theo đuổi ước mơ nghề nghiệp ngoài xã hội.
Theo phụ nữ TPHCM