"Đây là virus có nguồn gốc động vật truyền sang người. Vì vậy, chúng ta phải cố gắng hiểu virus này đã thích nghi như thế nào để xâm nhập loài người", Sylvie Briand, giám đốc mảng bệnh truyền nhiễm của WHO, nói tại Geneva ngày 12/5.
Các trường hợp nhiễm nCoV đầu tiên được báo cáo vào tháng 12/2019 tại Vũ Hán. Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng nCoV xuất phát từ dơi nhưng đã truyền qua một loài khác trước khi lây sang người.
"Virus nhân lên ở những con vật này, thay đổi một chút và cuối cùng dẫn đến một loại virus có thể lây truyền sang người", Briand nói thêm. Truy tìm nguồn gốc của virus, bằng cách phát hiện vật chủ trung gian, sẽ "ngăn chặn hiện tượng này xảy ra lần nữa và tránh lây truyền qua lại giữa người và động vật".
"Mỗi khi nó nhảy từ loài này sang loài khác, virus có thể biến đổi một chút", Briand cho biết. "Điều đó có thể tác động đến phương pháp điều trị. Virus có thể trở nên kháng thuốc hay khiến vaccine không còn đủ hiệu quả".
Nhiều điều vẫn còn là bí ẩn, mặc dù "hàng nghìn mẫu" đã được thu thập, trong đó có mẫu từ "nhiều động vật trong chợ ở Vũ Hán" và cả chó ở Hong Kong, Briand nói thêm, nhấn mạnh rằng phân tích sẽ mất nhiều thời gian. Các mẫu này do các quốc gia thành viên WHO thu thập nhưng cơ quan khuyến khích họ chia sẻ thông tin với nhau để tăng tốc độ nghiên cứu.
Mỹ và Australia đang kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc virus. WHO cũng bày tỏ mong muốn Bắc Kinh mời họ tham gia cuộc điều tra về nguồn gốc nCoV. Trung Quốc sau đó đề xuất thành lập một ủy ban dưới sự bảo trợ của WHO để đánh giá "phản ứng toàn cầu" đối với Covid-19, nhưng chỉ khi đại dịch kết thúc.
Trump và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gần đây thúc đẩy giả thuyết nCoV bị rò rỉ từ Viện Virus học Vũ Hán. Cộng đồng tình báo Mỹ đang xem xét giả thuyết này nhưng họ cho rằng nCoV không phải là virus nhân tạo hoặc biến đổi gene. Trong khi đó, Viện Virus học Vũ Hán bác bỏ giả thuyết. Bắc Kinh khẳng định Ngoại trưởng Mỹ không thể chứng minh nCoV lọt từ phòng thí nghiệm bởi ông "không có bất kỳ bằng chứng nào".
Covid-19 xuất hiện tại 212 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 4,3 triệu người nhiễm bệnh, hơn 294.000 người tử vong và hơn 1,6 triệu người bình phục.
Theo vnexpress