Cuộc khảo sát thực hiện từ tháng 11 đến tháng 12/2021 cho thấy nhiều dịch vụ bị "ảnh hưởng nghiêm trọng", "ít hoặc không cải thiện" so với các cuộc khảo sát trước đó vào đầu năm 2021.

WHO cho biết: "Kết quả này nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc hành động khẩn cấp nhằm giải quyết những thách thức lớn của hệ thống y tế, phục hồi các dịch vụ và giảm thiểu tác động của Covid-19".

Các dịch vụ khẩn cấp như xe cứu thương, phòng cấp cứu quá tải hoặc hoạt động kém hiệu quả, bị gián đoạn ở 36% các quốc gia trong nghiên cứu, cao hơn so với 29% vào đầu năm 2021 và 21% năm 2020. Các ca phẫu thuật tự chọn như thay khớp háng, đầu gối bị tạm ngừng ở 59% các quốc gia.

Thời điểm khảo sát trùng với đợt bùng phát Covid-19 tại nhiều nước vào cuối năm 2021 do biến chủng Omicron lây lan mạnh, gây nhiều căng thẳng cho các bệnh viện.

WHO cho rằng quy mô của sự gián đoạn là do các vấn đề về y tế đã tồn tại từ trước cũng như nhu cầu chăm sóc sức khỏe suy giảm.

Bác sĩ tại Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại Venezuela, gày 1/2. Ảnh: Reuters

Bác sĩ tại Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại Venezuela, ngày 1/2. Ảnh: Reuters

Các nước đã và đang nỗ lực hành động để giảm thiểu tình trạng này. Nhiều khu vực tăng cường truyền thông giúp công chúng hiểu được những thay đổi đối với dịch vụ y tế, đồng thời đưa ra lời khuyên chăm sóc sức khỏe an toàn. Giới chức cũng phân tích nhằm xác định và đáp ứng tốt hơn nhu cầu cần thiết của bệnh nhân.

Hơn một nửa số nước trong khảo sát cho biết họ đã tuyển dụng thêm nhân viên, tăng cường lực lượng y tế, chuyển tuyến bệnh nhân đến các cơ sở chăm sóc khác. Các nước đẩy mạnh các dịch vụ chăm sóc tại nhà, kê đơn điều trị trước nhiều tháng và tăng cường khám chữa bệnh từ xa (telehealth).

WHO và các tổ chức đối tác đã hỗ trợ nhiều nước điều chỉnh quy trình y tế nhằm ứng phó tốt hơn với những thách thức đặt ra, tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu và nâng cao tỷ lệ khám chữa bệnh toàn dân.

Theo vnexpress