leftcenterrightdel
 WHO huy động được nguồn tài trợ lớn

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ca ngợi việc các nước thành viên đồng ý hỗ trợ mức ngân sách khủng gần 7 tỉ USD là "lịch sử và là cột mốc quan trọng".

Được biết quyết định này được thông qua trong cuộc họp hàng năm của WHO. Cụ thể, các quốc gia thành viên trong ủy ban chủ chốt đã thông qua ngân sách mà không có ý kiến phản đối.

Ngân sách trên vẫn cần được tất cả các quốc gia thành viên phê duyệt vào cuối kỳ họp kéo dài 10 ngày, nhưng về cơ bản đây chỉ là hình thức.

Việc WHO nhận được số tiền hỗ trợ khủng không gây bất ngờ, bởi tại cuộc họp năm ngoái, phần lớn các thành viên đã đồng ý tài trợ cho cơ quan này để thực hiện một cuộc đại tu mạnh mẽ.

Bị rung chuyển bởi đại dịch COVID-19, các quốc gia đã nhất trí rằng cần thiết phải cung cấp nguồn vốn ổn định và đáng tin cậy hơn cho tổ chức. WHO phần lớn được tài trợ bởi 194 quốc gia thành viên.

Phần tài trợ có 1 phần từ phí thành viên bắt buộc, khoản đóng góp được tính theo sự giàu có và dân số của các nước, phần còn lại đến từ các khoản đóng góp tự nguyện.

Năm ngoái, Hội đồng đã đồng ý tăng dần phần phí thành viên lên 50%, chậm nhất là vào chu kỳ ngân sách 2030-2031.

Theo đó, chu kỳ ngân sách 2024-2025 sẽ đánh dấu lần tăng đầu tiên, với việc các quốc gia đồng ý tăng các khoản đóng góp của họ thêm 20% so với ngân sách 2022-2023.

Để đổi lại, WHO đã bắt đầu thực hiện 96 cải cách đề ra, bao gồm hướng tới minh bạch hơn về tài chính và tuyển dụng cũng như có trách nhiệm giải trình sâu rộng hơn.

Ông Tedros khẳng định, cho đến nay WHO đã thực hiện 42 cải cách được yêu cầu và đang hoàn thành nốt các thay đổi còn lại.

Theo phụ nữ TPHCM