"Liều tiêm vaccine tăng cường nên nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho người có hệ miễn dịch suy giảm, do những người này ít có khả năng đáp ứng đầy đủ với vaccine nếu chỉ tiêm theo liều tiêu chuẩn và có nguy cơ trở thành ca bệnh nặng khá cao", Nhóm Chuyên gia Cố vấn Chiến lược (SAGE) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hôm qua.
Giám đốc vaccine WHO Kate O'Brien cho biết khuyến cáo này được đưa ra sau khi có bằng chứng cho thấy khả năng sinh miễn dịch và tỷ lệ nhiễm nCoV đột phá chênh lệch rất lớn ở những người có hệ miễn dịch suy yếu vì các chứng bệnh khác.
Nhóm chuyên gia WHO cũng khuyến cáo người trên 60 tuổi đã tiêm hai liều vaccine Sinopharm và Sinovac cần tiêm thêm một liều sau khoảng ba tháng, thêm rằng giới chức y tế cần đặt mục tiêu tăng tối đa độ phủ hai mũi vaccine ở nhóm người cao tuổi trước khi triển khai tiêm tăng cường.
SAGE sẽ xem xét dữ liệu toàn cầu về mũi tiêm tăng cường trong cuộc họp ngày 11/11, trong bối cảnh có nhiều dấu hỏi về khả năng của vaccine trong đối phó các biến chủng nCoV mới và nguy cơ suy giảm hiệu lực sau nhiều tháng tiêm chủng.
Đã có 3,5 tỷ liều vaccine Covid-19 được triển khai trên toàn thế giới. Mỗi tháng có thêm 1,5 tỷ liều được xuất xưởng, đủ sức đáp ứng mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho 40% dân số thế giới trong cuối năm nay, nhưng tình hình phân bổ vaccine vẫn không đồng đều.
"Tiêm vaccine tăng cường cho những người đã có đáp ứng miễn dịch đầy đủ sau liều chính giống như mặc hai áo phao cho một người và để người khác không có cái áo nào. Về mặt này, chúng tôi đang đề xuất mặc áo phao đầu tiên cho những người bị suy giảm miễn dịch", O'Brien cho hay.
Thế giới đã ghi nhận 238.862.910 ca nhiễm nCoV và 4.867.209 ca tử vong, tăng lần lượt 290.635 và 4.278, trong khi 214.394.868 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Làn sóng lây nhiễm vì biến chủng Delta tại Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, dường như đang hạ nhiệt. Nước này hiện ghi nhận gần 45,3 triệu ca nhiễm và hơn 734.000 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt gần 34.000 và 244 trường hợp so với một ngày trước đó.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) tuần qua thông báo sẽ chấp nhận hành khách tiêm các vaccine được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) hoặc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt. Nhà Trắng hồi tháng 9 tuyên bố sẽ dỡ hạn chế đi lại với hành khách đã tiêm chủng đầy đủ từ 33 quốc gia.
New Zealand sẽ yêu cầu nhân viên y tế và người chăm sóc người khuyết tật phải tiêm chủng vaccine Covid-19 đầy đủ trước ngày 1/12, trong bối cảnh nước này đang đối phó đợt bùng phát vì biến chủng Delta và phải từ bỏ mục tiêu "không Covid". Giáo viên và nhân viên trường học cũng phải tiêm đủ hai mũi vaccine trước ngày 1/1/2022.
"New Zealand đang ở một trong những thời điểm khó khăn và nhiều thách thức nhất giữa đại dịch Covid-19, nhưng có con đường đi tiếp rõ ràng trong vài tháng tới để sống chung với virus khi tỷ lệ tiêm chủng tăng lên", Thủ tướng Jacinda Ardern nói hôm 11/10.
Gần 2,4 triệu người, tương đương 57% dân số đủ điều kiện tiêm tại New Zealand, đã được tiêm chủng đầy đủ. Giới chức cam kết chấm dứt các lệnh phong tỏa sau khi con số này đạt 90%.
Trong năm 2020 và phần lớn năm 2021, New Zealand theo đuổi chiến lược "không Covid", áp các biện pháp phong tỏa quyết liệt để bảo vệ đất nước trước đợt ảnh hưởng nghiêm trọng của Covid-19, khiến người dân trong nước gần như quay trở lại cuộc sống bình thường.
Tuy nhiên, chủng Delta hồi tháng 8 gây ra đợt bùng phát dịch tại Auckland, thành phố đông dân nhất New Zealand, buộc nước này áp đặt lệnh phong tỏa kéo dài nhiều tuần để dập dịch nhưng vẫn không thể khống chế được số ca nhiễm mới.
New Zealand hiện ghi nhận hơn 4.600 ca nhiễm nCoV, trong đó 28 người đã chết.
Thái Lan hôm qua công bố kế hoạch mở cửa trở lại để đón du khách nước ngoài qua đường hàng không từ ngày 1/11, trong bối cảnh ngành du lịch và nền kinh tế thiệt hại nghiêm trọng vì các biện pháp phòng tỏa phòng chống Covid-19.
"Thái Lan sẽ mở cửa với du khách đã tiêm vaccine và đến bằng đường hàng không từ 10 quốc gia nguy cơ thấp. Họ cần có kết quả xét nghiệm âm tính nCoV trước khi tới và xét nghiệm một lần nữa khi nhập cảnh. Nếu có kết quả âm tính, các du khách có thể đi lại tự do như người dân Thái Lan", Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cho hay, cho biết trong số quốc gia này có Mỹ, Trung Quốc, Anh, Đức và Singapore.
Thông báo đánh dấu bước nới lỏng đáng kể với những lệnh hạn chế hiện nay, trong đó du khách đã tiêm vaccine Covid-19 phải cách ly ít nhất 7 ngày tại khách sạn sau khi nhập cảnh. Thủ tướng Thái Lan cho biết sẽ có thêm nhiều quốc gia được bổ sung vào danh sách nguy cơ thấp trong tháng 12.
Thủ tướng Prayuth từng cam kết sẽ tái mở cửa đất nước vào tháng 10 và tuyên bố đẩy nhanh chiến dịch triển khai vaccine để đạt mục tiêu 70% dân số được tiêm chủng. Đến nay, 48% người dân Thái Lan đã được tiêm ít nhất một liều vaccine, trong khi 30% đã tiêm đủ hai liều.
Thái Lan vẫn báo cáo khoảng 10.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, chủ yếu do biến chủng Delta. Nước này đã ghi nhận hơn 1,7 triệu ca nhiễm nCoV, trong đó gần 18.000 người đã chết.
Theo vnexpress