Ngân hàng Thế giới (WB) sáng nay công bố báo cáo "Việt Nam năng động: Tạo nền tảng cho nền kinh tế thu nhập cao". Trong đó, cơ quan này nhận định Việt Nam là "một câu chuyện thành công về phát triển" trong hai thập kỷ qua, cả về kinh tế, xã hội và giáo dục.
Tuy nhiên, WB cho rằng khi môi trường trong nước và quốc tế thay đổi, đặc biệt là với sự xuất hiện của Covid-19, các điều kiện thuận lợi đã giúp Việt Nam tăng trưởng nhanh có thể biến thành trở ngại. Vì vậy, điều cần làm hiện tại là thay đổi mô hình phát triển.
"Hiện nay, đất nước đang ở ngã ba đường, khi các động lực tăng trưởng truyền thống dần suy yếu," ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, "Để đạt mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045, tăng trưởng năng suất phải giữ vị trí then chốt trong mô hình phát triển kinh tế thập kỷ tới. Nói cách khác, Việt Nam cần có quyết sách để không chỉ phát triển nhanh hơn mà còn chất lượng hơn".
Công nhân làm việc trong một nhà máy ở Hưng Yên tháng 12/2019. Ảnh: Viễn Thông.
Báo cáo của World Bank gợi ý mô hình phát triển dựa vào năng suất - kết hợp đổi mới, sáng tạo với phát triển cân bằng, đồng thời phân bổ hiệu quả vốn tư nhân và nhà nước, vốn nhân lực và vốn tự nhiên. Vì thế, Việt Nam cần tập trung vào 4 lĩnh vực ưu tiên. Đó là tăng tính năng động cho doanh nghiệp, cải thiện độ hiệu quả và bền vững của cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nghề, đồng thời quản lý hiệu quả tài nguyên.
Ông Vũ Viết Ngoạn – Nguyên trưởng ban cố vấn kinh tế của Thủ tướng cũng đồng tình với quan điểm này. Ông cho rằng các động lực tăng trưởng cũ của Việt Nam, như tài nguyên, nhân công giá rẻ đã chạm giới hạn và môi trường cũng đang ở mức độ cảnh báo. Trong khi đó, địa chính trị trên thế giới thay đổi tác động mạnh đến nền kinh tế có độ mở cao.
"Nếu muốn đạt mục tiêu hội nhập các nền kinh tế có thu nhập cao, Việt Nam cần thay đổi mô hình tăng trưởng", ông nói, "Tốc độ tăng năng suất lao động trung bình của Việt Nam phải đạt từ 6,5 – 6,75% một năm cho đến năm 2030 so với mức bình quân 4,75% giai đoạn 2011 – 2016".
Bên cạnh đó, trong bối cảnh "các nền kinh tế hiện cạnh tranh về tri thức và công nghệ", ông cho rằng cần nhấn mạnh vai trò của đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế. "Trong giai đoạn chuyển từ thu nhập trung bình sang thu nhập cao, cần kết hợp hai mục tiêu là tích lũy vốn và tri thức", ông nói.
Tại buổi công bố, đánh giá về xu hướng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài dịch chuyển sang Việt Nam gần đây, do tác động từ cả chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và Covid-19, kinh tế trưởng WB Việt Nam Jacques Morisset cho biết xu hướng này không mới, "nhưng sẽ tăng tốc trong thời gian tới vì ở nhiều khía cạnh, Việt Nam có khả năng cạnh tranh tốt". Ông đánh giá cao ý tưởng của Thủ tướng về việc thành lập tổ công tác để đón làn sóng FDI mới
Đại diện WB cũng nhấn mạnh để duy trì tăng trưởng chất lượng, Việt Nam cần phân bổ ngân sách hiệu quả. Cơ quan này cho biết tuy tỷ lệ ngân sách cho đổi mới sáng tạo thấp, họ "không khuyến khích tăng phân bổ, mà chỉ cần tăng sử dụng hiệu quả".
Việc xây dựng tốt luật mô hình đầu tư đối tác công tư (PPP) cũng sẽ đưa nhiều doanh nghiệp đến Việt Nam hơn, tăng cường vốn tư nhân để bổ sung vào nguồn lực còn hạn hẹp của nhà nước. "Theo kinh nghiệm nhiều nước, khung quản lý PPP đóng vai trò quan trọng để thu hút vốn tư nhân. Tuy nhiên, tại Việt Nam, dự thảo luật này còn nhiều điều cần cải thiện. Quan trọng là cần chia sẻ rủi ro một cách công khai, minh bạch giữa nhà nước và nhà đầu tư", ông Đoàn Hồng Quang – chuyên gia kinh tế của WB cho biết.
Theo vnexpress