Khoe tài... tiết kiệm

Vài năm trở lại đây, các xu hướng “khoe giàu” đã trở nên lỗi thời và không còn phù hợp với tình hình kinh tế hiện tại, khi mọi người cảm thấy cần tiết kiệm trước sự bấp bênh của thị trường việc làm. Xu hướng tài chính mới nhất đang chiếm lĩnh TikTok là “loud budgeting” (tiết kiệm ồn ào).

Đây là cách tiếp cận thẳng thắn về ranh giới tài chính và giới hạn tài chính cá nhân. Trong đó, bạn sẽ lên kế hoạch cụ thể về việc tiết kiệm, đặt giới hạn chi tiêu và chia sẻ kế hoạch này với mọi người. Xu hướng này thu hút sự chú ý vào cuối tháng 12/2023, khi đoạn video TikTok giới thiệu về khoản ngân sách chi tiêu của diễn viên hài kiêm nhà văn người Mỹ Lukas Battle thu hút đám đông trên mạng xã hội.

Battle hài hước rằng việc giữ tiền của mình trong ví sẽ "sang trọng hơn, phong cách hơn, linh hoạt hơn". Người sáng tạo nội dung 27 tuổi nói: “Hãy gửi thông điệp tới các tập đoàn về mức độ lạm phát hiện tại. Câu chuyện không phải về việc “Tôi không có đủ tiền” mà là “Tôi không muốn chi tiêu”.

leftcenterrightdel
 Việc thẳng thắn chia sẻ kế hoạch tiết kiệm được xem là giúp vượt qua sự ngại ngùng, mặc cảm, thuận lợi trong việc đạt các mục tiêu tài chính - Nguồn ảnh: Getty Images

Theo cuộc khảo sát vào tháng 11/2023 với 2.098 người trưởng thành tại Mỹ do Công ty The Harris Poll thực hiện, 69% người được hỏi cho biết họ có hối tiếc về tài chính vào năm 2023. Cụ thể, 53% cho biết tình hình tài chính của họ đã xấu đi, 31% bày tỏ sự hối tiếc vì đã không tiết kiệm đủ tiền và 22% than thở về việc chi tiêu quá mức.

Trào lưu “tiết kiệm ồn ào” ngày càng được các chuyên gia tài chính công nhận và ủng hộ. Erica Sandberg - chuyên gia tài chính cá nhân tại trang CardRates.com, Mỹ - cho biết: “Việc công khai tiết kiệm có thể mang lại sức mạnh. Với xu hướng này, bạn trở nên tự hào khi mang theo đồ ăn trưa, tự pha cà phê hoặc đi xe buýt thay vì xe cá nhân. Việc cởi mở về những hạn chế tài chính của bản thân cũng có thể giúp giảm bớt lo lắng và có thể tìm kiếm thêm các giải pháp từ cộng đồng”.

Sandberg nói thêm: “Người tiêu dùng không chỉ có thể tìm thấy điểm chung trong các mối quan tâm về ngân sách, mà còn có thể tìm thấy cộng đồng giúp họ đạt được các mục tiêu tài chính rộng hơn và cắt giảm việc mua sắm bốc đồng”.

Làm thế nào để tiết kiệm?

Việc che giấu những khó khăn về tài chính sẽ cản trở khả năng cải thiện tương lai của bạn; và nếu bạn lo lắng về điều người khác nghĩ, bạn có nhiều khả năng tiêu tiền vào những thứ bạn không nên làm. John J. (JJ) O'Hare III - đối tác và nhà quản lý tài sản tại công ty tư vấn O'Hare Wealth Management (Mỹ) - cho biết: “Xu hướng là một cách giúp bạn chuyển từ việc nói “không” bây giờ sang việc nói “có” thường xuyên hơn trong tương lai. Đó thực sự là một cách để thúc đẩy quyết tâm tiết kiệm bị trì hoãn qua nhiều năm”. Bên cạnh đó, việc lên tiếng về lý do cắt giảm chi tiêu có thể giúp giảm áp lực so sánh từ bạn bè, tạo ra trách nhiệm tài chính lớn hơn và giảm bớt sự xấu hổ về tiền bạc. Xu hướng “tiết kiệm ồn ào” cũng có thể trao quyền kiểm soát cuộc sống cho bạn, thúc đẩy sự thay đổi hành vi, từ đó biến một người chi tiêu liên tục thành một người siêng năng tiết kiệm.

Chuyên gia ngân sách Andrea Woroch từ California, Mỹ cho biết: “Cách đơn giản nhất để tránh bị cám dỗ chi tiêu là hủy đăng ký nhận email các thông báo khuyến mãi, tắt thông báo trong ứng dụng bán lẻ và hủy theo dõi các thương hiệu trên mạng xã hội”. Ngoài ra, việc xóa ứng dụng mua sắm trên điện thoại sẽ giúp tạo "rào cản mua hàng", buộc bạn phải suy nghĩ kỹ lưỡng về các quyết định mua hàng của mình. Mặt khác, bạn nên thử "quy tắc 48 giờ", yêu cầu bản thân chờ đợi đủ 2 ngày trước khi mua hàng, ngay cả khi nó đang giảm giá.

Loại bỏ sự xấu hổ khỏi các cuộc trò chuyện về nợ nần và ngân sách có thể giúp bạn có một lối sống lành mạnh hơn về mặt tài chính. Tuy nhiên, xu hướng “tiết kiệm ồn ào” có thể đi kèm với một số nhược điểm nếu áp dụng không chính xác. Cô Andrea Woroch chia sẻ: “Tôi hy vọng mọi người không lạm dụng khái niệm lập ngân sách này để tránh trả thêm những khoản phí hợp lý, chẳng hạn như tiền boa dành cho những dịch vụ xứng đáng. Đồng thời, bạn không thể chỉ nói suông. Hành động là chìa khóa để cải thiện tình hình tài chính cá nhân và bạn cần một kế hoạch chi tiết để biến điều đó thành hiện thực”.

Theo phụ nữ TPHCM