Nhiều em gái mang thai ngoài ý muốn

Em Virginia Mayhunga sống tại vùng quê miền Nam Zimbabwe mới 13 tuổi nhưng đã phải vất vả suốt ngày. Việc nào trong nhà cũng đến tay em, từ lao động ngoài vườn đến chăm sóc đứa con mới 3 tháng tuổi. Virginia còn phải chuẩn bị cho 4 đứa em đến trường và giúp chúng làm bài tập về nhà. Đó là những nhiệm vụ khó khăn nhất đối với Virginia bởi vì ở tuổi 13, em cũng muốn đi học.

Virginia là một trong những trường hợp mang thai ở trẻ em gái ở Zimbabwe trong thời kỳ đại dịch. Zimbabwe từ lâu đã phải vật lộn với những vụ mang thai và tảo hôn như vậy. Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, cứ 3 cô gái ở nước này thì có 1 cô gái kết hôn trước 18 tuổi. Vấn đề tôn giáo tại Zimbabwe cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn. Chẳng hạn, theo đức tin tôn giáo và tập quán lâu đời thì các bé gái thường được khuyến khích kết hôn với những người lớn tuổi khi họ còn rất nhỏ tuổi. Zimbabwe là một trong 33 quốc gia châu Phi quy định độ tuổi tối thiểu cho hôn nhân là 18 tuổi nhưng tình trạng hôn nhân bất hợp pháp vẫn diễn ra do có sự đồng ý của các bậc cha mẹ.

Mặt khác, nhiều em gái mang thai ngoài ý muốn do thực thi pháp luật lỏng lẻo, tình trạng nghèo đói phổ biến. Đặc biệt, lệnh phong toả khiến các em gái bị bỏ rơi và không được tiếp cận với các biện pháp tránh thai và phòng khám. Những rắc rối của các gia đình nghèo khó càng khiến tình trạng này trở nên tồi tệ hơn. Giới chức Zimbabwe cho biết, năm 2018, cả nước có khoảng 3.000 trẻ em gái bỏ học vì mang thai. Năm 2020, con số này đã tăng lên khi có đến 4.770 học sinh mang thai rời trường. Năm 2021, con số này đã tăng vọt. Theo Bộ trưởng Phụ nữ Sithembiso Nyon, có khoảng 5.000 học sinh, sinh viên mang thai chỉ trong 2 tháng đầu năm 2021. Bà Tsitsi Chitongo, nhân viên hoạt động cộng đồng tại Zimbabwe, cho biết: "Nhiều cô gái trở thành nạn nhân của nạn xâm hại tình dục hoặc tảo hôn và mang thai như một cách thoát nghèo. Số vụ trẻ em bị xâm hại tình dục tăng mạnh trong thời gian phong tỏa. Các em có quá nhiều thời gian và ít hoạt động lành mạnh. Số trường hợp trẻ em mang thai cũng vì thế mà tăng lên".

Zimbabwe nỗ lực kêu gọi các bà mẹ nhí quay trở lại trường học - Ảnh 1.

Virginia Mavhunga bên con trai nhỏ của mình

Nhọc nhằn con đường đến trường

Tháng 8/2020, Chính phủ Zimbabwe đã cho phép học sinh mang thai đến trường. Các nhà hoạt động và chính quyền ca ngợi động thái này là một bước tiến quan trọng của quốc gia đang phát triển nhưng cho đến nay, chính sách mới phần lớn đã thất bại. Hầu hết các em gái vẫn chưa trở lại trường học với lý do gia đình gặp khó khăn về kinh tế, cũng như sự kỳ thị và bắt nạt trong lớp. Với Virginia, em đã cố gắng trở lại trường học khi đang mang thai. Các thầy cô đã động viên em và gia đình. Tuy nhiên, em là tâm điểm của những trò đùa và là chủ đề bàn tán trong một cộng đồng không quen nhìn thấy một cô gái mang thai trong bộ đồng phục học sinh. "Mọi người cười nhạo và chế giễu em: "Cái bụng sao thế này?", em nói khi nhìn vào bức ảnh của mình trong bộ đồng phục màu tím. Em đã bán bộ đồng phục đó với giá 2 USD.

Virginia cho biết em hy vọng người đàn ông lớn tuổi mà em đã quan hệ sẽ kết hôn với mình. Bất chấp những lời hứa ban đầu, cuối cùng anh ta vẫn phủ nhận. Em và gia đình đã không theo đuổi vụ án xâm hại tình dục theo luật định mặc dù luật pháp Zimbabwe quy định độ tuổi chấp thuận quan hệ là 16. Theo luật, những người bị kết tội quan hệ tình dục hoặc quấy rối bất kỳ ai dưới 16 tuổi có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù lên đến 10 năm. Thế nhưng, cảnh sát Paul Nyathi cho biết, các gia đình thường cố gắng thương lượng với kẻ phạm tội, gây áp lực buộc hắn phải kết hôn với cô gái và đưa gia súc hoặc tiền bạc cho gia đình. Sau đó, họ đồng ý không báo cáo vụ việc với cảnh sát.

Zimbabwe đã có luật hoặc chính sách để bảo vệ việc giáo dục trẻ em gái khi đang mang thai. Điều này đã tạo cơ hội cho các nhân viên cộng đồng khuyến khích các em gái trở lại trường học. Thông qua một nhóm thúc đẩy quyền của trẻ em gái, bà Tsitsi Chitongo đã tổ chức các cuộc họp cộng đồng và gõ cửa từng nhà để nói chuyện với các gia đình ở vùng nông thôn, hẻo lánh.

Đối với Virginia, em quyết sẽ đi học trở lại vào một ngày nào đó. Em muốn vào một trường đại học, kiếm được một tấm bằng và đền đáp công lao của cha mẹ. "Em không sợ quay lại trường học khi con lớn hơn. Bây giờ mọi người có thể cười nhạo em nhưng tôi dành tất cả thời gian rảnh rỗi và cuối tuần của mình để học", Virginia chia sẻ.

Học kỹ năng sống và học nghề

Tổ chức Bác sĩ không biên giới đã thành lập một câu lạc bộ dành cho các bà mẹ tuổi teen nhằm cung cấp các khóa học về kỹ năng sống, dạy họ cách kiếm tiền qua việc làm móng tay và làm xà phòng để bán. Hơn 300 cô gái đã chọn chương trình này thay vì học chính thức vì họ cần một kỹ năng có thể giúp họ nhanh chóng kiếm tiền. Tanaka Rwizi (16 tuổi) không thể nào đến trường được nữa. Em đã bỏ học sau khi mang thai vào đầu năm ngoái. Mỗi thứ năm, em cùng các cô gái khác tham gia chương trình của tổ chức từ thiện để học nghề.

Chương trình từ thiện trên có một phòng khám cung cấp các biện pháp tránh thai. Các nhân viên phòng khám cho biết nhiều trẻ em gái cần các dịch vụ như vậy vì cha mẹ họ bảo thủ, đã đánh đồng biện pháp tránh thai với mại dâm. Đề xuất cung cấp các biện pháp tránh thai trong trường học đã vấp phải sự phẫn nộ ở quốc gia bảo thủ và và ảnh hưởng tôn giáo sâu sắc này. Yvette Kanenungo, một tình nguyện viên 20 tuổi, cho biết: "Các cô gái bị cấm sử dụng biện pháp tránh thai do truyền thống của cha mẹ họ rằng, họ không được quan hệ tình dục cho đến khi 20 tuổi hoặc kết hôn. Sự thật là các cô gái đã quan hệ tình dục rồi nhưng không thể tự do dùng các biện pháp tránh thai vì sắc lệnh cấm quan hệ tình dục trước hôn nhân".

Nhu Thụy