leftcenterrightdel
 Chị em Sajdaa Isma’il và Hanin Marshad

Ở một thành phố như Jerusalem, hiếm khi gặp được những người như Sajdaa: một phụ nữ Hồi giáo đội khăn trùm đầu và làm tài xế xe buýt. Tuy nhiên, chắc chắn là có ít nhất một người phụ nữ giống cô trong thành phố này: Hanin Marshad, 30 tuổi, cũng là bà mẹ 4 con đến từ Sur Baher. Thực tế, Hanin đã theo bước Sajdaa, em gái mình, đến với nghề này. Mọi chuyện bắt đầu khi Sajdaa và Hanin đang làm công tác hỗ trợ đi lại cho trẻ chậm phát triển trí tuệ. Sajdaa kể lại: "Tôi nhìn người lái xe và nghĩ: Mình cũng có thể làm được điều này". Cách đây một năm, Sajdaa lấy được bằng lái và bắt đầu công việc tài xế xe buýt.

Việc hai chị em Sajdaa đến từ Đông Jerusalem tham gia lực lượng lao động, đặc biệt là trong nghề lái xe bus, là điều hiếm gặp ở đây. Theo dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Chính sách Jerusalem, chỉ có 60% phụ nữ ở Jerusalem tham gia thị trường lao động vào năm 2022. Tỷ lệ này ở Đông Jerusalem là 27%, mặc dù thực tế nhiều phụ nữ từ Đông Jerusalem có bằng cấp học thuật. Theo Viện Jerusalem, hiện tượng này là hậu quả của nhiều yếu tố, bao gồm việc thiếu sự công nhận bằng cấp từ các tổ chức giáo dục, thiếu cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho các bà mẹ đang đi làm (như trung tâm giữ trẻ và trường mẫu giáo), thiếu mạng lưới việc làm cho phụ nữ...

Thật vậy, Sajdaa chia sẻ rằng, không giống như những gia đình khác trong cộng đồng của mình, chồng và đại gia đình của cô đã ủng hộ ngay từ khi cô quyết định trở thành tài xế xe buýt. "Tôi nghĩ, có thể họ cũng có một chút vấn đề với việc tôi học lái xe buýt nhưng họ đã thể hiện sự hào hứng khi nghe tôi thông báo", Sajdaa kể. "Nhiều người ở Sur Baher khuyến khích quyết định này của tôi nhưng cũng có những người nhìn nhận nó một cách tiêu cực và nói: Bạn là phụ nữ, chỗ của bạn là ở nhà với lũ trẻ. Nhưng tôi không để ý đến họ. Tôi rất vui với công việc này. Mỗi ngày, tôi đều về nhà với nụ cười thật tươi".

Đối với nhiều phụ nữ ở Đông Jerusalem, hành động của hai chị em Sajdaa tượng trưng cho việc trao quyền cho phụ nữ. Sajdaa chia sẻ: "Khi phụ nữ nói với tôi về điều này, tôi luôn nói với họ rằng chúng ta là những người mạnh mẽ. Không chỉ riêng đàn ông, chúng ta cũng có thể làm bất cứ điều gì mình muốn". Hanin tiết lộ, cô theo đuổi nghề này sau khi thấy những gì em gái làm. Cô nói: "Tôi thấy cô ấy hạnh phúc như thế nào với nó và tôi cũng muốn điều đó. Sajdaa đã dạy tôi cách tương tác với hành khách và tôi đã tiến bộ rất nhiều".

Sajdaa cho biết thêm, tại nơi làm việc của họ, công ty vận tải Superbus, lãnh đạo luôn chú ý đến ngày nghỉ của nhân viên và việc họ là những bà mẹ đi làm. "Nếu tôi không thể đến hoặc đến muộn, họ sẽ nói: Không sao đâu, hãy cứ làm việc trong tâm thế thoải mái".

Lãnh đạo Superbus cho biết: "Superbus luôn cố gắng cung cấp một môi trường làm việc đa dạng, nơi mọi người luôn hỗ trợ lẫn nhau. Chúng tôi có những tài xế nam và nữ xuất sắc, luôn thực hiện nhiệm vụ của mình với sự tận tâm và trách nhiệm".

Trong ngành vận tải trên thế giới nói chung, bình đẳng giới là vấn đề nhức nhối khi phụ nữ vẫn phải đối mặt với những rào cản đáng kể. Một nghiên cứu được công bố hồi tháng 5/2023 của Ngân hàng Thế giới, Mạng lưới POLIS của châu Âu về vận tải và Quỹ FIA đã chỉ ra rằng, chỉ có 16,8% lực lượng lao động giao thông vận tải trên toàn thế giới là phụ nữ. Con số này là 5,5% ở các quốc gia Ả Rập và 10% ở châu Phi, trong khi Bắc Mỹ có tỷ lệ cao hơn là 29%. 

Nguyên nhân chủ yếu của sự mất cân bằng giới tính này được xác định do những định kiến về giới và phân biệt nghề nghiệp kéo dài, dẫn đến thiếu hụt sự hiện diện của phụ nữ ở ghế lái và các vai trò khác liên quan đến lĩnh vực Khoa học, Kỹ thuật, Công nghệ và Toán học (STEM). Văn hóa nơi làm việc mang đậm tính phân biệt đối xử, khiến phụ nữ đứng trước nguy cơ bị quấy rối cũng là một trong những lý do được đưa ra.

Minh Trang/Nguồn: Ynet News