Cuối cùng thì “triều đại” của nữ Thủ tướng Angela Merkel cũng đang dần đến những ngày cuối cùng sau hơn 16 năm nắm giữ vị trí “thuyền trưởng” lèo lái “con thuyền” nước Đức hùng mạnh.

Nếu các cuộc thương lượng chính trị để lập nên một chính phủ mới kéo dài sau cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 26/9 tới thì bà Angela Merkel sẽ trở thành người lãnh đạo cấp cao có thời gian phục vụ đất nước lâu nhất trong lịch sử hiện đại của nước Đức với 4 nhiệm kỳ liên tiếp, vượt qua cả cựu Thủ tướng Helmut Kohl.

Bà Angela Merkel sẽ dừng vai trò Thủ tướng Đức sau 16 năm phục vụ - Ảnh: Jutrczenka/Picture Alliance/Getty Images
Bà Angela Merkel sẽ dừng vai trò Thủ tướng Đức sau 16 năm phục vụ - Ảnh: Jutrczenka/Picture Alliance/Getty Images

Hãng tin Washington Post của Mỹ mô tả người phụ nữ này là “một lãnh đạo kỳ cựu nổi bật trên bầu trời chính trường châu Âu. Một gương mặt hiếm hoi mà thế hệ trẻ của nước Đức có thể nhớ khi nhắc đến vị trí thuyền trưởng chèo lái đất nước trong suốt 16 năm qua”.

Những người ủng hộ bà Angela Merkel có thể say sưa kể về người phụ nữ đặc biệt này với nhiều điều tốt đẹp, kể cả việc bà được ca tụng như là “một người lãnh đạo của thế giới tự do” - cụm từ được chính bà đọc trong bài diễn văn tháng 11/2016 ngay sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ với sự đắc cử của ông Donald Trump.

Và điều dễ nhận thấy nhất chính là việc tên của bà được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trên các diễn đàn quốc tế trong vai trò của một trong những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Ngay cả với cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng mô tả bà như là “một nhà lãnh đạo chính trị toàn cầu xuất sắc”.

Vì vậy, với quyết định dừng cuộc chơi chính trị tại thời điểm này, bà Angela Merkel là một nhân vật đặc biệt với những “di sản” nổi bật mà không nhiều người có thể có được.

Bức tường Berlin và ngã rẽ theo con đường chính trị

Sự kiện bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989 chính là thời điểm mở ra cánh cửa để bà Merkel, con gái của một mục sư thuộc Giáo hội Luther, được đặt chân vào thế giới chính trị.

Bà Angela Merkel thời trẻ - Ảnh: art-bald
Bà Angela Merkel (bên trái) thời trẻ - Ảnh: art-bald

Nhớ lại những ngày đầu của cuộc đời mình khi mới 35 tuổi trong một cuộc nói chuyện tại Đại học Harvard, bà kể lại việc hàng ngày mình đã di chuyển qua lại ở khu vực bức tường này để đến chỗ làm ở Viện Hóa - Lý trung ương trong vai trò của một nhà khoa học.

“Suốt một thời gian dài, tôi phải bước qua một cánh cửa xuyên qua bức tường. Tôi có cảm giác chính bức tường đó đã làm hạn chế các cơ hội phát triển của bản thân mình”, bà Merkel nói. “Hay nói cách khác, nó đã chặn đứng đường đi của tôi”.

Và khi bức Berlin tường sụp đổ cũng là lúc bà bỏ lại sự nghiệp của một nhà khoa học lại đằng sau để bước chân vào con đường chính trị. “Một khoảnh khắc kỳ diệu và đầy phấn khích đã làm thay đổi cuộc đời của tôi”.

Thời điểm lịch sử đó đã góp phần định hình nên các tư duy chính trị của bà Merkel khi bà đã không ngừng nỗ lực để định vị nước Đức nói riêng và châu Âu nói chung như một chiếc cầu để nối hai bờ Đông và Tây lại với nhau.

Thời điểm đó, bà Merkel tham gia phong trào dân chủ, gia nhập Đảng Dân chủ thức tỉnh (Demokratischer Aufbruch) mới thành lập. Sau cuộc tổng tuyển cử dân chủ đầu tiên tại Đông Đức, bà làm việc với vị trí phát ngôn viên một cơ quan chính phủ. Sau cuộc tổng tuyển cử Đức đầu tiên từ khi hai nước sáp nhập thành Cộng hòa Liên bang Đức vào tháng 12/1990, Merkel trở thành Bộ trưởng Đặc trách các vấn đề phụ nữ và thanh niên trong Nội các của ông Helmut Kohl. Năm 1994, bà được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Môi trường và An ninh hạt nhân.

Bà Merkel thời còn làm Bộ trưởng Bộ trưởng phụ nữ và thanh niên đang trao đổi với Thủ tướng Helmut Kohl trong một hội nghị diễn ra năm 1991 - Ảnh: Michael Jung/picture-alliance/dpa/AP
Bà Merkel thời còn làm Bộ trưởng Bộ trưởng phụ nữ và thanh niên đang trao đổi với Thủ tướng Helmut Kohl trong một hội nghị diễn ra năm 1991 - Ảnh: Michael Jung/picture-alliance/dpa/AP

Năm 1998, khi Chính phủ Helmut Kohl bị bỏ phiếu bất tín nhiệm, bà Merkel trở thành Tổng thư ký CDU và sự nghiệp chính trị của bà thăng tiến nhanh chóng kể từ đó.

Ngày 10/4/2000, bà được bầu chọn để trở thành người phụ nữ đầu tiên nắm giữ vị trí chủ tịch Đảng khiến cho nhiều nhà quan sát chính trị thời bấy giờ tỏ ra ngạc nhiên, nhất là khi CDU vẫn đang nặng nề với truyền thống lãnh đạo phải là nam giới.

Năm 2005, bà Merkel chính thức chạy đua trong cuộc tổng tuyển cử bằng các chiến dịch vận động tranh cử rầm rộ. Một cuộc dàn xếp giữa các đảng với nhau sau đó vào tháng 11/2005 đã đưa cho bà cơ hội ngồi lên chiếc ghế Thủ tướng trong sự hồ nghi của nhiều người. Tuy nhiên, với mục tiêu chính của chính phủ mới do mình lãnh đạo là giảm tỷ lệ thất nghiệp cho hơn 5 triệu người đồng thời vực dậy nền kinh tế đang bị trì trệ nặng nề, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa 2 miền Đông Đức và Tây Đức đã mang lại những hy vọng của người dân dành cho bà Merkel, nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử chính trị của nước Đức.

 “Với sự thành công của bà Angela Merkel, Cộng hòa Liên bang Đức sẽ chứng kiến những thay đổi cấp tiến hơn bao giờ hết kể từ năm 1949”, sử gia Gotz Aly viết trên Wall Street Journal.

"Cơn bão Euro-zone" và dấu ấn của nữ thuyền trưởng nước Đức

Khi cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực đồng Euro bắt đầu bùng nổ vào cuối năm 2009 với một loạt các quốc gia châu Âu lâm vào tình trạng phá sản, bà Merkel đã đóng vai trò dẫn dắt bằng những giải pháp kịp thời và đầy tính quyết đoán nhằm hóa giải cuộc khủng hoảng nợ công đe dọa sự tồn tại của đồng tiền euro, gây ảnh hưởng nền tài chính toàn cầu.

Thủ tướng Angela Merkel đã lãnh đạo châu Âu thoát khỏi cơn bão nợ công - Ảnh: DPA
Thủ tướng Angela Merkel đã lãnh đạo châu Âu thoát khỏi "cơn bão" nợ công - Ảnh: DPA

“Nếu đồng euro thất bại thì có nghĩa là cả châu Âu thất bại”, bà Merkel nói, đồng thời đề ra chính sách thắt lưng buộc bụng để thuyết phục các thành viên khu vực đồng Euro cắt giảm chi tiêu công nhằm cứu Hy Lạp tránh khỏi nguy cơ vỡ nợ. Trong khi các cuộc đàm phán giữa Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras với các chủ nợ quốc tế có lúc tưởng như đi vào ngõ cụt, “bà đầm thép” nước Đức vẫn kiên trì với niềm niềm tin về khả năng có thể đạt được một thỏa thuận về khủng hoảng nợ Hy Lạp.

Và cuối cùng, dù rất khó khăn, Hy Lạp và EU đã đạt được thỏa thuận với sự chấp nhận của tất cả các quốc gia thành viên. Để đạt được kết quả này, không ai có thể phủ nhận sự đóng góp không nhỏ của nước Đức, trong đó dấu ấn của bà Merkel là khó có thể phủ nhận.

Cuộc khủng hoảng nhập cư và nhà lãnh đạo có trái tim nhân hậu

Có lẽ thời điểm cam go nhất trong sự nghiệp chính trị của bà Merkel là vào năm 2015 khi số người tị nạn vào châu Âu tăng lên đột biến khi hàng triệu người dân thường tìm cách thoát khỏi những cuộc nội chiến triền miên ở Syria để tìm mọi cách vào châu Âu, kể cả bằng con đường lênh đênh trên biển đầy nguy hiểm.

Trong bối cảnh hàng loạt vụ khủng bố đẫm máu diễn ra ở ngay trong lòng châu Âu khiến nhiều nhà lãnh đạo EU trở nên e dè trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư thì bà Merkel đã mở cánh cửa để chào đón hơn 800.000 người di cư nhập cảnh vào Đức.

Một thanh niên tị nạn người Syria với tấm ảnh Thủ tướng Angela Merkel tháng 5/2015 - Ảnh: Sean Gallup/Getty Images
Một thanh niên tị nạn người Syria với tấm ảnh Thủ tướng Angela Merkel tháng 9/2015 - Ảnh: Sean Gallup/Getty Images

Quyết sách đầy táo bạo này của bà Merkel đã gây nhiều tranh cãi ngay cả trong nội bộ nước Đức với sức ép đòi bà từ chức cũng như vấp phải sự phản đối, cô lập của các nước thành viên EU. Thế nhưng, phần lớn các quốc gia trên thế giới đều bày tỏ sự ngưỡng mộ vì sự hào phóng, tốt bụng, cởi mở của người Đức, và gọi bà Merkel là “lương tâm của châu Âu”.

“Chúng ta có thể làm được điều này” - câu nói của bà Merkel khi đến thăm một trại tị nạn vào tháng 8/2015 thể hiện sự khẳng định nước Đức sẵn sàng dang rộng vòng tay với người tị nạn đã khiến họ cảm động gọi bà là “người mẹ Merkel”. Chính trái tim nhân hậu của một người phụ nữ đã giúp bà vượt qua được những toan tính thiệt hơn về lợi ích chính trị để đưa ra những giải pháp rất con người, nhất là khi đứng trước tình huống thảm họa nhân đạo mà phụ nữ và trẻ em là những đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất.

Cũng trong năm 2015, bà Merkel đã trở thành một hiện tượng khi nhận được sự ngưỡng mộ của không chỉ các chính khách hàng đầu trên thế giới mà còn của những người dân bình thường. Bà được hãng tin AFP của Pháp vinh danh là Nhân vật có ảnh hưởng nhất năm 2015, tuần báo Mỹ Time và nhật báo Anh Financial Times bình chọn là Nhân vật của năm 2015.

Bà Angela Merkel nhận được sự ngưỡng mộ của giới trẻ - Ảnh: art-bald
Bà Angela Merkel nhận được sự ngưỡng mộ của giới trẻ - Ảnh: art-bald

“Bà ấy đã đứng ở bên bờ của những điều đúng đắn mà chắc chắn lịch sử sẽ ghi nhận”, Tổng thống Mỹ Barack Obama không tiếc lời khen ngợi người nữ đồng cấp của mình bằng những lời có cánh nhất.

“2015 là một năm thật đáng kinh ngạc. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trải qua một chuỗi các sự kiện lớn và có ý nghĩa như vậy”, nữ Thủ tướng Đức, người hiếm khi dùng ngôn từ cường điệu, cũng phải bày tỏ cảm xúc của mình sau khi trải qua một năm đầy sóng gió.

Chiến đấu với COVID-19 bằng tư duy của nhà khoa học

Ngay thời điểm đầu tiên khi đại dịch COVID-19 bắt đầu tấn công thế giới và nước Đức xác nhận ca nhiễm đầu tiên vào ngày 28/1, bằng tư duy của một nhà khoa học làm chính trị, bà Merkel hiểu rằng, mình cần phải có những phát ngôn rõ ràng và thẳng thắn dựa trên các tiếp cận của khoa học về vấn đề dịch bệnh thay vì cách né tránh và vòng vo của một số lãnh đạo và chính trị gia của các cường quốc khác.

Thủ tướng Angela Merkel trong một cuộc họp báo về COVID-19 - Ảnh: Reuters
Thủ tướng Angela Merkel trong một cuộc họp báo về COVID-19 - Ảnh: Reuters

Ngày 18/3/2020, bà Merkel đã có một bài phát biểu trực tiếp hiếm hoi trên truyền hình để đưa ra các quyết sách phòng chống dịch của nước Đức. Bà kêu gọi người dân Đức chấp nhận đối mặt với những tác động ghê gớm mà dịch bệnh tạo ra, trong đó có cả sự hạn chế về tự do đi lại và sinh hoạt của công dân - là một điều người dân Đức vốn đã phải trải qua sự chia cắt giữa 2 miền không dễ chấp nhận.

“Bà Merkel không phải là một nhà lãnh đạo có khả năng hùng biện thiên bẩm, nhưng bản thông điệp đầy bình tĩnh này đã góp phần tăng cường niềm tin của người dân. 90% người Đức cảm thấy bà có thể làm được”, giáo sư Wolfgang Merkel tại Đại học Humboldt (Đức) nhận xét. “Khi mọi người quá bất an về tương lai, họ sẽ tìm kiếm sự bảo vệ và ổn định hơn từ chính phủ”.

Còn bà Andrea Römmele, giáo sư tại trường Herti ở Berlin, một cơ sở đào tạo về lãnh đạo chính trị hàng đầu châu Âu thì cho rằng, lần đầu tiên trong 150 năm qua, thế giới đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng toàn cầu nhưng mọi người không hướng về Mỹ với vai trò lãnh đạo thế giới mà họ lại hướng về bà Merkel, hướng về nước Đức.

Nhờ sự bình tĩnh, quyết đoán, và tôn trọng khoa học, bà Merkel đã làm được nhiều tích cực trong việc chống lại sự tấn công của đại dịch COVID-19. Tổng số ca tử vong tại Đức ở mức tương đối thấp khi so sánh với các quốc gia khác. Ngoài ra, trong khi hầu hết các quốc gia đang vật lộn đối phó với dịch thì nước Đức lại nổi lên như là một hình mẫu với chương trình xét nghiệm virus SARS-CoV-2 rộng khắp giúp khả năng khống chế dịch bệnh trở nên hiệu quả hơn.

Cách tiếp cận của một nhà lãnh đạo có tư duy khoa học đã giúp Thủ tướng Angela Merkel có các quyết sách chống dịch hiệu quả - Ảnh: Michael Kappeler/DPA/Alamy
Cách tiếp cận của một nhà lãnh đạo có tư duy khoa học đã giúp Thủ tướng Angela Merkel có các quyết sách chống dịch hiệu quả - Ảnh: Michael Kappeler/DPA/Alamy

Vốn xuất thân là một nhà nghiên cứu, bà Merkel hiểu rất rõ vai trò của khoa học trong công cuộc ứng phó với đại dịch COVID-19 lần này. Bà đã tập hợp quanh mình những chuyên gia xuất sắc nhất đến từ các tổ chức nghiên cứu hàng đầu nước Đức và các trường đại học công lập để tạo nên một nhóm đặc nhiệm chuyên trách COVID-19. Bà cũng đề cao tiếng nói chuyên môn của các chuyên gia y tế trong quá trình ra các quyết sách chống dịch của mình.

Chính nhờ sự trung thực về thông tin và thái độ tôn trọng khoa học của bà Merkel đã góp phần lớn trong việc thuyết phục được người Đức tuân thủ các quy tắc phòng chống dịch cho đến thời điểm hiện tại.

Uy tín lên cao trong những ngày “hoàng hôn nhiệm kỳ”

Kết quả của cuộc khảo sát do báo Tấm gương (Spiegel) của Đức công bố hồi đầu tháng 8/2021 cho thấy, trong nhiệm kỳ 16 năm qua, Thủ tướng Merkel đã phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng nghiêm trọng như: khủng hoảng đồng euro, vấn đề bảo vệ khí hậu, loại bỏ hạt nhân sau thảm họa tại Fukushima (Nhật Bản), vấn đề người tị nạn và giờ đây là đại dịch COVID-19.

Thế nhưng, có tới 75% số người được phỏng vấn đã đánh giá tích cực vai trò thủ tướng Đức của bà Merkel trong việc ứng phó với các vấn đề này. Phần lớn người dân Đức nhận xét rằng, nữ thủ tướng của mình là người có năng lực giải quyết vấn đề, có tài lãnh đạo, là người đáng tin cậy, có thiện cảm, dễ mến.

Giờ đây, ở tuổi 67, bà Merkel tuyên bố rằng, bản thân không có mong muốn tìm kiếm thêm một vai trò mới trong sự nghiệp chính trị của mình nữa.

“Những gì nằm trong danh sách cần làm của tôi hiện nay là viết sách, đi nói chuyện với người dân, đi trượt tuyết. Tôi cũng muốn dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi ở nhà cũng như du lịch vòng quanh thế giới”, bà Merkel chia sẻ trong một cuộc họp báo diễn ra đầu tháng 9/2021.

Thủ tướng Angela Merkel trở về nhà sau chuyến công tác ngày 7/9/2021 - Ảnh: Sean Gallup/Getty Images
Thủ tướng Angela Merkel trở về nhà sau phiên họp Quốc hội cuối cùng vào ngày 7/9/2021 - Ảnh: Sean Gallup/Getty Images

Là một người không muốn người khác nói về mình nên bà thường xuyên từ chối các câu hỏi về “thời kỳ hoàng kim” khi đảm nhận vai trò thuyền trưởng của quốc gia đầu tàu trong khối EU.

Thế nhưng trong một cuộc phỏng vấn diễn ra tại thị trấn ven biển Stralsund vào năm 2019, khi được hỏi liệu có muốn trong tương lai, con cháu sẽ đọc về bản thân bà trong những quyển sách lịch sử, người phụ nữ được ưu ái gọi là “Mutti” (Mẹ - biệt danh của bà Merkel) mỉm cười với câu trả lời ngắn gọn: “Tại sao lại không nhỉ?”.

Theo phunuonline