Biểu tình tại Pakistan phản đối tình trạng cưỡng hiếp phụ nữ và trẻ em

Nạn nhân thường bị đổ lỗi

Cách đây không lâu, vào ngày 10/9, cả Pakistan rúng động vì một phụ nữ bị lôi ra khỏi xe và bị tấn công tình dục nhiều lần ngay trên đường cao tốc Lahore-Sialkot trước mặt ba con. Cô còn bị lấy mất thẻ ATM cùng số nữ trang mang theo. Cảnh sát trưởng Lahore, ông Muhammad Umar Sheikh, cho biết, lực lượng an ninh đã mở cuộc truy lùng các thủ phạm. Tuy nhiên, ông Sheikh có một số phát biểu dường như là chỉ trích nạn nhân khi hỏi tại sao người phụ nữ lái xe muộn mà không có nam giới đi cùng và cũng hỏi tại sao nạn nhân không kiểm tra xem xe có đủ xăng không. Ngay sau bình luận này của ông Shiekh, mạng xã hội Pakistan dậy sóng và mọi người kêu gọi sa thải cảnh sát trưởng Lahore.

Trước đó, một bé gái 5 tuổi tại Karachi bị cưỡng hiếp, đánh vào đầu rồi thiêu sống ngày 4/9. Cảnh sát đã bắt giữ 20 người bị nghi vấn và các nhà điều tra cho biết một nghi phạm thừa nhận việc bắt cóc và giết hại cô bé.

Phản ứng trước hai vụ việc, Thủ tướng Imran Khan cho biết giới chức sẽ làm tất cả để đưa những thủ phạm ra trước công lý. "Không thể cho phép sự tàn bạo và thú tính như vậy xảy ra ở bất cứ xã hội văn minh nào", ông Khan đăng trên Twitter.

Các thành viên của nhóm “Soul Sisters Pakistan” - giúp những phụ nữ chia sẻ các vấn đề liên quan đến xâm hại

Các vụ việc trên đã châm ngòi cho hàng loạt cuộc biểu tình tại Pakistan. Còn trên mạng xã hội, những kêu gọi công lý cho các nạn nhân được chia sẻ rộng rãi. Chúng đến từ dân thường, chính trị gia đối lập và cả những vận động viên nổi tiếng, trong đó có Shan Masood, thành viên đội tuyển cricket quốc gia Pakistan.

"Chúng ta không thể để mất thế hệ trẻ bởi những hành động kinh tởm và vô nhân đạo. Im lặng tức là làm vấn đề thêm nghiêm trọng. Chúng ta phải đương đầu với những kẻ hèn hạ này và phải hành động", anh Masood viết trên Twitter. Còn nhà báo Pakistan Ailia Zehra viết trên Twitter về vụ việc người phụ nữ bị cưỡng hiếp trên đường cao tốc: "Nếu một sĩ quan cảnh sát hàng đầu có thể công khai đổ lỗi cho nạn nhân, hãy tưởng tượng cảnh sát cấp dưới đối xử với những người sống sót sau vụ cưỡng hiếp như thế nào. Đây là lý do tại sao phụ nữ không trình báo các vụ xâm hại tình dục".

Nhiều vụ hiếp dâm và lạm dụng trẻ em đã xảy ra ở Pakistan trong những năm qua. Theo Sahil - một tổ chức quyền trẻ em, vào năm 2019, truyền thông đưa tin có 2.846 trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục tại Pakistan. Con số 2.846 này gồm cả nam lẫn nữ và đó mới chỉ là số liệu được ghi nhận trong một năm, chưa kể những trường hợp không được trình báo.

Nạn nhân thường bị coi là "tội phạm" hoặc bị đổ lỗi trong các vụ việc xâm hại ở đất nước Hồi giáo này. Những nhà hoạt động nhân quyền từ lâu cho rằng giới chức ở tất cả các cấp tại Pakistan đều không ghi nhận vấn đề một cách toàn diện. Bà Mehnaz Akber Aziz, thành viên phe đối lập ở Quốc hội Pakistan và cũng là nhà hoạt động quyền trẻ em nổi tiếng, cho rằng "sự thờ ơ còn phổ biến" từ các quan chức trước những trường hợp hiếp dâm hoặc lạm dụng. "Không có sự đồng cảm, chỉ có sự im lặng nhưng điều đó đang thay đổi vì công chúng bắt đầu phản đối", bà Aziz nhận định.

Các thành viên của nhóm “Soul Sisters Pakistan”

Bà Aziz cho biết, hầu hết nạn nhân hiếp dâm và bị lạm dụng đều đến từ các thị trấn nhỏ hoặc làng mạc xa xôi. Vụ việc của họ ít gây chú ý trên mạng xã hội. Giới chức không đến thăm họ, thủ phạm thường được thả tự do một cách lặng lẽ sau khi cơn giận dữ của mọi người lắng xuống. Còn nhà tâm lý học Maria Rashid cho biết: "Ở Pakistan, tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục đã trở thành vấn nạn nghiêm trọng do sự yếu kém trong việc thực thi pháp luật".

Cần xây dựng "không gian an toàn"

Phát biểu tại cuộc họp cấp cao nhân kỷ niệm 25 năm Hội nghị Thế giới về Phụ nữ ngày 1/10, Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan Shah Mehmood Qureshi đã chia sẻ, Pakistan đang thực hiện các sáng kiến lập pháp để hạn chế nạn bạo lực đối với phụ nữ. Kế hoạch Hành động quốc gia về nhân quyền đã coi "bảo vệ phụ nữ" là một trong những lĩnh vực ưu tiên của Pakistan.

Kanwal Ahmed, người sáng lập trang Facebook “Soul Sisters Pakistan”, nơi giúp những phụ nữ chia sẻ các vấn đề liên quan đến xâm hại

"Thông qua các sáng kiến lập pháp, chúng tôi liên tục giải quyết các vấn đề bạo lực đối với phụ nữ, bạo hành gia đình, quấy rối, bảo vệ quyền xã hội và tài sản. Chính phủ cũng đã thiết lập các trung tâm bảo vệ và đường dây nóng hỗ trợ 24/24 (1099) để cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý miễn phí và cơ chế giải quyết các vụ việc cho chị em", ông Qureshi nói.

Theo dữ liệu từ Ủy ban Nhân quyền Pakistan và Tạp chí Khoa học Y khoa Pakistan cho thấy, 90% phụ nữ ở Pakistan đã phải chịu bạo lực gia đình. Chính phụ nữ đã tự mình đứng dậy bảo vệ nhau, nổi bật là cô Kanwal Ahmed (31 tuổi) - người đã cho chị em một "không gian an toàn" để nói về những điều cấm kị. Trên trang Facebook "Soul Sisters Pakistan" 264.000 thành viên do Kanwal Ahmed lập nên, nhiều phụ nữ nước này đã mạnh dạn thảo luận về các chủ đề như tình dục, lạm dụng, hôn nhân và phá thai.

"Tôi muốn nhóm trở thành một nơi mà phụ nữ thực sự cởi mở mà không sợ bị tấn công, quấy rối hoặc bị phán xét. Các chị sẽ phá vỡ im lặng, tố cáo những kẻ thủ ác để chúng tôi kết nối với cảnh sát trừng trị những kẻ xấu đó", Ahmed nói.

Có 3-6 triệu cuộc trò chuyện trên trang của Ahmed mỗi tháng. Trong "không gian an toàn" này, chị em lắng nghe nỗi thống khổ của ai đó rồi xoa dịu họ, cung cấp cho họ sức mạnh tinh thần. Những người phụ nữ trong nhóm chia sẻ cho nhau những lời khuyên trong việc giải quyết các vụ việc, còn các luật sư tư trong nhóm tư vấn pháp lý cho các nạn nhân.

Nhu Thụy (Nguồn: New York Times, Tribune)