Rất nhanh, ý tưởng trở thành hành động. Cuối năm 2019, cô gái này chuyển khỏi trung tâm Thượng Hải và trở thành một "nông dân" trên đảo Sùng Minh - hòn đảo lớn thứ 3 ở Trung Quốc.

Cố Nguyệt ở Thượng Nhiêu, tỉnh Giang Tây, từng du học ở Hà Lan, làm việc ở Thượng Hải trong một công ty thuộc hàng lớn nhất Trung Quốc. Cô gái từng là niềm tự hào của gia đình.

Tháng 10 năm ngoái, sau gần một năm con gái chuyển đến sống ở đảo, mẹ cô đến thăm. "Chúng tôi nói chuyện rất lâu nhưng vẫn không nhận được sự ủng hộ", Cố lo lắng nói: "Với mẹ, tôi như một đứa con bỏ đi. Bà đã dùng hai từ 'phế thải' để đay nghiến tôi".

Cố Nguyệt bỏ Thượng Hải về làm nông ở một hòn đảo sau khi thấy mệt mỏi bởi cuộc sống thành thị. Ảnh: qq.

Cố Nguyệt bỏ trốn khỏi Thượng Hải không phải do bốc đồng mà quyết định được đưa ra sau nhiều năm cân nhắc: "Tôi từng nghĩ sẽ rất thoải mái với cuộc sống ở thành phố hạng nhất". Nhưng một mình sống trong căn hộ đi thuê 6-7 năm, cô bắt đầu bối rối trước câu hỏi: "Liệu có sự khác biệt giữa con người và máy móc?".

Theo quan điểm của Cố Nguyệt, cuộc sống ngày càng giống một cỗ máy với nhịp độ làm việc nhanh, làm thêm giờ, xa lánh các mối quan hệ cá nhân. Cảm giác trống rỗng thường xuyên tràn ngập trong tâm trí. "Có lần bị ốm, nằm trên giường không ai biết. Tôi nghĩ, nếu mình chết chắc chẳng ai quan tâm", cô gái kể.

"Đào thoát khỏi thành phố" là một khái niệm rất "nóng" trên Internet thời điểm đó. Khi nghe thấy lần đầu tiên, Cố bỗng như tìm thấy câu trả lời cho bi kịch của mình. Cô quyết định rời Thượng Hải nhưng không muốn về quê bởi biết bố mẹ sẽ phản đối. Bản thân cô cũng không biết làm gì nếu trở về một thành phố nhỏ. Cố dự định rời đến vùng ngoại ô Thượng Hải để sau này nếu hối hận, quay lại cũng không khó.

Thời điểm đó, cô không phải người đầu tiên "trốn" khỏi Thượng Hải. Một người bạn thuê một ngôi nhà nhỏ trên đảo Sùng Minh với khoảng sân rộng và vài mẫu đất. "Ở đây không khí trong lành, con người thân thiện, rừng rậm uốn mình bên những con đường nhỏ. Khung cảnh rất khác với cuộc sống thành thị đã thu hút tôi", Cố ấn tượng ban đầu về vùng đất mới khi đến thăm người bạn. Sau đó ít lâu, cô rời Thượng Hải ra đảo. Tại đây, cô gặp và làm quen với một nhóm bạn trẻ. Họ chia sẻ với nhau kinh nghiệm sống và cùng nhau canh tác.

Cuộc sống ở Sùng Minh khác xa thành phố. Làm việc ở Thượng Hải, nếu muốn trò chuyện với mọi người, bạn cần phải hẹn trước. Nhưng trên đảo, khái niệm về thời gian trở nên yếu ớt. "Tôi có thể đến gặp một người bạn bất cứ lúc nào. Chỉ cần trò chuyện và giúp họ làm một số việc vặt trong nhà. Nếu họ không có ở đó, tôi sẽ đi làm việc khác". Mối quan hệ giữa con người với con người với Cố trở nên đơn giản và thoải mái hơn.

Cố Nguyệt đến đảo Sùng Minh tự trồng lúa và hoạt động sản xuất để tạo ra lương thực nuôi sống bản thân. Ảnh: qq.

Nơi cô gái này sinh sống có tên "Nông trại gỗ thải", thuê lại của một dân đảo. "Tôi bình tĩnh tiếp nhận tên gọi có phần tự ti này. Xét từ góc độ nào đó, tình trạng hiện tại của tôi chẳng phải giống một đống gỗ thải vô dụng sao?". Thế nhưng cô gái này tin rằng dù là gỗ vụn cũng có vẻ đẹp riêng. "Chúng ta nên bao dung với một số người đã chọn cuộc sống vô dụng mà họ thích", cô nói.

Những cư dân trẻ của đảo Sùng Minh như Cố Nguyệt cũng tự gọi mình là "nông dân mới" trong những dịp trang trọng. Khi mọi người đang tìm cách kiếm tiền nhanh hơn, những người trẻ này lại phơi mình dưới ánh nắng mặt trời, cuốc đất, xới cỏ. Họ lao động để sản xuất lương thực nhằm giải quyết vấn đề sinh tồn. Chính phương thức sản xuất thô sơ này đã mang lại cho Cố Nguyệt sự hài lòng chưa từng có. Cô nói: "Cảm giác làm nông giống như nuôi rất nhiều thú cưng. Sự cô đơn của cuộc sống thành phố đã biến mất ở đây". Cô gái này không còn cô đơn, bởi tất cả mọi thứ đều sống động và thay đổi mỗi ngày.

"Khi sống ở thành phố, nhiều loại thực phẩm vô vị mà bạn chẳng thể hài lòng. Nhưng củ cải, cà chua và rau cỏ tự trồng sẽ đi vào cơ thể bạn với hương thơm, cảm giác và vị giác mà chúng phải có. Điều này tạo nên sự hạnh phúc", Cố nói và cho biết, cô chỉ tiêu hơn 400 tệ mỗi tháng (1,4 triệu đồng), bao gồm cả tiền thuê nhà là 250 tệ. Trong khi một bữa ăn ở Thượng Hải đã có giá từ một đến hai trăm tệ.

Dù giảm chi tiêu nhưng Cố tin rằng chất lượng sống của mình tăng vọt. Nơi ở rộng rãi hơn, thực phẩm ăn lành mạnh hơn, không khí tốt hơn và sức khỏe cũng được cải thiện đáng kể. Cô học cách làm đậu phụ, bí ngô khô hay nấu rượu... Ngay cả những quả dứa nhặt được trên đường cũng được làm thành chất tẩy rửa tự nhiên sau vài lần phơi khô.

Một số người bạn biết Cố Nguyệt đến đảo Sùng Minh, họ gửi cho cô những video của Lý Tử Thất hỏi đây có phải là cuộc sống cô mong muốn? Cố cho rằng những video này quá lãng mạn và hình ảnh đó khác xa với đời thực của mình.

Khi làm việc ở Thượng Hải, Cố sống trong một căn hộ trên tầng chín, sạch sẽ và ngăn nắp, không khí tương đối khô ráo. Trong khi đó, hòn đảo này nhiều gió và ẩm ướt. Nhiều côn trùng bay vào nhà theo gió. Thỉnh thoảng chúng còn bò lổn nhổn dưới lối đi. Vào mùa mưa, đồ đạc dễ bị nấm mốc. Ngay khi có ánh nắng mặt trời, phải nhanh chóng mang đồ ra phơi khô. "Sống trong môi trường này cần nhạy cảm với thời tiết bởi nó liên quan mật thiết tới sức khỏe của bạn", Cố Nguyệt cho biết. Gió ở đảo Sùng Minh cũng rất mạnh. Làm gì khi trời mưa, gió to hay khi nắng tắt, tất cả đều phải sắp xếp phù hợp.

So với Lý Tử Thất, Cố Nguyệt không có kinh nghiệm về cuộc sống thôn quê trước đây, thậm chí không biết nấu ăn, phải học mọi thứ từ đầu và đương nhiên đối mặt với nhiều thử thách hơn. May mắn, những người hàng xóm sẵn sàng giúp đỡ cô. Trong cộng đồng này, một số người làm nông, một số làm thủ công và một số làm việc từ xa. Tuy vậy mối quan hệ của họ rất tốt đẹp.

Những người bạn sống cùng trên đảo gọi nhau là "nông dân mới". Trong cộng đồng này, một số người làm nông, một số làm thủ công và một số làm việc từ xa. Tuy vậy mối quan hệ của họ rất tốt đẹp. Ảnh: qq.

Dù cuộc sống mới còn khá nhiều khó khăn, nhưng Cố phải đối mặt với một vấn đề lớn hơn, đó là làm thế nào để bố mẹ chấp nhận sự thay đổi của mình. Mẹ cô từng đến gặp con gái, nói: "Con thực sự sẽ thế này sao? Mẹ không thể chấp nhận được. Con có khả năng làm việc và kiếm tiền trong thành phố. Những người khác có thể làm được, tại sao con lại không?". Cố Nguyệt nói rằng có cuộc tranh cãi và mẹ cô đã khóc. Với cô gái 30 tuổi này, chỉ mong thời gian trôi qua và cô vẫn hạnh phúc với lựa chọn của mình: "Rồi từ từ mọi người sẽ hiểu".

Sống trên đảo Sùng Minh hơn một năm, Cố Nguyệt cũng có nhiều kế hoạch cho tương lai. Thời gian gần đây, cô đang học thêm nhiều kỹ năng sống khác. "Tôi muốn tiếp tục thử thách bản thân. Hy vọng xã hội của chúng ta đa dạng hơn và mọi người đều có quyền lựa chọn lối sống cho riêng mình".

Cô gái này cho rằng, điều thúc đẩy con người thay đổi không chỉ là tiền mà còn là sự khám phá cuộc sống chưa được biết đến. "Tìm kiếm cuộc sống mà bạn mong muốn nhất là điều đáng được ghi nhận và khuyến khích", cô khẳng khái.

Theo vnexpress